Thị trường lao động khởi sắc, an sinh xã hội được đảm bảo trong năm 2024
Sáng 27/12, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, đồng thời ôn lại lịch sử 80 năm hoạt động của ngành LĐTB&XH.
Nhiều kết quả tích cực về an sinh xã hội
Trong năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quán triệt phương châm điều hành của Chính phủ. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo và điều hành một cách linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Kết quả công tác năm cho thấy những con số khả quan, tích cực.
Cụ thể, thị trường lao động tiếp tục khởi sắc với lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng. Các chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác được thực hiện hiệu quả. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì lực lượng lao động ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế của đất nước. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức thấp, dưới 3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%, tăng 4,5% với năm 2020 (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,1%, tăng 4%so với năm 2020), đạt mục tiêu Quốc hội giao; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế.
Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi nhanh chóng, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng dần về số lượng và nâng cao về chất lượng, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Ước cả năm là 150.000 người, đạt 120% kế hoạch. 4 năm 2021-2024, đưa gần 500 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay có gần 700 ngìn người lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm gửi về nước 3,5-4 tỷ USD.
Đáng chú ý, năm 2024 ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%. Toàn quốc có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và 01 huyện nghèo thoát nghèo. Giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.
Về công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) ước tính đối tượng tham gia BHXH đạt khoảng 20,1 triệu người, chiếm 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia BHTN ước đạt 15,8 triệu người, chiếm khoảng 33% lực lượng lao động trong độ tuổi; trong năm có 883.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2023; có 2.208.569 người được tư vấn, giới thiệu việc làm làm. Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 với tỷ lệ tán thành rất cao. Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Năm qua, Bộ LĐTB&XH tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về cải cách tiền lương, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; hỗ trợ, kiện toàn hệ thống giải quyết tranh chấp lao động. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động để thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7.
Bộ LĐTB&XH tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng; theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tăng 35,7%, cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho 1.074.543 người có công với cách mạng.
Chương trình trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, tham gia của các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và số kinh phí đã huy động được tại Chương trình là trên 5.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến hết năm 2025 xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước, về đích sớm trước 5 năm so với mục tiêu Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra.
Không gián đoạn chính sách dù sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhận định, sự kiện hôm nay của ngành LĐTB&XH mang rất nhiều cung bậc cảm xúc. Mọi hoạt động của ngành trong gần 80 năm đều gắn rất nhiều với tình thương, với lòng nhân đạo, vì con người. Kết quả công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024 và giai đoạn 2016 - 2024 đã ôn lại cả quá trình phát triển của ngành. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đạt được hiện nay là cả một quá trình mà những con số của năm 2024 chỉ thể hiện được một phần. Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực trong suốt lịch sử hình thành, phát triển của Bộ LĐTB&XH.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhất trí những việc ngành LĐTB&XH đã triển khai, đánh giá cao các kết quả, thành tích ngành đã làm trong thời gian dài, đặc biệt trong năm 2024. Phó Thủ tướng cho biết, có 3 sự kiện phải làm cùng lúc đối với ngành LĐTB&XH trong năm 2025: Sắp xếp, tổ chức bộ máy; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc; duy trì, tăng trưởng kinh tế trên 7% tạo đà cho những năm sau.
Ngoài ra, tất cả chính sách thuộc các lĩnh vực Bộ LĐTB&XH đang trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước về người có công, an sinh xã hội, lao động việc làm, hoàn toàn không thay đổi, mà phải làm tốt hơn, làm nhiều hơn phục vụ nhu cầu của đất nước.
Đáp lại những ý kiến chỉ đạo lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung bày tỏ niềm tự hào khi được là một phần của ngành có bề dày lịch sử, ý nghĩa với tiến trình xây dựng đất nước. Tổng kết năm 2024 và chặng đường gần 80 năm qua, ngành đã đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng. Bộ LĐTB&XH tự hào về những dấu ấn tạo lập được trên hành trình xây dựng, hoàn thiện chính sách xã hội của Việt Nam. Nhiều văn bản của ngành có tính chất dấu ấn lịch sử, mở ra một thời kỳ mới cho phát triển chính sách xã hội của nước ta, những kết quả này không chỉ lãnh đạo Nhà nước, người dân ghi nhận mà còn giúp Việt Nam trở thành một điển hình ấn tượng với cả thế giới.