Thị trường lao động, việc làm đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Thời gian qua, việc cắt giảm lao động đã xảy ra ở các doanh nghiệp, trong khi việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài lại gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng khi số ca nhiễm virus tăng trở lại trong thời gian gần đây. Thị trường lao động của các nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực.
Theo báo cáo xu hướng triển vọng việc làm và xã hội thế giới 2023 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì năm 2023 hầu hết các quốc gia sẽ không thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch, việc làm toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1%, giảm đáng kể so với tốc độ tăng việc làm 2,3% năm 2022.
Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 49.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký gần 331.400 người (tăng 0,6% số doanh nghiệp, giảm 4,8% số lao động so với cùng kỳ năm trước). Số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 49.900 doanh nghiệp (bằng đúng số thành lập mới), tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý I/2023 đạt 52,2 triệu người (tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, tốc độ tăng lực lượng lao động có dấu hiệu chậm lại khi tốc độ tăng quý I/2023 so với quý trước chỉ là 0,2%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2023 là 68,9% (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,2%, khu vực nông thôn là 71,3%.
Thu nhập của người lao động bình quân quý I năm 2023 là 7,0 triệu đồng (tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước).
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn kéo theo vấn đề lao động, việc làm có diễn biến khó lường hơn. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp, trong đó 27,4% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 72,18% doanh nghiệp ngoài nhà nước; 0,39% doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp gặp khó khăn là những doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử… Số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp).
Nguyên nhân của việc cắt giảm lao động là do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng là do kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân… khiến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho nhiều không xuất được, không có đơn hàng mới.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được. Hệ lụy tiêu cực của xung đột giữa Nga và Ucraina khiến cho giá năng lượng tăng cao, làm gián đoạn các tuyến thương mại, nguồn cung nguyên liệu, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Một số thị trường lớn của Việt Nam đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn hàng hóa và có sự thay đổi quan điểm thị hiếu của người tiêu dùng nên các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn để tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất, trong khi đó sau thời gian ứng phó với đại dịch COVID-19 nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp không còn đủ để thực hiện.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đã và đang được thực hiện thông qua 4 gói chính sách chính trong giai đoạn 2020 - 2022 để hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp (theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg).
Theo đó, Trung ương và các địa phương đã hỗ trợ cho trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động và trên 68,43 triệu lượt người lao động, người dân với tổng kinh phí trên 120 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ khác vẫn đang được triển khai theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về lao động như: Chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ học nghề; chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất...
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Bộ, ngành và địa phương đang triển khai các hoạt động để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động. Bên cạnh các chính sách chung của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, địa phương còn có các chính sách hỗ trợ riêng, có lợi cho người lao động.
Doanh nghiệp thường có thêm chính sách hỗ trợ thôi việc cho người lao động, trả lương ngừng việc cao hơn so với quy định; cơ quan lao động tại địa phương tập trung vào việc nắm bắt tình hình để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới, đa dạng các hình thức để tăng hiệu quả kết nối cung - cầu lao động hoặc có địa phương căn cứ vào tình hình thực tế có chính sách hỗ trợ người lao động riêng như Đồng Nai...
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tạo việc làm cho người lao động hiện nay, đó là: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.
Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động. Triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp.
Thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp cần tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng…
Đẩy mạnh các giải pháp để hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Thực hiện các giải pháp để nắm bắt, kịp thời ngăn chặn việc người lao động bị lôi kéo, kích động từ bên ngoài gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đến người lao động đang làm việc.