Thị trường gạo thế giới dự kiến tiếp tục chịu áp lực do nguồn cung lớn
Thị trường gạo thế giới dự kiến tiếp tục chịu áp lực từ nguồn cung lớn và cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu chủ lực như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.
Trong báo cáo tháng 6/2025 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo niên vụ 2025/26 sản lượng gạo toàn cầu đạt mức kỷ lục 538,71 triệu tấn. Nhu cầu tiêu thụ gạo toàn cầu ước đạt 538,75 triệu tấn (không đổi so với dự báo tháng 05/2025). Đồng thời, lượng dự trữ cuối vụ được giữ ổn định ở mức 185,07 triệu tấn.

Giá gạo bình quân tháng 6/2025 tại các quốc gia xuất khẩu lớn tiếp tục giảm nhẹ so với tháng trước.
Trên thị trường thế giới, giá gạo bình quân tháng 6/2025 tại các quốc gia xuất khẩu lớn tiếp tục giảm nhẹ so với tháng trước, đồng thời giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 398 USD/tấn (giảm 2,34% so với tháng 5/2025 và giảm 35,71% so với tháng 6/2024); giá gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 383,1 USD/tấn (lần lượt giảm 0,16% và 30,08%); giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 390 USD/tấn (lần lượt giảm 2,28% và 31,87%).
Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo tháng 6/2025 diễn biến trái chiều so với tháng trước. Giá lúa nguyên liệu giảm mạnh do áp lực nguồn cung sau thu hoạch chính vụ Đông Xuân, trong khi giá gạo thành phẩm cơ bản giữ ổn định.
Cụ thể, tại An Giang, lúa OM18 có giá 6.000-6.200 đồng/kg (giảm khoảng 10-12% so với tháng 05/2025); lúa IR50404 ở mức 5.400-5.600 đồng/kg (giảm khoảng 8-10%); gạo thường dao động 13.000-14.000 đồng/kg (giảm khoảng 1-2%); gạo thơm Jasmine duy trì ở mức 16.000-18.000 đồng/kg (ổn định); gạo hạt dài đạt 20.000-22.200 VND/kg (giữ nguyên so với tháng trước).
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), sơ bộ trong tháng 6/2025 cả nước xuất khẩu khoảng 700 nghìn tấn gạo, kim ngạch đạt 364,4 triệu USD (tăng 35,64% về lượng và tăng 12,74% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước); lũy kế từ quý I/2025, xuất khẩu gạo đạt 4.900 nghìn tấn, kim ngạch 2.540 triệu USD (tăng 7,6% về lượng, nhưng giảm 12,2% về kim ngạch), trung bình 6 tháng đầu năm 2025 giá xuất khẩu gạo đạt 517,5 USD/tấn (giảm mạnh 18,4% so với cùng kỳ năm 2024).
Diễn biến trái chiều của giá lúa gạo trong tháng 6/2025 phản ánh tác động đồng thời từ phía cung và cầu. Một mặt, nguồn cung lúa OM18 và IR50404 tăng mạnh sau thu hoạch chính vụ Đông Xuân, trong khi sức mua nội địa chưa phục hồi rõ rệt, khiến giá hai loại lúa này giảm đáng kể.
Ngược lại, giá gạo thơm Jasmine và gạo hạt dài giữ ổn định nhờ đơn hàng xuất khẩu vẫn tương đối khả quan, đặc biệt từ các thị trường châu Á và Trung Đông. Bên cạnh đó, tâm lý thận trọng của doanh nghiệp trước xu hướng giảm giá xuất khẩu toàn cầu cũng làm giảm nhu cầu thu mua nguyên liệu.
Trong tháng 7/2025, thị trường gạo thế giới dự kiến tiếp tục chịu áp lực từ nguồn cung lớn và cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu chủ lực như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Giá xuất khẩu gạo nhiều khả năng sẽ dao động trong biên độ hẹp và khó phục hồi rõ rệt, do tồn kho tại nhiều nước nhập khẩu vẫn ở mức cao.
Tại thị trường trong nước, lúa IR5040 và gạo hạt dài có thể giữ giá hoặc giảm nhẹ 0,5-1% nếu đơn hàng xuất khẩu không có đột biến. Trong khi đó, lúa OM18 và gạo thơm Jasmine dự kiến tiế tục giảm 1-2% do dư cung và sức tiêu thụ nội địa còn yếu.
Cập nhật số liệu mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) (ngày 10/7/2025), hiện giá gạo 5% tấm của Thái Lan đứng ở mức 378 USD/tấn, giảm 23 USD so với thời điểm này tháng trước. Tương tự, gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam giảm 6 USD còn 382 USD/tấn, gạo Ấn Độ giảm 5 USD còn 377 USD/tấn, trong khi gạo Pakistan giảm 2 USD còn 390 USD/tấn.