VN-Index lập đỉnh mới nhân kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán

Chiều 28/7, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận phiên giao dịch bùng nổ cả về điểm số lẫn thanh khoản, khi chỉ số VN-Index đạt 1.557 điểm - mức cao nhất trong lịch sử 25 năm hình thành và phát triển thị trường.

Điểm nhấn trong phiên là sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu chứng khoán, với hàng loạt mã tím như MBS, SBS, VND, SHS, VIX, VDS, AGR, APS... Nhiều mã khác cũng tăng mạnh từ 4-5%. Nhóm ngân hàng, vốn được xem là “cổ phiếu vua” cũng góp phần đáng kể vào đà tăng của chỉ số, đặc biệt là VCB, TCB, VPB, BID, SHB, góp tổng cộng 6,6 điểm cho VN-Index.

Trong đó, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trở thành điểm sáng với mức tăng hơn 4%, giao dịch quanh ngưỡng 25.000 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất kể từ khi niêm yết. Trong tuần trước, VPB có chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, với tổng mức tăng gần 13%. Tính trong 18 phiên gần đây, mã này chỉ ghi nhận duy nhất một phiên giảm.

Nhiều mã tăng trần trong phiên 28/7

Nhiều mã tăng trần trong phiên 28/7

Không chỉ thăng hoa về điểm số, thị trường còn xác lập kỷ lục về thanh khoản. Riêng sàn HoSE ghi nhận khối lượng giao dịch lên đến 1,85 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 46.700 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt hơn 52.000 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD). Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để khối ngoại hiện thực hóa lợi nhuận, khi bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị bán mạnh gồm HPG (417 tỷ đồng), FPT, GVR, VIX, SSI, GEX…

Theo các chuyên gia, đà tăng mạnh của VN-Index đang mở ra kỳ vọng chinh phục mốc 1.600 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, để duy trì xu thế tăng bền vững, thị trường cần hội tụ các yếu tố như dòng tiền nội bền bỉ, chính sách vĩ mô ổn định, tâm lý nhà đầu tư được củng cố, và đặc biệt là kỳ vọng nâng hạng thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân tại Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, tháng 8 qua các năm, VN-Index có xác suất tăng 61% với mức tăng trung bình 1,6%. P/E hiện tại của chỉ số đã tiến sát trung bình 10 năm, nhưng vẫn thấp hơn đỉnh của năm 2021 và 2018. Giai đoạn 2025 được kỳ vọng sẽ ghi dấu chu kỳ tăng trưởng mới, nhờ nới lỏng chính sách tiền tệ và động lực nâng hạng thị trường.

VN-Index đang hướng đến mốc 1.600

VN-Index đang hướng đến mốc 1.600

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc phân tích cổ phiếu và ngành tại MBS cho rằng, thanh khoản thị trường đang bước vào “trạng thái bình thường mới” với mức trung bình 30.000-35.000 tỷ đồng/phiên. Thậm chí, trong các thời điểm hưng phấn, giá trị giao dịch hoàn toàn có thể vươn tới 2 tỷ USD/phiên. Nhà đầu tư nên tiếp tục giữ cổ phiếu ngành chứng khoán vì đà tăng hiện tại chỉ mới bắt đầu. Việc chốt lời từng phần trong nhịp tăng nóng, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để tái tích lũy khi điều chỉnh là chiến lược phù hợp.

Ngày 28/7/2000, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chính thức khai sinh với vỏn vẹn 2 mã niêm yết. Sau 25 năm, thị trường đã có hơn 1.600 doanh nghiệp tham gia, vốn hóa cổ phiếu và trái phiếu đạt gần 100% GDP, số lượng tài khoản chứng khoán vượt 10 triệu - một con số ấn tượng trong khu vực.

Dù xuất phát sau so với các thị trường như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… TTCK Việt Nam đã vươn lên top đầu Đông Nam Á về thanh khoản, trở thành kênh huy động vốn trung - dài hạn chủ lực cho nền kinh tế.

Hệ thống chỉ số của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng được mở rộng toàn diện, từ các chỉ số theo quy mô vốn hóa (VN30, VN100, VNMidcap...) đến nhóm ngành, chỉ số đầu tư theo chủ đề và chỉ số chung như VNX50, VNXAllshare.

7 tháng đầu năm 2025, giá trị giao dịch bình quân/phiên trên HoSE đạt 23.610 tỷ đồng, gấp gần 17 lần so với năm đầu thành lập. Những con số kỷ lục đang tạo nền tảng cho một bước ngoặt phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2025-2030.

Ngọc Nga

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/vn-index-lap-dinh-moi-nhan-ky-niem-25-nam-thi-truong-chung-khoan-320520.html