Thị trường lao động Việt Nam còn nhiều thách thức
Thị trường lao động Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên thì thị trường cần phải vượt qua những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, phân hóa vùng miền và tỷ lệ lao động phi chính thức...

Ảnh minh họa.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam đã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ mang tính đột phá, chiến lược, cơ bản cho cả trước mắt và lâu dài để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam đã đạt xấp xỉ mức tăng trưởng đề ra (7,52%).
Điều này đã phần nào phản ánh sự phục hồi và phát triển của thị trường lao động Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2025 từ 8% trở lên, thị trường lao động cần phải vượt qua những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực cũng như giảm tỷ lệ lao động phi chính thức.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2025 chúng ta có thể thấy bức tranh lao động việc làm có nhiều điểm sáng về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, số người có việc làm. Theo số liệu từ Cục Thống kê, Bộ Tài chính, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 53 triệu người, tăng hơn 542,6 nghìn người so với cùng kỳ năm 2024. Số người có việc làm đạt 51,9 triệu người, cao nhất trong 3 năm trở lại đây; trong đó, khu vực thành thị là 20,1 triệu người, nông thôn là 31,8 triệu người.
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NHIỀU ĐIỂM SÁNG NHƯNG CÒN NHIỀU THÁCH THỨC
Theo khu vực kinh tế, số người có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,5 triệu người (26,0%), giảm 243,7 nghìn người; khu vực công nghiệp và xây dựng: 17,2 triệu người (33,2%), tăng 258,5 nghìn người; khu vực dịch vụ: 21,2 triệu người (40,8%), tăng 523,3 nghìn người.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 29,0%, tăng 1 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2024, đây là dấu hiệu cho thấy chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao.
Tỷ lệ lao động phi chính thức dù còn cao với mức 63,9% nhưng cũng đã giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2024 (thành thị: 48,0%, giảm 1,7%; nông thôn: 74,0%, giảm 0,5%; nam: 67,2%, giảm 1,0%; nữ: 60,1%, giảm 1,4%). Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp chỉ 2,22%, trong đó khu vực thành thị là 2,44%, khu vực nông thôn là 2,08%.
Đáng chú ý, số người thiếu việc làm cũng giảm mạnh còn 1,72%, tương đương gần 800.000 người, giảm 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2024. Điều này phần nào phản ánh sự hồi phục của các chuỗi cung ứng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và dịch vụ hậu cần sau chu kỳ biến động toàn cầu.
Qua con số gia tăng về lực lượng lao động và số người có việc làm cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Các số liệu từ Cục thống kê cho thấy các ngành như: sản xuất công nghiệp, logistics, công nghệ thông tin, và dịch vụ tài chính ghi nhận mức tăng trưởng việc làm mạnh, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Bộ với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất cả nước (1,7%).
Ngược lại, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (3,8%), phản ánh sự chênh lệch phát triển giữa các vùng miền. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là 8,06%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình, đặc biệt ở khu vực thành thị (10,65%). Điều này cho thấy nhóm lao động trẻ, đặc biệt là Gen Z, đang đối mặt với thách thức trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp với kỹ năng và kỳ vọng.
Nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp và mức tăng GDP của 6 tháng đầu năm 2025 cũng cho thấy mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP và tỷ lệ thất nghiệp. Tăng trưởng GDP, đặc biệt trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt ở khu vực đô thị, nơi lao động có việc làm tăng 437,1 nghìn người. Tuy nhiên, mối quan hệ này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chính sách kinh tế, thị trường lao động...
BỐN THÁCH THỨC CHO THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CUỐI NĂM 2025
Những số liệu trên cho thấy thị trường lao động dù đang được cải thiện, nhưng vẫn cần các chính sách hỗ trợ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm tình trạng thiếu việc làm ở các khu vực và nhất là giảm tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên.
Thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, nhưng một số thách thức vẫn tồn tại khiến cấu trúc của thị trường lao động vẫn chưa phát triển bền vững. Có thể nhận diện bốn thách thức chủ yếu đối với thị trường lao động hiện nay.
Thứ nhất, vẫn còn 2/3 lực lượng lao động phi chính thức, nghĩa là hàng triệu người lao động không tiếp cận được bảo hiểm, không được đào tạo lại hoặc bảo vệ trước rủi ro mất việc.
Thứ hai, chênh lệch vùng miền trong cơ hội việc làm, các khu vực như Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ việc làm thấp hơn bình quân cả nước.
Thứ ba, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên 15-24 tuổi cao gấp gần 4 lần tỷ lệ thất nghiệp chung.
Thứ tư, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, đặc biệt trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và ngôn ngữ, dù tỷ lệ lao động có đào tạo đã được cải thiện...
Nội dung đầy đủ bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30-2025 phát hành ngày 28/7/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1188

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thi-truong-lao-dong-viet-nam-con-nhieu-thach-thuc.htm