Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 2/8/2023: Giá dầu WTI giảm nhẹ 0,53%; Cà phê Robusta duy trì ở mức cao
Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 2/8/2023, giá dầu WTI giảm 0,53% xuống 81,37 USD/thùng và dầu Brent chốt phiên sát mốc 85 USD/thùng sau khi giảm 0,61%.
Giá dầu giảm nhẹ
Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa hôm nay ngày 2/8/2023 diễn biến như sau, sau 3 phiên tăng liên tiếp, giá dầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 01/08 trước áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư, và một vài dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ gặp sức ép nhất định.
Cụ thể, giá dầu WTI giảm 0,53% xuống 81,37 USD/thùng và dầu Brent chốt phiên sát mốc 85 USD/thùng sau khi giảm 0,61%.
Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên giao dịch sau khi quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới là Trung Quốc công bố dữ liệu sản xuất kém tích cực trong tháng 7. Cụ thể, chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất của Caixin, thường hướng tới các doanh nghiệp tư nhân, định hướng xuất khẩu, đạt mức 49,2 trong tháng 7, sau 2 tháng duy trì trên ngưỡng 50.
Điều này phản ánh quy mô thu hẹp của các nhà máy và tốc độ phục hồi chậm của nền kinh tế Trung Quốc, gây sức ép cho giá dầu.
Trong khi đó, dữ liệu từ Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) cho biết chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất tháng 07/2023 đạt mức 46,4 điểm, thấp hơn mức so với con số dự báo 46,8 điểm, và là tháng thứ 9 liên tiếp nằm dưới ngưỡng phân định 50, biểu thị cho sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy.
Thước đo việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống còn 44,4 điểm trong tháng 07/2023, mức thấp nhất kể từ tháng 07/2020. Ngoài ra, số cơ hội việc làm của Mỹ theo khảo sát của JOLTs đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây trong tháng 06/2023, đạt mức 9,58 triệu trong tháng 6, thấp hơn 34.000 so với tháng trước đó.
Dữ liệu kinh tế kém tích cực của Mỹ trong bối cảnh lãi suất tăng cao vẫn đang khiến thị trường thận trọng đánh giá bài toán tăng trưởng. Điều này cũng đã cản trở một phần đà tăng hiện tại của giá dầu.
Ngoài ra, về mặt cung cầu, việc giá dầu có xu hướng tăng trong giai đoạn gần đây trước tác động cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia đã khiến cho nguồn dầu khác cạnh tranh hơn, trong đó có dầu Mỹ, và dầu Nga.
Mức chiết khấu thu hẹp lại cũng khiến thị trường thận trọng nhập khẩu dầu thô. Trong đó, nhập khẩu dầu từ Nga của Ấn Độ đã giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp, xuống 2,09 triệu thùng/ngày trong tháng 7 từ mức 2,11 triệu thùng/ngày trong tháng 6, và dự kiến sẽ còn giảm hơn nữa trong các tháng tới. Các lô hàng nhập khẩu từ Saudi Arabia cũng ghi nhận sự suy giảm.
Trong bối cảnh giá dầu WTI vượt mốc 80 USD/thùng, Chính quyền Mỹ một lần nữa trì hoãn việc bổ sung dầu vào kho dự trữ dầu khẩn cấp của quốc gia, bác bỏ một loạt đề nghị mua dầu vào tháng Giêng. Chính quyền Biden đã tuyên bố rằng họ sẽ mua dầu thô khi giá giảm xuống khoảng 67 đến 72 USD/thùng.
Nhìn chung, giá dầu giảm một phần do lực bán chốt lời, trong khi lo ngại về việc thâm hụt vẫn là nhân tố chính hỗ trợ giá. Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ bất ngờ giảm mạnh 15,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/07, cho thấy nhu cầu gia tăng. Giá dầu ngay lập tức tăng mạnh sau báo cáo.
Thị trường kim loại “đỏ lửa”
Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm mạnh 2,59% xuống 24,32 USD/ounce, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong vòng một tháng rưỡi. Giá bạch kim giảm 1,90% phiên tại mức 940,4 USD/ounce.
Theo MXV, ngày hôm qua, nhóm kim loại quý phải chịu sức ép bởi đồng USD mạnh lên khiến chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn, trong khi vai trò trú ẩn của nhóm bị thất thế trong bối cảnh vĩ mô tích cực.
Trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng lạc quan về kinh tế Mỹ, sức mạnh của đồng USD dần được củng cố với chỉ số Dollar Index nối dài đà tăng sang phiên thứ tư liên tiếp khi tăng 0,44% lên 102,30 điểm, mức cao nhất trong vòng 3 tuần.
Về mặt dữ liệu kinh tế, hoạt động sản xuất của Mỹ đã thu hẹp trong tháng thứ chín liên tiếp vào tháng 7, theo Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho biết hôm thứ Ba, nhưng hoạt động kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ vẫn mạnh mẽ. Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ cho biết cơ hội việc làm giảm nhẹ so với tháng trước xuống mức 9,6 triệu được điều chỉnh theo mùa trong tháng 6. Đó là số lượng công việc có sẵn nhỏ nhất kể từ tháng 4 năm 2021, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Các dữ liệu này tiếp tục củng cố cho kỳ vọng Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái vào cuối năm nay và khiến vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý trở nên thất thế, khiến giá chịu sức ép.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 2,48%, ghi nhận ngày giao dịch giảm mạnh nhất trong vòng gần 3 tháng. Trong khi đó, giá sắt giảm 1,05% xuống 108,03 USD/tấn.
Giá đồng chịu sức ép bán mạnh ngay từ phiên sáng sau khi Caixin Trung Quốc công bố dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất thu hẹp sau 2 tháng mở rộng. Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất Caixin đạt 49,2 điểm, thấp hơn so với mức 50,1 điểm theo dự báo của giới phân tích và là mức thấp nhất trong vòng 6 tháng.
Dữ liệu này được công bố 1 ngày sau khi dữ liệu PMI chính thức được công bố bởi Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS). Dữ liệu của NBS cũng đã chỉ ra hoạt động sản xuất của Trung Quốc thu hẹp tháng thứ tư liên tiếp.
Hơn nữa, lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn ở Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên nhu cầu đồng và quặng sắt. Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy doanh số bán nhà tại Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm trở lại đây. Cụ thể, giá trị doanh số bán nhà mới của 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã giảm 33,1% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 350,4 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 49 tỷ USD) trong tháng 7.
Trong khi đó, dữ liệu từ Reuters cho thấy tiêu thụ đồng tại Trung Quốc vẫn còn yếu trong giai đoạn nửa đầu năm. Trung Quốc đã nhập khẩu 1,65 triệu tấn đồng tinh chế trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 12% so với nửa đầu năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2019.
Tương tự, mới đây công ty tư vấn Mysteel dự báo giá quặng sắt sẽ giảm trong tuần tới khi lượng hàng đến 45 cảng lớn của Trung Quốc duy trì ở mức tương đối cao 23,29 triệu tấn, trong khi các chính sách cắt giảm sản xuất thép vẫn được thực hiện và làm giảm nhu cầu quặng sắt.
Cà phê Robusta duy trì ở vùng cao
Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, dầu cọ thô thu hút sự quan tâm khi đã ghi nhận ngày thứ 6 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Sau đợt phục hồi vào tuần trước nhờ xung đột leo thang tại khu vực biển Đen, thị trường dường như đã không còn động lực tăng, cùng với việc đồng Ringgit mạnh lên khiến giá dầu cọ đảo chiều. Ngoài ra, việc dầu đậu tương trên sở Đại Liên và CBOT suy yếu cũng góp phần tạo sức ép lên giá.
Theo các chuyên gia, sau khi xuất khẩu tăng mạnh vào tháng 06 và 07, bán hàng trong tháng 08 của Malaysia có thể sẽ chững lại do các nhà nhập khẩu đủ lượng hàng dự trữ. Mới đây, Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOC) cho biết, giá dầu cọ thô của Malaysia sẽ giao dịch ở mức 3.700 – 4.200 ringgits/tấn trong nửa cuối năm 2023 và được hỗ trợ trong dài hạn.
Trong một diễn biến khác, 2 mặt hàng cà phê quay trở lại xu hướng trái chiều. Cụ thể, giá Arabica suy yếu nhẹ với mức giảm 0,06%, trong khi giá Robusta ghi nhận mức tăng 0,53% so với tham chiếu. Đồng USD khởi sắc đã thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil.
Chỉ số Dollar Index tăng 0,44% trong phiên hôm qua trong khi đồng Real của Brazil sụt giảm mạnh. Điều này khiến tỷ giá USD/Brazil bật tăng 1,44%. Chênh lệch tỷ giá gia tăng giúp kích thích nhu cầu bán hàng từ phía nông dân Brazil.
Hơn nữa, thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), xuất khẩu cà phê tại Brazil trong tháng 7 có sự tích cực nhất định. Cụ thể, Brazil đã vận chuyển được 2,68 triệu bao cà phê loại 60kg, tăng so với mức 2,59 triệu bao của tháng trước và 2,52 triệu bao trong cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, những lo ngại về khan hiếm nguồn cung tại Châu Á tiếp tục hỗ trợ giá Robusta khởi sắc. Nguồn cung tại Việt Nam rơi vào tình trạng cạn kiệt, kéo theo xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2023 có thể giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, theo ước tính từ Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO).
Sáng nay trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng trở lại với mức tăng khoảng 300 -400 đồng/kg. Theo đó, giá thu mua trong nước được đẩy lên mức 66.400 – 67.300 đồng/kg.