Thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam vì sao chưa phát triển?

Thị trường khoa học và công nghệ (KHCN) có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST), nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, những năm qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển thị trường KHCN. Tuy nhiên, thị trường KHCN Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, cần có những giải pháp hỗ trợ phát triển.

Thị trường khoa học và công nghệ đang ở dạng sơ khai

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt, từ năm 2011 tới nay, bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KHCN được hình thành và từng bước được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành. Đến nay, các chính sách về phát triển thị trường KHCN được quy định chủ yếu tại 4 luật, 6 nghị định và 12 thông tư. Nguồn cung hàng hóa KHCN từ các viện nghiên cứu, trường đại học đã tăng đáng kể. Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN có khoảng 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ, 365.000 thông tin về sở hữu trí tuệ.

Khách hàng tham quan các sản phẩm công nghệ tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022.

Khách hàng tham quan các sản phẩm công nghệ tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022.

Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao và cải thiện. Các tổ chức trung gian của thị trường KHCN được hình thành. Hiện tại, cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian như: Sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương; trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ; các tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KHCN... Công tác xúc tiến thị trường KHCN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh.

Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt, nhìn chung, thị trường KHCN ở nước ta vẫn còn đang ở dạng sơ khai, mới bước đầu hình thành và từng bước phát triển. Nguồn cung công nghệ trong nước chiếm tỷ trọng thấp, nhiều kết quả nghiên cứu của viện, trường chưa được chuyển giao. Phần lớn kết quả nghiên cứu dừng lại ở quy mô nhỏ hoặc trong phòng thí nghiệm, chưa sẵn sàng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức trung gian, môi giới và cơ sở hạ tầng của thị trường KHCN còn rời rạc, tự phát, chưa liên kết thành mạng lưới để hỗ trợ các dịch vụ trên thị trường. Sự liên thông giữa thị trường KHCN trong nước với thị trường KHCN thế giới cũng như với các thị trường khác ở trong nước (đặc biệt là thị trường lao động và thị trường vốn) còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu ĐMST của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay ngày càng tăng cao.

Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp mua công nghệ trong nước

Lý giải vì sao số lượng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học được thương mại hóa còn hạn chế, theo Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, thực tiễn nhà khoa học chỉ có 2 lựa chọn để thương mại hóa được kết quả nghiên cứu KHCN của mình là chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp hoặc tự mình khởi nghiệp. Đa số các nhà khoa học lựa chọn phương án chuyển giao công nghệ hoặc giao lại cho tổ chức chủ trì để chuyển giao mà không chọn phương án tự mình khởi nghiệp bởi không có nhiều nhà khoa học có đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước thường quan tâm công nghệ đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sản xuất mà ít quan tâm mua công nghệ quy mô phòng thí nghiệm để tiếp tục đầu tư phát triển vì có nhiều rủi ro. Với cơ sở vật chất của các đơn vị nghiên cứu trong cả nước hiện nay khó có thể tạo ra công nghệ sẵn sàng ở quy mô sản xuất lớn để chuyển giao. Mặt khác, một số doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào các công nghệ được tạo ra từ các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu trong nước, mà vẫn lựa chọn mua công nghệ nước ngoài.

Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh đề xuất nhà nước có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các nhà khoa học khi được phân công quản lý, điều hành doanh nghiệp ĐMST. Có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích các nhà khoa học tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp ĐMST. Có chính sách đầu tư các nhiệm vụ KHCN dài hạn cho đến khi ra được sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh. Thúc đẩy hoạt động kết nối viện, trường với doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên mua thiết bị, công nghệ là sản phẩm khoa học được tạo ra từ các nghiên cứu trong nước.

Các chuyên gia gợi ý hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến, ưu tiên công nghệ sạch có giá trị nền tảng. Cùng với đó, cần thực hiện một số giải pháp như: Triển khai thực hiện các dự án cụ thể nhằm thu hút và phát huy có hiệu quả nhân tài người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động ĐMST và phát triển thị trường KHCN Việt Nam. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, khả năng cung ứng, khai thác nguồn tài sản trí tuệ. Xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu chuyên gia hỗ trợ hoạt động ĐMST của các doanh nghiệp và phát triển thị trường KHCN. Có các cơ chế, chính sách liên thông thị trường KHCN với các thị trường hàng hóa, thị trường tài chính, thị trường lao động.

Bài và ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thi-truong-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam-vi-sao-chua-phat-trien-718764