Thị trường lao động đầu năm sôi động

Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người lao động tích cực quay trở lại làm việc, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Nghệ An có nhu cầu tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đây được xem là tín hiệu tích cực giúp thị trường lao động của tỉnh khởi sắc ngay từ đầu năm.

Lao động phấn khởi quay trở lại làm việc

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14.647 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 237 doanh nghiệp có vốn nhà nước, 146 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 14.264 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gần 325.000 người; trong đó, số lao động làm việc trong khu công nghiệp 33.000, số lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp là 292.000.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15.2.2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024. Ngay từ những ngày đầu năm, không khí sản xuất tại các doanh nghiệp ở tỉnh Nghệ An đã trở nên sôi động. Tại các khu công nghiệp, người lao động trở lại nhà máy làm việc sau Tết chiếm tỷ lệ tương đối cao, đây chính là dấu hiệu phục hồi của thị trường lao động.

Công nhân Công ty TNHH Kyungshin Nghệ An - KCN WHA, thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Kim Oanh

Công nhân Công ty TNHH Kyungshin Nghệ An - KCN WHA, thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Kim Oanh

Tại Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An, sau Tết có trên 96% lao động quay trở làm việc tại các doanh nghiệp. Trong đó, những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như: Công ty TNHH Luxshare - ICT Nghệ An (9.500 người), Công ty TNHH Điện tử BSE (1.780 người), Công ty TNHH Shangwoo Việt Nam (1.200 người), Công ty CP May Minh Anh - Kim Liên (1.508 người), Công ty CP Minh Trí Vinh (700 người)… Đến nay, số lao động quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp này đã đạt 100%. Đặc biệt, tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp dịp trước, trong và sau Tết cơ bản ổn định, trên địa bàn không xảy ra tình trạng đình công, ngừng việc tập thể…

Chị Cao Thị Trâm, công nhân Công ty TNHH Wooin Vina (xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) chia sẻ “Tôi rất vui mừng khi quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết và được tăng ca ngay từ những ngày đầu đi làm. Trong năm, Công ty có rất nhiều những chế độ đãi ngộ tốt, đây là động lực để tôi gắn bó”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An Lê Tiến Trị cho biết, năm 2023, các doanh nghiệp đã duy trì tốt các hoạt động sản xuất, quan hệ lao động cũng như bảo đảm được tiền lương, tiền thưởng Tết, điều kiện làm việc cho người lao động luôn được cải thiện. Các hoạt động hỗ trợ kết nối cung cầu lao động, tuyển dụng… được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam triển khai thực hiện. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, tăng năng lực sản xuất từ sớm, cũng như bảo đảm đơn hàng nên vấn đề huy động nguồn lao động được triển khai ngay từ đầu năm. Do đó, sau Tết, Khu kinh tế Đông Nam đã đón trên 96% lao động quay trở lại làm việc, cao nhất từ trước đến nay, là tín hiệu vui trong bối cảnh nhiều địa phương đang khan hiếm nguồn lao động.

Tín hiệu tích cực

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, sau Tết có khoảng 54 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số cần tuyển là hơn 12.029 lao động (trong đó lao động nữ chiếm 65%). Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lao động lớn như: Công ty TNHH Giày Cypress: 2.040 lao động, Công ty TNHH công nghệ Everwin Precision: 1.000 lao động, Công ty TNHH Giày Andromeda: 1.130 lao động, Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An: 1.000 lao động…

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Tiến Trị cho biết, trong năm 2024, các doanh nghiệp Khu kinh tế Đông Nam dự kiến sẽ tuyển dụng hơn 15.000 lao động. Đây cũng có thể xem là thách thức lớn, bởi làm sao để thực hiện kết nối cung cầu, hỗ trợ tuyển dụng và nhất là các doanh nghiệp có thể đánh giá thị trường lao động để đưa ra chế độ tiền lương và điều kiện làm việc tại Nghệ An. Để giải quyết được vấn đề này, năm 2024, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp thúc đẩy kết nối, tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ tạo việc làm.

Trưởng phòng Lao động - Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An) Trần Phi Hùng cho biết, ngay từ những ngày đầu năm, thị trường lao động đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cùng với sự đổi mới, cơ chế chính sách, tiền lương, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các cơ chế thưởng, để giúp người lao động có cuộc sống tốt hơn, yên tâm làm việc. Về phía người lao động, cần không ngừng trau dồi, nâng cao tay nghề, tính kỷ luật, đồng thời nỗ lực cống hiến để cho công việc đạt hiệu quả cao nhất, doanh nghiệp phát triển.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, chia sẻ sau Tết, người lao động đã phấn khởi quay trở lại làm việc, hạn chế được tình trạng thiếu hụt như một số năm trước đây. Đáng chú ý, một số lĩnh vực đã tích cực tuyển dụng thêm lao động, chứng tỏ nền kinh tế đã và đang phục hồi. “Tuy nhiên, mục tiêu bảo đảm việc làm, thu nhập, tăng lương theo đúng lộ trình của năm nay vẫn còn là vấn đề lớn, đòi hỏi doanh nghiệp và các địa phương cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa” ông Lực nhấn mạnh.

Thái Yến - Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/thi-truong-lao-dong-dau-nam-soi-dong-i362499/