Thị trường lao động toàn cầu thiếu hụt nhân tài trầm trọng, bất chấp sa thải hàng loạt
Thiếu hụt nhân tài đã đẩy doanh nghiệp khắp Châu Á vào thế hao mòn lao động - tình trạng người lao động nghỉ việc nhưng doanh nghiệp không thể tìm được ứng viên thay thế cho vị trí đã bỏ trống
Công ty CP Kết nối nhân tài - Talentnet (quận 1, TP HCM) vừa công bố "Báo cáo xu hướng nhân tài châu Á – Thái Bình Dương”.
Báo cáo cung cấp một cái nhìn tổng quan về xu hướng nhân tài khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023, với nhiều nội dung hữu ích gồm: Tình trang thiếu hụt nhân tài trầm trọng nhất trong 16 năm, bất chấp sa thải hàng loạt; 67% người lao động châu Á nghỉ việc vì không hài lòng về lương; "Lương thưởng" và "Cân bằng cuộc sống - công việc" là 2 yếu tố được người lao động ở mọi độ tuổi ưu tiên; 78% lãnh đạo lo lắng về khả năng của nhân viên để xây dựng một mối quan hệ cá nhân với đồng nghiệp và lãnh đạo; Các phúc lợi hướng đến gia đình được nhân viên trân trọng và đánh giá cao; Phúc lợi chưa đáp ứng đủ cho từng nhóm nhân viên.
Tình trạng thiếu hụt nhân tài trầm trọng nhất trong 16 năm, bất chấp sa thải hàng loạt
Bất chấp sa thải hàng loạt, tình trạng thiếu hụt nhân tài vẫn diễn ra trên toàn cầu. Tỉ lệ các tổ chức bày tỏ sự khó khăn khi tìm kiếm nhân tài tăng vọt từ 2021 đến nay, đạt mức cao nhất trong 16 năm. Nguyên nhân vì sự xuất hiện của nhiều cơ hội việc làm mới, kết hợp nhiều doanh nghiệp chưa có chính sách tối ưu để linh động nhân tài (lack of talent mobility).
Thiếu hụt nhân tài đã đẩy doanh nghiệp khắp Châu Á vào thế "hao mòn lao động" - tình trạng người lao động nghỉ việc nhưng doanh nghiệp không thể tìm được ứng viên thay thế cho vị trí đã bỏ trống.
Tình huống này càng báo động với các nhóm nghề có tỷ lệ nghỉ việc cao như sales, marketing và quản lý sản phẩm (44%), kỹ sư và khoa học (32%), khoa học máy tính, điện tử và viễn thông (27%)...
67% người lao động châu Á nghỉ việc vì không hài lòng về lương
Theo khảo sát, đến 67% người lao động tại châu Á nghỉ việc vì cho rằng mức lương hiện tại không thỏa đáng, hoặc họ có cơ hội nhận được mức đãi ngộ tốt hơn ở công ty khác.
Đồng thời, một tỷ lệ lớn nhân viên châu Á cũng chọn nghỉ việc vì các lý do nổi bật như lý do cá nhân (47%), cơ hội nhận được những quyền lợi tốt hơn ở công ty khác (25%), quá tải và kiệt sức (18%), công ty thiếu lựa chọn làm việc linh hoạt (12%)...
"Lương thưởng" và "Cân bằng cuộc sống - công việc" là 2 yếu tố được người lao động ở mọi độ tuổi ưu tiên
Khi chia người lao động theo nhiều độ tuổi và đặt câu hỏi về những giá trị họ ưu tiên trong công việc, gần như tất cả thế hệ đều xem "Tài chính" (financial compensation) và "Cân bằng cuộc sống - công việc" (Work life balance) là 2 yếu tố quan trọng nhất.
Nhân viên từ 31 tuổi trở lên cảm thấy việc xây dựng mối quan hệ với quản lý của mình (Relationship with manager) là điều cần thiết.
78% lãnh đạo cho rằng làm việc từ xa khiến nhân viên gặp bất lợi khi làm việc nhóm, 80% nhân viên nghĩ ngược lại
Đến thời điểm hiện tại, làm việc linh hoạt vẫn là một chủ đề gây tranh cãi và tạo nên sự mâu thuẫn trong góc nhìn giữa lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên. Sự đối lập được thể hiện rõ qua các con số:
75% lãnh đạo tin tưởng doanh nghiệp sở hữu một văn hóa hiện diện, vì thế các nhân viên cần duy trì sự hiện diện cạnh nhau, hạn chế làm việc từ xa.
78% lãnh đạo lo lắng về khả năng của nhân viên để xây dựng một mối quan hệ cá nhân với đồng nghiệp và lãnh đạo
72% lãnh đạo lo lắng về nguy cơ giảm giá trị văn hóa.
Trong khi đó, các nhân viên lại suy nghĩ khác:
74% tin tổ chức sẽ phát triển và thành công hơn với một chế độ làm việc linh hoạt hoặc từ xa.
80% tin rằng họ vẫn sở hữu khả năng làm việc nhóm tốt dù có người ở văn phòng, có người làm việc từ xa.
43% cảm thấy họ kết nối tốt hơn với đồng nghiệp khi họ làm việc từ xa.
Các phúc lợi hướng đến gia đình được nhân viên trân trọng và đánh giá cao
Một số phúc lợi được nhân viên trân trọng và đánh giá rất cao nhưng lại ít doanh nghiệp cung cấp:
- Chính sách hỗ trợ tiền mãn kinh và sinh sản (menopause support & fertility support) là 2 phúc lợi được nhân viên đánh giá cao nhất dù không được các doanh nghiệp quan tâm nhiều. Nguyên nhân có thể liên đới đến là dân số người lao động ở thị trường Châu Á đang dần già đi cũng như xu hướng lập gia đình muộn dẫn đến nhu cầu về các chính sách hỗ trợ này. Việt Nam hiện chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện chính sách này nhưng với xu hướng như trên, dự đoán sẽ có trong tương lai gần.
- Chính sách hỗ trợ trẻ em/ trẻ vị thành niên đang gặp các vấn đề về tâm lý, xã hội & học tập (Targeted services for children/ teenagers facing mental health, socialization & learning issues).
- Chính sách cung cấp các nguồn lực để hỗ trợ chăm sóc con cái và người lớn tuổi (Resources to assist with caregiving for children & Resources to assist with caregiving for adults).
- Chính sách cung cấp và tìm kiếm bảo hiểm cá nhân (Help finding or buying personal insurance coverage).
Phúc lợi chưa đáp ứng đủ cho từng nhóm nhân viên
Đánh giá về mức độ quan tâm của doanh nghiệp, tỷ lệ ghi nhận từ nhóm nhân viên phụ nữ, LGBT, thu nhập thấp, ba mẹ đơn thân phản ánh những phúc lợi bảo vệ sức khỏe toàn diện hiện tại chưa đáp ứng đúng nhu cầu của họ.
88% doanh nghiệp tin rằng mình quan tâm đến nhân viên, nhưng chỉ 66% nhân viên tin rằng doanh nghiệp thực sự quan tâm đến sức khỏe toàn diện của họ.