Thị trường hàng hóa cơ bản ổn định sau tăng lương cơ sở

Từ ngày 1/7/2024, lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Những kỳ tăng lương trước, ngay khi tăng lương, giá hàng hóa đồng loạt tăng theo nhưng ở kỳ tăng lương này, chỉ một số mặt hàng thiết yếu tăng giá nhẹ, thị trường được ghi nhận cơ bản ổn định.

Hoạt động kinh doanh tại chợ Gạo (thành phố Hưng Yên)

Hoạt động kinh doanh tại chợ Gạo (thành phố Hưng Yên)

Tại chợ Gạo (thành phố Hưng Yên), giá các loại rau xanh tương đương hoặc tăng nhẹ so với tháng trước do ảnh hưởng của thời tiết khiến nguồn cung giảm. Cụ thể, rau cải 5 – 7 nghìn đồng/mớ, mướp 10 – 12 nghìn đồng/kg, rau muống 5 – 7 nghìn đồng/mớ, khoai tây 20 – 25 nghìn đồng/kg… Riêng mặt hàng thịt lợn có mức tăng cao nhất do giá lợn hơi tăng cao, ảnh hưởng của dịch bệnh tác động đến hoạt động chăn nuôi. Từ tháng 6 đến nay, giá thịt lợn tăng khoảng 15 – 20 nghìn đồng/kg, tùy loại. Ông Cao Văn Hợp, Trưởng ban quản lý chợ Gạo cho biết: Từ đầu tháng 7 đến nay, nguồn cung các loại hàng hóa dồi dào, giá bán ổn định, không có việc tiểu thương găm hàng, tăng giá khi tăng lương. Riêng nhóm hàng thời trang như: Quần áo, giày dép, mặc dù các chủ kiot đã treo biển giảm giá, khuyến mại nhưng sức mua rất chậm. Một số chủ kiot thời trang đã trả lại mặt bằng để chuyển đổi nghề.

Tại chợ Xuân Quan (Văn Giang), sau thời điểm tăng lương, thị trường hàng hóa không có nhiều biến động. Cụ thể, cá trôi 45 – 55 nghìn đồng/kg, cua đồng 200 – 220 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ 130 – 140 nghìn đồng/kg. Giá bán các loại trái cây, hoa, rau xanh không có nhiều biến động... Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn 3, xã Xuân Quan (Văn Giang) cho biết: Hằng ngày, tôi đi chợ để mua các đồ dùng, thực phẩm về nấu ăn, sinh hoạt trong gia đình. Tôi thấy ở các kỳ điều chỉnh tăng lương lần trước, khi lương chưa tăng thì giá nhiều mặt hàng đã tăng cao nhưng ở kỳ tăng lương lần này, giá bán các nhóm hàng hóa ổn định. Các mặt hàng thiết yếu có mức tăng, giảm nhẹ ở từng thời điểm và trong mức chấp nhận được. Tôi hy vọng thị trường tiếp tục giữ ở mức ổn định và sẽ không có hiện tượng tăng giá đột biến, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo quan điểm kinh doanh của các tiểu thương trong tỉnh, do ảnh hưởng của kinh tế chung nên sức mua của người dân từ đầu năm đến nay giảm. Trước thông tin tăng lương cơ sở, các cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động nguồn hàng, kế hoạch sản xuất để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, cân đối cung – cầu, giữ ổn định giá thị trường. Bà Vũ Thị Tuyết, tiểu thương kinh doanh ở chợ Bao Bì (thị xã Mỹ Hào) bộc bạch: Đối tượng khách hàng của chúng tôi chủ yếu là công nhân làm việc quanh địa bàn. Nếu chúng tôi tự ý tăng giá bán, khách hàng sẽ lựa chọn các quầy bán hàng khác để mua, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tự chọn trong tỉnh, hàng hóa phong phú và đa dạng, giá bán phải chăng, thậm chí có nhiều mặt hàng đang khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Ông Phạm Hữu Thắng, Giám đốc siêu thị Intimex (Yên Mỹ) cho biết: Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, bên cạnh việc chuẩn bị tốt nguồn hàng, siêu thị còn có những chiến lược về giá, đàm phán với các nhà cung cấp để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Đến thời điểm này, giá bán các nhóm hàng hóa tại siêu thị chưa có nhiều biến động, chưa có nhà cung cấp nào yêu cầu tăng giá vì tăng lương. Việc một số hàng hóa tăng giá khoảng 5 – 10% là bình thường vì ở thời điểm chưa tăng lương cũng đã có một số điều chỉnh do ảnh hưởng của vật liệu, chi phí vận chuyển, nhân công…

Để bảo đảm ý nghĩa chính sách tiền lương, tránh hiện tượng “té nước theo mưa” của thị trường, thời gian tới, Sở Công Thương tăng cường nắm bắt diễn biến giá cả hàng hóa, tình hình cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu; tiếp nhận kịp thời các văn bản thông báo hoạt động khuyến mại của các đơn vị, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kích cầu tiêu dùng theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc quản lý giá, giữ thị trường hàng hóa ở mức bình ổn, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý trên địa bàn. Lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào việc ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường. Cùng với việc kiểm soát giá hàng hóa, các ngành chức năng tập trung thúc đẩy sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến, đặc biệt đối với các mặt hàng như: Xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng…

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/thi-truong-hang-hoa-co-ban-on-dinh-sau-tang-luong-co-so-3173891.html