Thị trưởng Gen Z trẻ nhất Nhật Bản

Các cuộc bầu cử bổ sung của Nhật Bản trong tuần này đã chứng kiến những gương mặt mới, đa dạng, được chú ý trên khắp cả nước.

Một số người ủng hộ đã ăn mừng, coi cuộc bầu cử lần này là một sự thay đổi đáng hoan nghênh đối với chính phủ của Nhật Bản - chủ yếu do những người đàn ông lớn tuổi bảo thủ điều hành.

Hầu hết thành viên của Quốc hội Nhật Bản ở độ tuổi từ 50 đến 70, và 75% là nam giới, theo dữ liệu từ Liên minh Nghị viện.

Thị trưởng trẻ nhất

Một trong những cái tên nổi bật là Ryosuke Takashima (26 tuổi) - thị trưởng trẻ nhất từ trước đến nay của Nhật Bản, theo đài truyền hình công cộng Nhật Bản NHK.

Anh đã tốt nghiệp Đại học Harvard vào năm 2022 và lấy bằng cử nhân về kỹ thuật môi trường.

“Là một người trẻ, tôi nghĩ có khả năng người dân sẽ cảm thấy gần gũi với tôi hơn. Bởi tôi không có kinh nghiệm về chính trị, nên tôi có thể hỏi xung quanh những gì tôi không hiểu, học tập nhiều điều khác nhau và tôi muốn phản ánh chúng theo cách nhìn của riêng mình”, anh chia sẻ.

 Ryosuke Takashima, thị trưởng mới được bầu của thành phố Ashiya ở tỉnh Hyogo của Nhật Bản. Ảnh: takashimaryosuke.jp.

Ryosuke Takashima, thị trưởng mới được bầu của thành phố Ashiya ở tỉnh Hyogo của Nhật Bản. Ảnh: takashimaryosuke.jp.

Takashima đã vận động về quy hoạch cơ sở hạ tầng xanh, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều không gian công cộng và công viên hơn, cũng như cải cách giáo dục, chăm sóc trẻ em và chăm sóc sức khỏe cho thanh thiếu niên. Anh sẽ bắt đầu giữ chức thị trưởng thành phố Ashiya ở tỉnh Hyogo vào ngày 1/5.

Một YouTuber (26 tuổi), với tên chính thức là “Shin the Hiratsuka YouTuber”, điều hành chiến dịch tranh cử vào Hội đồng thành phố Hiratsuka, cũng giành chiến thắng.

Shin cũng điều hành một cửa hàng thẻ Pokemon nhưng được biết đến nhiều nhất với kênh YouTube - nơi anh tạo các video về cửa hàng địa phương cùng sự kiện trong thành phố. Video phổ biến nhất của anh có nội dung review 10 cửa hàng ramen được đề xuất ở Hiratsuka.

Theo trang web của Shin, trong khi quay những video trên và nói chuyện với các chủ doanh nghiệp địa phương, anh đã lắng nghe, học hỏi được từ lời phàn nàn và rắc rối của họ. Điều này truyền cảm hứng cho anh tranh cử vào hội đồng thành phố và làm mới bối cảnh chính trị trầm lắng.

 Shin the Hiratsuka YouTuber, người được bầu vào hội đồng thành phố Hiratsuka. Ảnh: Shin/YouTube.

Shin the Hiratsuka YouTuber, người được bầu vào hội đồng thành phố Hiratsuka. Ảnh: Shin/YouTube.

Là cha đơn thân của cậu con trai 3 tuổi, Shin tập trung vào các vấn đề chăm sóc trẻ em trong chiến dịch tranh cử của mình. Anh nêu bật nhu cầu hỗ trợ nhiều hơn cho bậc cha mẹ và cân bằng giữa công việc - cuộc sống, cũng như hỗ trợ người già, khi dân số Nhật Bản già đi nhanh chóng và lực lượng lao động bị thu hẹp.

Những cái tên khác

Ayaka Nasuno, 25 tuổi, là một chính trị gia Gen Z khác ra mắt sau khi giành được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất cho Hội đồng thành phố Kawasaki vào đầu tháng này.

Sau khi bị bắt nạt khi còn nhỏ, Nasuno quyết định “tạo cộng đồng của riêng mình” bằng cách tổ chức các buổi dọn rác tại địa phương. Đó là cách cô bắt đầu làm việc với cử tri và những nguồn lực địa phương, theo trang web của Nasuno và nhiều tài khoản mạng xã hội.

“Đây là bước khởi đầu trong sự nghiệp của tôi với tư cách là ủy viên hội đồng, vì vậy tôi sẽ làm việc chăm chỉ vì lợi ích của quê hương mình”, cô viết trên Twitter sau cuộc bầu cử, cảm ơn những người ủng hộ đã bỏ phiếu cho mình.

 Afiya Eri, người được bầu vào Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: Louise Claire Wagner.

Afiya Eri, người được bầu vào Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: Louise Claire Wagner.

Một cái tên nổi bật khác trong mùa bầu cử này là Afiya Eri, 34 tuổi, có cha mẹ là người Duy Ngô Nhĩ và người Uzbek. Cô là nhà ủng hộ trao thêm quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới.

Với việc được bầu vào Hạ viện Nhật Bản, Eri là phụ nữ gốc Duy Ngô Nhĩ đầu tiên được bầu vào quốc hội của một quốc gia trên thế giới, theo Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới. Tổ chức này đã gọi chiến thắng của cô có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ Nhật Bản và cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ toàn cầu.

Eri sinh ra ở Nhật Bản nhưng chuyển đến Trung Quốc khi còn nhỏ, trước khi học tại Đại học Georgetown ở Mỹ và làm việc cho Liên Hợp Quốc.

Cô chú ý đến chính trị và xã hội do nam giới thống trị của Nhật Bản, nêu bật các vấn đề như chênh lệch tiền lương theo giới tính, gánh nặng việc nhà và chăm sóc con cái không đồng đều đối với phụ nữ và nhu cầu nam giới đóng vai trò tích cực hơn trong việc nuôi dạy con cái.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thi-truong-gen-z-tre-nhat-nhat-ban-post1425263.html