Thị trường khách sạn Tp. Hồ Chí Minh được cải thiện đáng kể
Thị trường khách sạn Tp.Hồ Chí Minh đã được cải thiện đáng kể trong năm 2022 nhưng công suất và giá phòng trung bình vẫn thấp hơn mức trước dịch.
Với nhiều tín hiệu tích cực, các chuyên gia kỳ vọng thị trường này tại Tp.Hồ Chí Minh tiếp tục khôi phục mạnh mẽ hơn nữa nửa sau 2023, giai đoạn các quốc gia, vùng lãnh thổ mục tiêu gỡ bỏ chính sách Zero-COVID.
Theo Savills Việt Nam, trong năm 2022 công suất phòng đạt 45%, tăng 20 điểm phần trăm so với năm 2021 nhưng thấp hơn 23 điểm phần trăm so với năm 2019. Giá phòng trung bình đạt 1,6 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 21% so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn 18% so với năm 2019; trong đó, phân khúc 5 sao cải thiện đáng kể nhất với giá phòng trung bình tăng 44%. Riêng quý IV/2022, công suất phòng đạt 62%, trong khi đó, giá phòng trung bình đạt 1,8 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 9% so với quý III/2022.
Bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Nghiên cứu Thị Trường, Savills Tp.Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của khách nội địa, thị trường nghỉ dưỡng đang dần hoạt động ổn định trở lại và cải thiện nhờ khách quốc tế và khách công tác.
Theo Sở Du lịch Tp.Hồ Chí Minh, doanh thu du lịch và lượng khách tăng theo năm. Mặc dù Tp.Hồ Chí Minh có lượng khách du lịch cao nhất cả nước nhưng vẫn chưa đạt ngưỡng trước dịch vào năm 2019. Năm 2022, Tp.Hồ Chí Minh đón gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng theo năm nhưng vẫn thấp hơn 59% so với năm 2019.
Lượng khách nội địa đạt 25 triệu lượt, tăng 167% so với năm 2021, nhưng thấp hơn 5% so với năm 2019. Doanh thu du lịch năm 2022 đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171% so với năm 2021 nhưng thấp hơn 14% so với năm 2019. Ngành du lịch của thành phố phục hồi chậm do phụ thuộc vào khách quốc tế và những hạn chế đối với chính sách thị thực - visa cũng như mất đi lượng du khách không nhỏ du khách đến từ Trung Quốc.
Theo ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế thị trường VinaCapital: “Ước tính nguồn thu du lịch từ khách quốc tế tại Việt Nam hàng năm đóng góp ước tính 10% GDP. Do đó, sự gián đoạn của khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2020 ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu du lịch và ngành dịch vụ nghỉ dưỡng, ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung. Chúng tôi hy vọng vào nửa sau năm 2023, khi nhiều thị trường trọng điểm nới lỏng chính sách phòng dịch để lượng khách này phục hồi trở lại”.
Tín hiệu tích cực cho bất động sản lưu trú, nghỉ dưỡng tại Tp.Hồ Chí Minh được kỳ vọng đến từ nửa sau 2023 khi chính phủ Trung Quốc từng bước gỡ các chính sách Zero COVID. Đánh giá về xu hướng này, bà Uyên Nguyễn, Trưởng bộ phận Tư vấn của Savills Hotels Châu Á – Thái Bình Dương cho biết, việc Trung Quốc mở cửa lại biên giới và gỡ bỏ các quy định cách ly là một tín hiệu đáng mừng cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Tuy nhiên, họ sẽ không quay lại trong một sớm, một chiều mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhóm khách đầu tiên quay trở lại Việt Nam là những nhóm khách về công tác và công vụ (MICE). Đối với nhóm khách du lịch nghỉ dưỡng có độ trễ hơn vì cần có những đơn vị khác trong ngành như các công ty lữ hành du lịch, nhà hàng, khách sạn, các hãng hàng không khôi phục lại hoạt động kinh doanh về như trước dịch thì khi đó họ mới quay trở lại.
Các chuyên gia khuyến nghị ngành khách sạn tại Tp.Hồ Chí Minh không nên chỉ trông đợi vào khách du lịch để cải thiện doanh thu. Ghi nhận của Savills trong 2022 cho phân khúc khách sạn 5 sao có cải thiện đáng kể nhất với công suất thuê tăng 24% so với năm 2021 và giá phòng trung bình tăng 44%. Động lực cho đà tăng trưởng này đến từ lượng khách công vụ, khách theo đoàn tham dự hội nghị.
“Thị trường Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội khôi phục tốt hơn chính là nhờ vào nguồn khách công vụ, chuyên gia nước ngoài làm việc và lưu trú dài hạn. Tuy nhiên, nhóm này cũng chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan như những diễn biến về kinh tế, chính trị. Nếu chúng ta có thêm những hoạt động như hội nghị, triển lãm, hội chợ quốc tế thì sẽ thu hút được nhiều nhóm khách đến Việt Nam. Song hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu nguồn cung phù hợp và cao cấp để đáp ứng nhu cầu lưu trú của nhóm khách này”, bà Uyên phân tích.
Về nguồn cung khách sạn, theo thống kê của Savills Việt Nam, đến cuối năm 2022, nguồn cung tại Tp.Hồ Chí Minh đạt hơn 15.500 phòng từ 111 dự án, tăng 8% so với năm 2021 và gần đạt mức trước dịch. Hai dự án mới khách sạn 5 sao Fusion Originals và khách sạn 4 sao Northern Charm tại Quận 1 cung cấp tổng cộng 271 phòng. Nguồn cung tương lai hạn chế, đến năm 2025, chỉ có hai khách sạn Sotetsu Hotel và Macxy Hotel sẽ hoạt động. Các dự án khác đang bị hoãn hoặc chưa có tiến độ xây dựng cụ thể.
Trong năm mới 2023, ngành du lịch Tp.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa với tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng. Đây cũng là cơ hội cho ngành kinh doanh khách sạn thành phố tiếp tục được cải thiện, khôi phục mạnh mẽ./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-khach-san-tp-ho-chi-minh-duoc-cai-thien-dang-ke/280800.html