Thị trường đỏ lửa, YBM vẫn 'tím lịm' 5 phiên: Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái có gì đặc biệt?

Thị trường chứng khoán ngày 4/4 chìm trong sắc đỏ, VN-Index mất gần 20 điểm, hàng loạt cổ phiếu lao dốc, nhưng giữa cơn bão đó, YBM vẫn tăng trần phiên thứ 5 liên tiếp. Vậy YBM có gì?

Thị trường chìm sắc đỏ, YBM vẫn tím ngắt

Phiên giao dịch ngày 4/4 khép lại trong sự ảm đạm của thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index giảm sâu 19,17 điểm (-1,56%), rơi xuống 1.210,67 điểm; HNX-Index cũng mất 3,98 điểm (-1,8%), xuống còn 216,97 điểm. Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường với 513 mã giảm, gần gấp đôi số mã tăng (255 mã). Ngay cả nhóm VN30 – nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường – cũng không tránh khỏi áp lực bán mạnh, với 20 mã giảm, chỉ 9 mã tăng và 1 mã đứng giá.

Nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index phải kể đến GAS, GVR, BCM và HPG, kéo chỉ số giảm hơn 6,1 điểm. Ở chiều ngược lại, VIC, LPB, VNM và VHM là những mã hiếm hoi giữ được sắc xanh, đóng góp trở lại hơn 5,7 điểm.

Thị trường phiên hôm 4/4 chìm trong sắc đỏ

Thị trường phiên hôm 4/4 chìm trong sắc đỏ

Thanh khoản thị trường có sự gia tăng so với phiên trước, với giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt hơn 39,5 nghìn tỷ đồng và HNX đạt hơn 1,8 nghìn tỷ đồng. Dù vậy, điều này phần lớn phản ánh áp lực bán tháo hơn là sự nhập cuộc của dòng tiền mới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chung chìm trong sắc đỏ, cổ phiếu YBM của Công ty Cổ phần Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái lại đi ngược xu hướng một cách đầy "lạ lùng". Kết phiên 4/4, YBM tiếp tục tăng trần, chạm mốc 17.900 đồng/cổ phiếu. Đáng nói, đây đã là phiên trần thứ 5 liên tiếp của YBM. Ngay cả trong phiên trước đó, khi hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, nhiều mã nằm sàn la liệt, YBM vẫn "tím lịm", không hề bị ảnh hưởng bởi thị trường chung.

Sự thăng hoa khó lý giải của YBM khiến giới đầu tư không khỏi đặt câu hỏi: Điều gì đang thúc đẩy cổ phiếu này tăng mạnh, bất chấp những tín hiệu tiêu cực từ thị trường và cả chính tình hình tài chính của doanh nghiệp?

YBM: Lợi nhuận teo tóp, tiền mặt cạn kiệt

Trong quý IV/2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái đạt 226 tỷ đồng, tăng 44,34% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cũng tăng 41,99%, lên 153 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận gộp đạt 73 tỷ đồng, tăng 49,48%.

Doanh thu tài chính ghi nhận mức tăng đột biến 166,68%, đạt 7,6 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm mạnh 84,76%, còn 3 tỷ đồng.

BCTC hợp nhất quý IV/2024 của YBM

BCTC hợp nhất quý IV/2024 của YBM

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp gần như không đổi, lần lượt ở mức 62 tỷ đồng và 3,55 tỷ đồng.

Dù các chỉ số doanh thu và lợi nhuận gộp tăng trưởng tích cực, lợi nhuận sau thuế lại giảm 78,93%, xuống còn 2,8 tỷ đồng, cho thấy áp lực chi phí và hiệu quả hoạt động chưa được cải thiện như kỳ vọng.

Lũy kế cả năm 2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 771 tỷ đồng, tăng 38,9% so với năm 2023. Dù doanh thu tăng trưởng mạnh, lợi nhuận sau thuế lại giảm 24,4%, chỉ còn 13,4 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2024, tổng tài sản của công ty đạt 624 tỷ đồng, tăng 10,42% so với đầu năm. Một điểm đáng lo ngại khác là dòng tiền mặt của YBM suy giảm nghiêm trọng. Cuối năm 2024, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn 5,37 tỷ đồng, giảm mạnh 75,04% so với đầu năm, phản ánh dòng tiền mặt suy giảm đáng kể.

Hàng tồn kho tăng 33,84%, lên 105 tỷ đồng, cho thấy lượng hàng chưa tiêu thụ còn lớn. Đầu tư tài chính ngắn hạn cũng giảm 53,33%, chỉ còn 5 tỷ đồng.

Việc tiền mặt suy giảm trong khi hàng tồn kho tăng cao khiến YBM đối mặt với rủi ro thanh khoản, đặc biệt khi doanh nghiệp cần dòng tiền để trả nợ và duy trì hoạt động.

Tổng nợ tăng 13,7%, đạt 436 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng nhẹ 3,3% lên 239,8 tỷ đồng, còn vay dài hạn tăng mạnh 16,7% lên gần 100 tỷ đồng, cho thấy công ty đang dựa vào nguồn vốn vay dài hạn nhiều hơn để tài trợ hoạt động. Đáng chú ý, tại thuyết minh cho thấy, doanh nghiệp có khoản vay dài hạn các cá nhân lên tới hơn 14 tỷ đồng. Cụ thể, vay bà Hồ Nhật Lệ hơn 6,1 tỷ đồng, vay bà Đặng Thị Minh Trang 5 tỷ đồng, vay bà Nguyễn Thị Nguyên 2 tỷ đồng, vay ông Bùi Hai Võ 1 tỷ đồng.

Việc vay từ cá nhân tiềm ẩn rủi ro lớn, bởi những khoản vay này thường không có điều khoản ổn định như vay ngân hàng và có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào, gây áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Vốn điều lệ của YBM tính tới cuối năm 2024 đạt gần 143 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT YBM là ông Vũ Đức Hậu nắm 0,74%; ông Hoàng Minh Hiếu - Phó Giám đốc nắm 8,63%; bà Đào Thị Thuận (mẹ ông Hoàng Minh Hiếu) nắm 11,52%; ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc góp 1,05%;

Ong Lý

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/thi-truong-do-lua-ybm-van-tim-lim-5-phien-khoang-san-cong-nghiep-yen-bai-co-gi-dac-biet-139766.html