Thị trường EU ưa chuộng hạt gạo Việt, xuất khẩu khởi sắc
Hạt gạo Việt ngày càng được thị trường EU ưa chuộng khi kim ngạch xuất khẩu gạo sang một số thị trường khu vực này tăng trưởng đến 3 con số.
Gạo Việt chinh phục thị trường EU
Tại đồng bằng sông Cửu Long, Tập đoàn Lộc Trời đang tiếp tục mở rộng xuất khẩu, đã nhận các đơn hàng xuất khẩu lên tới 400.000 tấn gạo sang thị trường EU trong năm 2023. Hiện, gạo Lộc Trời thương hiệu Cơm Việt Nam Rice đã vào hệ thống siêu thị EU và được bán với mức giá 12,9 EUR/5kg (túi), tương đương ngưỡng 2.000 USD/tấn.
Trước đó, vào trung tuần tháng 2/2023, Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) đã xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị đầu tiên sang thị trường EU với giá 1.800 USD/tấn.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, để xuất khẩu vào các thị trường khó tính, đòi hỏi cả nông dân và doanh nghiệp phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Sự hợp tác đặt hàng, bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp là rất quan trọng, như Tập đoàn Lộc Trời, Tân Long, Trung An đã và đang thực hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là lý do giúp gạo Việt trụ vững ở thị trường EU.
Xuất khẩu gạo sang EU duy trì khởi sắc từ năm ngoái đến năm nay. Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết 5 năm gần đây, xuất khẩu gạo duy trì khối lượng trên 6 triệu tấn/năm và có xu hướng tăng trưởng qua các năm, với giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm.
6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang một số thị trường tại EU tăng trưởng ở mức 3 con số như Ba Lan tăng 117%, Bỉ tăng 165%, Tây Ban Nha tăng 308%...
Về giá gạo xuất khẩu, bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang EU thường có giá cao gấp nhiều lần con số bình quân này.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt. Nhờ những ưu đãi về thuế quan, xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu (EU) được đánh giá cao và cho các kết quả tích cực.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt. Nhờ những ưu đãi về thuế quan, xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu (EU) được đánh giá cao và cho các kết quả tích cực.
Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hằng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.
Theo Bộ Công thương, xuất gạo sang EU về lượng tuy không lớn so với các thị trường khu vực khác nhưng giá trị gia tăng lại rất cao do 27 nước EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam. Đây là thị trường khó tính song sẵn sàng chi trả cao cho các sản phẩm có chất lượng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tận dụng tối đa lượng gạo xuất khẩu theo hạn ngạch thuế quan để hưởng thuế 0% mà EU dành cho Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2022, xuất khẩu gạo sang thị trường EU tăng mạnh, đạt 94.510 tấn gạo và vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo hàng năm mà EU dành cho Việt Nam theo cam kết từ Hiệp định EVFTA.
Kết quả này cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính đồng thời cho thấy các thương nhân tận dụng tốt ưu đãi của EVFTA và các chương trình xúc tiến thương mại của Chính phủ.
Đơn cử, năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường châu Âu hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định EVFTA. Sau đơn hàng đầu tiên, các đối tác EU tiếp tục đặt hàng cho những lô gạo tiếp theo.
Không dừng lại ở đó, chỉ hai năm sau, với sự hỗ trợ, kết nối của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Lộc Trời đã thành công đưa sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng “Cơm Việt Nam Rice” lên kệ tại các hệ thống đại siêu thị của Pháp cũng như thâm nhập thị trường EU khó tính. Cho tới nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đạt được thành công này tại châu Âu.
Kết quả, năm 2022, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo tăng hơn 200% vào EU, doanh thu tăng hơn 150% so với năm trước. Ngay từ tháng 10/2022, Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU vào năm 2023 và vẫn đang tiếp tục thực hiện rất tốt đơn hàng này.
Hoặc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An), từ tháng 6/2021, Công ty đã mở Văn phòng đại diện tại Hamburg, Đức để các khách hàng thuộc Liên minh châu Âu dễ dàng tiếp cận sản phẩm mang thương hiệu Trung An.
"Thực tế chỉ sau 2 tháng, lượng khách hàng châu Âu đến mua sản phẩm tăng khá nhiều và vẫn duy trì đều đặn cho đến nay", đại diện Công ty Gạo Trung An cho hay.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn vay
Hiện nay, ngành sản xuất lúa gạo trong nước vẫn đang điều chỉnh theo hướng giảm sản lượng, tăng chất lượng, với các chủng loại gạo cao cấp, gạo thơm, tập trung vào các yêu cầu cao của thị trường thế giới, như sản xuất xanh, giảm phát thải, giảm thuốc trừ sâu, tăng sử dụng phân bón hữu cơ… Đây là cơ hội đưa sản phẩm gạo sang thị trường EU một cách thuận lợi nhất vì đây đều là những điều kiện thị trường EU yêu cầu.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng không lo thiếu gạo cho xuất khẩu. Với tình hình hiện nay sản xuất được bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu, bà Tâm cho biết hiện Tổng cục Dự trữ nhà nước cũng mở thầu gạo dự trữ nên nhu cầu gạo càng cao.
Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là vấn đề vốn, tín dụng. Do đó, bà Bùi Thị Thanh Tâm kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.
Do đó, bà Tâm đề xuất: “Cần tăng cường chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm, có thể chỉ cần áp dụng trong thời điểm thu hoạch, mùa vụ cao điểm và dựa trên kết quả thẩm định, lịch sử kinh doanh của từng doanh nghiệp để có chương trình cho vay vốn phù hợp”.
Tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết, từ năm 2012, lĩnh vực xuất khẩu thuộc nhóm được vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất thấp chỉ 4,5%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc công nghiệp chế biến, chế tạo cũng thuộc nhóm được hưởng gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ. Tuy nhiên, việc giải ngân gói này còn chậm do đây là chính sách hỗ trợ sử dụng nguồn ngân sách của Chính phủ và thực hiện thông qua ngân hàng thương mại. Do đó, việc phải bảo đảm các điều kiện vay vốn và tâm lý thận trọng trong sử dụng vốn ngân sách cũng là yếu tố tác động.
Về phía Bộ Công thương, Bộ khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn (như rà soát để tiếp tục đề xuất miễn giảm một số khoản thuế, phí) và giải pháp về tiền tệ (tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng), tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thi-truong-eu-ua-chuong-hat-gao-viet-post761512.html