Thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi

Những tháng đầu năm 2023, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, một số doanh nghiệp trong nước đã phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động…

Người lao động tại Nhà máy của Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia thuộc Tập đoàn Toshiba, khu công nghiệp Amata Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Thiên Vương)

Người lao động tại Nhà máy của Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia thuộc Tập đoàn Toshiba, khu công nghiệp Amata Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Thiên Vương)

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn đang duy trì đà phục hồi.

Thị trường lao động đã bị tác động nặng nề trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, có thời điểm nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, với hơn 30 triệu lao động (tương đương 58,36% lực lượng lao động) bị ảnh hưởng tiêu cực như: mất việc làm; phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên; giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2022, với các chính sách, giải pháp đồng bộ của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thị trường lao động đã dần phục hồi trong năm 2022 và trong quý I/2023. Theo thống kê của Cục Việc làm, lực lượng lao động tăng nhanh, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2023 đạt 52,2 triệu người (tăng hơn 1 triệu người so cùng kỳ năm trước); tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2023 là 68,9% (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước)…

Sản xuất xúc xích tại Công ty Vissan. (Ảnh: Phương Vy)

Sản xuất xúc xích tại Công ty Vissan. (Ảnh: Phương Vy)

Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7,0 triệu đồng (tăng 640 nghìn đồng so cùng kỳ năm trước). Số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2023 là 1,05 triệu người, giảm 34,6 nghìn người so quý trước và giảm 65,1 nghìn người so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2023 là 1,94% (giảm 1,07% so cùng kỳ năm trước); tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,31% và 2,34%)…

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Thị trường lao động (Cục Việc làm) Nguyễn Hải Yến, mặc dù có những tín hiệu tích cực, phục hồi và phát triển nhưng thị trường lao động vẫn đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và hạn chế.

Thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung-cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu…

Đó là, nguồn cung lao động có chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở con số có khoảng 38,1 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên; cả nước chỉ có 26,4% số người lao động đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ. Bên cạnh đó, cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững. Cầu lao động còn chưa hiện đại thể hiện qua các số liệu sau:

Tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 51,1 triệu người, trong đó 13,8 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 27,1%); gần 33 triệu lao động có việc làm phi chính thức (chiếm 64,6%).

Thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung-cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu…

Xác định những điểm còn hạn chế của thị trường lao động hiện nay và những yếu tố cần ưu tiên thúc đẩy thị trường lao động trong thời gian tới, ngày 10/1/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội.

Nghị quyết số 06/NQ-CP đã thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu của Chính phủ trong việc phát triển thị trường lao động. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững, tạo việc làm có năng suất cao; thực hiện đột phá phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động, phổ cập nghề cho lực lượng lao động, nhất là lao động trong khu vực phi chính thức; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng và chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số.

Theo đó, để hỗ trợ phát triển thị trường lao động hiệu quả cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Cần rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực.

Nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề; tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các cơ sở đào tạo để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng, quy mô, cơ cấu ngành, nghề, trình độ của lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, bảo đảm cân bằng cung-cầu của thị trường lao động nói chung…

Trong bối cảnh hiện nay, theo bà Nguyễn Hải Yến, cần tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững. Trong đó, phải đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, tạo nhiều việc làm mới có năng suất, chất lượng cao.

Tập trung đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao; nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững…

Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững.

Có chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình đăng ký thành lập và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp để thu hút, sử dụng lao động chính thức, chuyển dần lao động phi chính thức sang lao động chính thức.

Nguồn:https://nhandan.vn/thi-truong-lao-dong-tiep-tuc-da-phuc-hoi-post752249.html

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/581325-thi-truong-lao-dong-tiep-tuc-da-phuc-hoi.html