Thị trường lao động toàn cầu chao đảo vì Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã tác động tới mọi mặt trong đời sống kinh tế-xã hội của người dân trên thế giới, khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục.

Nguy cơ hơn 1 tỷ người lao động mất kế sinh nhai

Theo RT, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) mới đây cảnh báo khoảng một nửa lực lượng lao động thế giới, tương đương 1,6 tỷ người, đang đứng trước nguy cơ mất kế sinh nhai vì tác động nghiêm trọng của Covid-19. Khi Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, hầu hết các quốc gia đều hạn chế đi lại, thậm chí phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nhà máy, doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Hoạt động kinh tế đình trệ dẫn tới tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng ở các nước.

Tại Mỹ, quốc gia hiện đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong do Covid-19, gần như tất cả các ngành kinh doanh ở Mỹ, đặc biệt là ngành nhà hàng và khách sạn, buộc phải cắt giảm lao động. Theo AFP, Bộ Lao động Mỹ cho biết, tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này trong 6 tuần tính đến ngày 25-4 đã lên đến hơn 30 triệu đơn, vượt xa con số 665.000 đơn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Những diễn biến này đang phủ bóng lên nỗ lực giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp tại xứ cờ hoa của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại châu Âu, Covid-19 không chỉ khiến cho hệ thống y tế công cộng ở “lục địa già” quá tải mà còn gây ra cuộc khủng hoảng thất nghiệp với quy mô khổng lồ. Theo CNN, hãng tư vấn McKinsey cảnh báo Covid-19 có thể khiến gần 60 triệu việc làm tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh biến mất. Hãng McKinsey đánh giá người lao động như nhân viên thu ngân, công nhân xây dựng và nhân viên khách sạn có rủi ro mất việc cao. Trong khi đó, tại châu Á, Covid-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ tăng đột biến lên 27,11% trong tuần vừa qua. Trước khi đại dịch bùng phát tại Ấn Độ vào giữa tháng 3 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia Nam Á này ở dưới mức 7%.

 Người dân nhận đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại thành phố Hialeah, bang Florida (Mỹ). Ảnh: Getty Images.

Người dân nhận đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại thành phố Hialeah, bang Florida (Mỹ). Ảnh: Getty Images.

Tìm lối thoát

Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động sâu rộng đến thị trường lao động toàn cầu. Bên cạnh việc chạy đua với thời gian để ngăn chặn dịch bệnh, chữa trị và cứu sống các bệnh nhân nhiễm Covid-19, Chính phủ các nước cũng đau đầu khi phải đối mặt với nhiệm vụ bảo đảm “miếng cơm, manh áo” cho người dân.

Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh, các nước đã công bố những gói cứu trợ để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tung ra gói cứu trợ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước này với tổng giá trị 2.200 tỷ USD vào cuối tháng 3 vừa qua. Gói cứu trợ này bao gồm các khoản hỗ trợ tiền mặt cho hầu hết những người dân Mỹ, trợ cấp thất nghiệp, khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ cho các bệnh viện bị quá tải và những ngành chịu ảnh hưởng lớn như hàng không. Trong khi đó, chính phủ các nước châu Âu cũng chi khoản tiền lớn để hỗ trợ người lao động và giúp doanh nghiệp giữ chân nhân viên trong thời gian áp dụng lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Các doanh nghiệp Pháp đã được chính phủ nước này hỗ trợ trả 84% tiền lương cho người lao động. Theo Bộ trưởng Lao động Pháp Muriel Pénicaud, ngân sách nước này đang phải hoạt động hết công suất để ứng phó tình trạng thất nghiệp ngày càng nghiêm trọng. Còn tại xứ sở sương mù, hồi cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ Anh đã quyết định chi trả 80% tiền lương cho người lao động với mức trần 2.500 bảng Anh (2.900USD)/tháng trong ít nhất 3 tháng. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết, biện pháp "chưa từng có" này sẽ giúp bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động kể cả khi chủ của họ không đủ khả năng để trả lương. Các chuyên gia kinh tế nhận định, giải pháp này không chỉ cứu trợ doanh nghiệp và người lao động một cách nhanh chóng mà còn có tác dụng giúp các công ty không phải mất thời gian tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới khi hoạt động bình thường trở lại.

Không nói đâu xa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thế giới, tác động mạnh tới doanh nghiệp và cuộc sống của người dân, Chính phủ Việt Nam đã quyết định triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Hiện chưa có câu trả lời chính xác về thời điểm nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc để nhu cầu của thị trường việc làm tăng cao trở lại. Trước mắt, Chính phủ các nước vẫn đang nỗ lực thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ cho người lao động mất việc làm và các công ty để họ không sa thải nhân viên, nhằm tăng khả năng hồi phục nền kinh tế hậu Covid-19.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thi-truong-lao-dong-toan-cau-chao-dao-vi-covid-19-617282