Thị trường kỳ vọng gì ở ông Donald Trump với tư cách Tổng thống Mỹ thứ 47?
Được kỳ vọng sẽ xảy ra sau khi ông Trump nhậm chức là một số mức thuế quan mới, nhưng điều chưa rõ ràng là sự trả đũa 'ăn miếng trả miếng' của cả các đối tác và đối thủ của Mỹ có thể mạnh đến mức nào.
Sau nhiều tháng đồn đoán, các nhà đầu tư giờ đã sắp tìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi của mình về những gì ông Donald Trump, Tổng thống tiếp theo của Mỹ, sẽ làm khi nhậm chức. Tuy nhiên, không phải cái gì cũng sẽ rõ ràng ngay lập tức.
Ví dụ, thuế quan sẽ tăng cao đến mức nào và các quốc gia khác sẽ trả đũa mạnh mẽ đến mức nào? Liệu ông Trump có thực hiện các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử về việc trục xuất hàng loạt, bãi bỏ quy định toàn diện hay cắt giảm thuế hàng nghìn tỷ USD không? Tất cả sẽ có ý nghĩa gì đối với tăng trưởng, lạm phát và giá tài sản?
Các nhà phân tích, các chủ ngân hàng và các chuyên gia quản lý quỹ nói với The Economist vào ngày đầu năm mới 2025 rằng, tất cả họ đều kỳ vọng ít nhất sẽ có một số mức thuế quan mới nhưng ít ai biết được rằng sự trả đũa "ăn miếng trả miếng" của cả các đối tác và đối thủ của Mỹ có thể mạnh đến mức nào.
Không ai trong số họ cho rằng một làn sóng trục xuất hàng loạt và cú sốc tiếp theo đối với thị trường lao động Mỹ có khả năng xảy ra, nhưng có lo ngại rằng các hạn chế tiềm tàng liên quan đến vấn đề nhập cư có thể khiến lạm phát tăng.
Họ hy vọng rằng những người theo chủ nghĩa "diều hâu" về tài chính trong Quốc hội Mỹ khóa mới và trong nhóm kinh tế của ông Trump sẽ giữ cho thâm hụt của Mỹ, hiện đã ở mức 6,4% GDP, không tăng quá nhiều nữa.
Tuy nhiên, niềm tin vào điều này vẫn còn thấp, và nỗi lo lớn là việc vay thêm có thể gây ra sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu kho bạc, đồng thời làm mất ổn định giá tài sản khác.
Thị trường ngoại hối coi trọng các mối đe dọa về thuế quan mà ông Trump đưa ra: Các mức thuế quan từ 10-20%, 60% và thậm chí đến 100% đã được đề cập.
Các nhà giao dịch kỳ vọng rằng tiền tệ của các nhà xuất khẩu sẽ phải đối mặt với nhu cầu ít hơn, vì các khoản thuế mới nếu được áp dụng sẽ làm tăng giá hàng hóa của họ tính theo đồng USD.
Họ cũng đang đặt cược rằng đồng bạc xanh sẽ mạnh lên trên mọi phương diện – có thể là do sức hấp dẫn của đồng USD như một nơi trú ẩn an toàn trong một thế giới biến động hơn, hoặc có thể là do thuế quan toàn diện sẽ khiến người Mỹ gửi ít USD ra nước ngoài hơn.
Thị trường chứng khoán đưa ra nhiều dự đoán rộng hơn. Rõ ràng nhất là các công ty Mỹ, nhìn chung, sẽ đánh bại những công ty ở mọi nơi khác, với giá cổ phiếu đã tăng 3% kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nơi ông Trump đã chiến thắng vang dội.
Khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" đang quay trở lại, với bên thắng lớn có thể là các công ty như Amazon và Tesla. Thành công của họ cho thấy các cổ đông đang trông cậy vào ông Trump để giữ cho ví tiền luôn đầy, có lẽ bằng cách gia hạn cắt giảm thuế thu nhập cá nhân vốn đã được thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của vị chính trị gia tỷ phú Mỹ.
Những bên thua thiệt có thể bao gồm các ngành mà ông Trump dường như ủng hộ. Tuyên bố của ông về việc thúc đẩy sản lượng dầu khí đã không hỗ trợ được gì cho các công ty trong ngành khi khó khăn họ gặp phải không phải là thiếu giấy phép thăm dò, mà là sản lượng bị hạn chế bởi giá dầu thấp.
Ngành bất động sản cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí vay cao hơn do lợi suất trái phiếu tăng. Giá cổ phiếu của các công ty vật liệu – vốn phụ thuộc vào hàng hóa và máy móc nhập khẩu có thể sớm phải chịu mức thuế quan cao hơn – đã giảm mạnh.
Với việc giá cổ phiếu nhìn chung vẫn tăng, không có gì trong số các vấn đề trên có thể làm phiền lòng ông Trump nhiều. Thay vào đó, nếu ông phải đối mặt với rắc rối từ thị trường, thì rất có thể sẽ đến từ trái phiếu kho bạc. Lợi suất của chúng đã tăng, với chi phí vay 10 năm hiện là 4,6%, tăng từ mức 3,6% vào tháng 9 năm ngoái.
Một nỗi sợ lớn hơn là tác động đến lạm phát từ các chính sách mà ông Trump đề xuất, chẳng hạn như tăng thuế quan và giảm dòng người nhập cư, sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giữ lãi suất cao.
Một thị trường trái phiếu kho bạc hỗn loạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, một thước đo thành công của Tổng thống mà ông Trump được cho là cực kỳ coi trọng.
Cuối cùng, chốt lại, ông Jeffrey Schulze, giám đốc chiến lược kinh tế và thị trường tại ClearBridge Investments, nói với trang Investor’s Business Daily: "Mặc dù thị trường đã phản ứng tích cực với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tôi nghĩ rằng tình hình sẽ có phần hỗn loạn hơn trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, cuối cùng, tôi nghĩ rằng nó sẽ tương tự như những gì chúng ta đã thấy với chính quyền Trump đầu tiên".
Minh Đức (Theo Economist, Investor’s Business Daily)