Thị trường giao đồ ăn tỷ USD đang nằm trong tay ai?
Thị trường ứng dụng giao đồ ăn thực sự là một 'sân chơi' màu mỡ, khi Momentum Works ghi nhận tổng giá trị đơn hàng trên các nền tảng giao đồ ăn ở Việt Nam đã đạt 1,1 tỷ USD trong năm vừa qua.
Theo Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 được công bố bởi iPos.vn, giao đồ ăn được xem là xu hướng tất yếu của ngành F&B. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục lan tỏa trong những năm tới, theo đà mở rộng của hệ thống hạ tầng ứng dụng gọi món, giao vận, thanh toán.
Đáng chú ý, số liệu từ iPos.vn chỉ ra, khoảng 80% số lượng đơn đặt đồ ăn ở Việt Nam hiện tại đến từ các ứng dụng giao đồ ăn, và chỉ 20% là đến từ các hệ thống sẵn có như: gọi điện qua hotline, nhắn tin trực tiếp, hoặc thông qua các ứng dụng vận chuyển.
Thị trường ứng dụng giao đồ ăn thực sự là một "sân chơi" màu mỡ, khi Báo cáo nền tảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á thực hiện bởi Momentum Works ghi nhận tổng giá trị đơn hàng trên các nền tảng giao đồ ăn ở Việt Nam đã đạt 1,1 tỷ USD trong năm vừa qua.
Việt Nam hiện cũng là một trong những thị trường hấp dẫn bậc nhất trong khu vực, khi cùng lúc quy tụ 4 "tay chơi" lớn là: GrabFood (Grab), ShopeeFood (Shopee), GoFood (Gojek) và Baemin (Delivery Hero).
Số liệu từ Momentum Works cho thấy, Grab hiện dẫn đầu về giá trị đơn hàng giao đồ ăn tại Việt Nam, đạt gần 500 triệu USD. Theo sau là ShopeeFood - hơn 400 triệu USD, Baemin là hơn 120 triệu USD.
Mặc dù đây chưa phải những con số xác đáng cuối cùng, nhưng nó phần nào cho thấy, giao đồ ăn thực đang là một thị trường có sự cạnh tranh gay gắt.
Theo báo cáo của iPos.vn, ShopeeFood đang là ứng dụng giao đồ ăn được người Việt sử dụng thường xuyên và yêu thích nhất. Theo sau đó là ứng dụng GrabFood và Baemin với lần lượt 48% và 36% người dùng để đặt đồ ăn. Loship và BeFood có mức độ thường xuyên được sử dụng giống nhau với 7%, xếp ở vị trí cuối cùng.
Điều này ảnh hưởng tới hành vi và thói quen của người tiêu dùng Việt Nam. Có 64,7% số người được hỏi đã lựa chọn yêu tố về địa lý là lý do chính khiến họ cân nhắc lựa chọn một hàng ăn/uống trên các ứng dụng giao hàng.
Theo sau yếu tố về địa lý, khẩu vị là ưu tiên thứ 2 khiến những người này cân nhắc khi chọn quán với 53% tỷ lệ lựa chọn. Các yếu tố ít được quan tâm nhất là Tặng kèm món khi đặt (chiếm 12,3%) và hạn chế sử dụng đồ nhựa (chiếm 13%). Đây đều là những yếu tố không nhắm trực tiếp tới hương vị, và giá trị của đơn đặt hàng.
Nhìn chung khi đặt hàng trực tuyến, thực khách vẫn quan tâm với các yếu tố về giá cả và hương vị món ăn. Trong đó, vị trí địa lý gần là lựa chọn cân bằng được cả 2 yếu tố trên (do có chi phí vận chuyển thấp, thời gian giao hàng thấp giúp giữ được hương vị gần như nguyên bản).