Thị trường giằng co: Dầu thô tăng giá, cà phê Arabica và Robusta đi ngược chiều
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến tương đối giằng co trong tuần giao dịch vừa qua (30/6-1/7). Đóng cửa, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng gần 0,5% lên mức 2.223 điểm. Trên thị trường năng lượng, giá dầu được hỗ trợ nhờ kỳ vọng kinh tế vĩ mô tích cực hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Trong khi đó, thị trường cà phê ghi nhận xu hướng phân hóa rõ nét.

Thị trường năng lượng phục hồi, sắc xanh chiếm ưu thế
Theo ghi nhận của MXV, thị trường năng lượng đã quay đầu phục hồi tích cực trong tuần giao dịch vừa qua nhờ tâm lý lạc quan về triển vọng kinh tế vĩ mô sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu. Trong đó, giá dầu Brent ghi nhận mức tăng 2,25%, lên mốc 68,3 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI cũng tăng 2,26%, dừng ở mốc 67 USD/thùng.
Trong tuần qua, loạt chỉ báo tích cực về kinh tế Mỹ đã góp phần hỗ trợ đà tăng của giá dầu. Chỉ số cơ hội việc làm JOLTS tăng trong tháng 5, chỉ số PMI sản xuất do S&P Global công bố cũng ghi nhận mức cải thiện trong tháng 6 cùng với tỉ lệ thất nghiệp giảm, cho thấy thị trường lao động Mỹ đang tiếp tục phục hồi. Những tín hiệu này củng cố kỳ vọng về sự phục hồi hoạt động kinh tế, qua đó thúc đẩy nhu cầu năng lượng tại Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng bối cảnh hiện tại sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục trì hoãn quyết định cắt giảm lãi suất. Trước đó, Fed đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm phát gia tăng trở lại do các chính sách thuế quan của Nhà Trắng, cũng như những bất ổn tiềm ẩn đối với nền kinh tế Mỹ sau ngày 1/8, khi siêu dự luật về thuế và chi tiêu ngân sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã được thông qua.
Ngoài ra, thị trường cũng kỳ vọng vào các thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và các đối tác lớn trên thế giới. Đáng chú ý, ngày 2/7, Mỹ và Việt Nam đã công bố thỏa thuận thương mại mới, trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy giá tăng khoảng 3% trong phiên giao dịch cùng ngày.
Ở chiều ngược lại, giá khí tự nhiên trên sàn NYMEX tiếp tục lao dốc trong tuần qua, giảm sâu 8,83% xuống còn 3,41 USD/MMBtu. Áp lực giảm giá chủ yếu đến từ lượng tồn kho khí tự nhiên tại Mỹ liên tục tăng kể từ tháng 3, cùng với nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy điện sụt giảm. Thời tiết tại Mỹ dịu mát hơn trong tuần vừa qua cũng khiến nhu cầu năng lượng cho làm mát giảm, qua đó tác động trực tiếp đến nhu cầu khí tự nhiên trên thị trường.

Thị trường cà phê diễn biến phân hóa mạnh
Trái ngược với xu hướng chung của thị trường, nhóm nguyên liệu công nghiệp ghi nhận lực bán áp đảo trên hầu hết các mặt hàng chủ chốt. Trong đó, giá cà phê Arabica đánh mất hơn 4,6% về mức 6.384 USD/tấn. Ở chiều ngược lại, giá cà phê Robusta lại ghi nhận mức tăng nhẹ gần 0,5% lên mức 3.677 USD/tấn.
Áp lực giảm giá đối với mặt hàng cà phê Arabica chủ yếu xuất phát từ nguồn cung toàn cầu gia tăng. Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 5 niên vụ 2025-2026 đạt 12,65 triệu bao, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu Arabica trong 12 tháng gần nhất tăng 6% lên 86 triệu bao, trong khi Robusta giảm 3,44% xuống còn 50,7 triệu bao. Riêng tại Brazil, quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, tính đến ngày 4/7, yêu cầu xuất khẩu cà phê tháng 7 đã đạt 490.200 bao và dự kiến cả tháng có thể đạt tới 5 triệu bao, vượt xa mức 3,77 triệu bao cùng kỳ niên vụ trước.
Song song với đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê tại các thị trường lớn ở Bắc bán cầu đang có dấu hiệu chững lại do bước vào kỳ nghỉ hè kéo dài, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU Deforestation Regulation - EUDR) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Điều này có thể thúc đẩy các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua hàng sớm để bảo đảm cà phê được vận chuyển đến châu Âu trước ngày 31/12/2025, qua đó tạo lực đỡ cho giá cà phê trong thời gian tới.