Thị trường lao động châu Âu: Chủ cần thợ, việc chờ người
Từ Tây Âu tới Đông Âu, tương quan chủ - thợ bắt đầu thay đổi. Chỗ làm trống ngày càng nhiều, nhân lực ngày càng hiếm.
Cơ quan Thống kê châu Âu vừa công bố số liệu chính thức cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Liên minh châu Âu đã xuống tới 6,1%, mức thấp chưa từng thấy kể từ khi châu Âu bắt đầu thống kê một cách có hệ thống, vào năm 1998. Thế nhưng,thị trường lao độngchâu Âu đầu năm 2023 tiếp tục thiếu nhân lực ở mức trầm trọng.
Số lượng người nước ngoài gia nhập thị trường lao động châu Âu đang ngày càng tăng, dấu hiệu bắt đầu giai đoạn nền kinh tế EU lệ thuộc vào nhân lực nhập cư. Tương quan chủ - thợ bắt đầu thay đổi từ khoảng năm 2015. Chỗ làm trống ngày càng nhiều, nhân lực ngày càng hiếm. Chủ cần thợ, việc chờ người. Từ Tây Âu, Pháp, Đức, Italy, tới Đông Âu, Ba Lan, Romania, Cộng hòa Czech, số lượng chỗ làm trống cần tuyển người cứ năm sau lại cao hơn năm trước, chỉ sụt giảm đôi chút năm đại dịch rồi lại tăng vọt trong hầu hết mọi ngành nghề. Thiếu kỹ sư tin học, y tá hay hộ lý đã đành, đến phụ bếp quán ăn, nhân viên chạy bàn, hay công nhân xây dựng…đều thiếu.
Ông Sergio Estela - Liên đoàn Công nghiệp, Xây dựng và Nông nghiệp Tây Ban Nha cho biết: "Chúng tôi cần người có nghề như thợ điện, thợ nề, thợ lắp ống nước. Cần nhiều nhân công, càng sớm càng tốt. Liên minh châu Âu đã lập một quỹ hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng nhân công, tổng cộng 700.000 việc làm. Tôi không biết liệu có đạt được con số đó hay không, nhưng dù sao cũng sẽ là một số lượng lớn nhân công có đào tạo".
Trong chưa tới 10 năm, số công việc cần người làm đã tăng gấp đôi. Tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt thấp tại Đức, Hà Lan, Czech và Ba Lan, chưa tới 3%. Tính chung 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu là 6,1%, tỷ lệ thấp chưa từng thấy.
Thật khác xa con số của năm 2013, đỉnh điểm khủng hoảng thị trường lao động. Khi đó, có tới 12% người châu Âu trong độ tuổi lao động không có việc làm. Giờ đây, các doanh nghiệp lại phải tìm mọi cách để giữ chân người đang có và tuyển dụng thêm người mới, mà cách phổ biến nhất vẫn là tăng lương. Tốc độ tăng lương đã nhiều và nhanh tới mức Ngân hàng trung ương châu Âu phải cảnh báo, lương cao càng làm cho lạm phát trầm trọng thêm.
Ông Geoffroy Roux de Bézieux - Chủ tịch Công đoàn giới chủ Pháp: "Thị trường lao động đảo chiều, tương quan đang có lợi cho người lao động. Cứ đà này thì từ nay tới 20 năm nữa thiếu hụt sẽ chỉ tồi tệ thêm. Năm ngoái, Italy thiếu hụt lao động tương đương 400.000 nhân công".
Một số nước châu Âu chọn cách nới lỏng luật lệ, nhằm thu hút lao động bên ngoài Liên minh châu Âu. Luật Nhập cư mới mà Chính phủ Đức thông qua cuối năm ngoái cho phép người nước ngoài có hơn 2 năm kinh nghiệm nghề nghiệp được định cư tại Đức, kỹ sư tin học thậm chí không cần phải biết tiếng Đức. Chính phủ Đức cũng khuyến khích người nước ngoài tới Đức học nghề rồi ở lại làm việc. Một chính sách mà Hà Lan và các nước Bắc Âu cũng đang hướng tới, nhằm bổ sung sinh lực cho thị trường lao động đang khát nhân công.
Có những nguyên nhân gì dẫn tới tình trạng hiện nay?
Lý do căn bản vẫn là tỷ lệ sinh đẻ tại châu Âu quá thấp, nay thế hệ của thời kỳ bùng nổ sinh đẻ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai đã tới tuổi nghỉ hưu, những thế hệ kế tiếp không bù đắp được nhu cầu của thị trường lao động. Tình hình trầm trọng hơn sau đại dịch, khi nhiều người lao động chủ động bỏ việc để đi tìm công việc khác tốt hơn và đòi hỏi cao hơn về điều kiện làm việc.
Tình hình rất căng thẳng trong ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, chăm sóc y tế và xây dựng hay bốc xếp, là những ngành cần nhiều nhân công và dễ đổi việc. Thêm nữa là tình trạng rất nhiều phụ nữ mất việc trong đại dịch, nay đã quyết định ở nhà chăm con chứ không quay lại làm việc nữa.
Giải pháp dài hạn nào tình trạng này
Nhiều nước châu Âu nới lỏng luật lệ, tạo thuận lợi cho người bên ngoài Liên minh châu Âu nhập cư làm việc. Các nước châu Âu đầu tư mạnh mẽ cho đào tạo nghề, hỗ trợ chi phí tuyển dụng, nhưng tất nhiên chỉ giúp nâng cao chất lượng chứ không bổ sung số lượng được. Các doanh nghiệp, ngoài việc tăng lương và phúc lợi, còn chủ động giảm giờ làm, tuần làm việc 4 ngày, hoặc cho phép làm việc tại nhà.
Khan hiếm nhân công cũng đang thúc đẩy tự động hóa trong tất cả các công đoạn có thể giao phó cho robot, tự động hóa kết hợp với trí tuệ nhân tạo đang được nhiều doanh nghiệp hướng tới nhằm giảm lệ thuộc vào nhân công.
Khan hiếm nhân lực tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế, nhiều cửa hàng phải đóng cửa do thiếu nhân viên, nhiều nhà máy phải thu hẹp quy mô sản xuất. Khan hiếm nhân lực... còn gây ra xáo trộn trong đời sống xã hội, mà những ví dụ rõ ràng nhất là thiếu y tá, hộ lý trong bệnh viện, thiếu công nhân bốc xếp và lái xe tải chở thực phẩm. Ngay cả khi có thêm lao động nhập cư thì tình trạng khan hiếm nhân lực cũng được dự báo vẫn sẽ là bài toán khó của những năm tới đây, ở châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới.