Thị trường lúa gạo Tiền Giang ổn định, không khan hàng, sốt giá

Thời gian gần đây, tại tỉnh Tiền Giang, dù giá lúa gạo các loại ở mức cao, sức mua có tăng nhưng nhờ hệ thống phân phối rộng khắp, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo hoạt động ổn định nên đảm bảo nguồn cung, không xảy ra khan hàng, sốt giá.

Theo các cơ sở kinh doanh mặt hàng gạo tại tỉnh Tiền Giang trong vòng một tháng qua, giá gạo các loại đều tăng khoảng 2 nghìn đồng/kg. Riêng trong ngày hôm nay 15-8, giá gạo lại không tăng. Tại Thành phố Mỹ Tho, gạo ST25 giá cao nhất là 22.000 đồng/kg, gạo thơm Jasmine (loại dẻo) 16.500 đồng/kg, gạo Lài Thái 18.500 đồng/kg, các loại gạo nở giá từ 13.000 – 14.000 đồng/kg...

Theo chủ các cơ sở kinh doanh gạo, gần đây, sức mua gạo của khách hàng có tăng nhưng hầu hết các cơ sở kinh doanh gạo đều có nguồn cung ổn định, giá bán ra phải chăng, không tăng đột biến để "giữ chân" khách hàng.

Thị trường gạo ở tỉnh Tiền Giang vẫn ổn định, không khan hàng, sốt giá

Thị trường gạo ở tỉnh Tiền Giang vẫn ổn định, không khan hàng, sốt giá

“Thị trường gạo có lên nhưng hiện tại đã đứng giá, tôi không dám mua trữ. Tôi ráng giữ giá cho người dân ăn giá bình ổn, tôi cũng mua đủ số lượng để không lên giá nữa, vẫn giữ giá vậy. Khi nào hết gạo trong kho thì nếu mình mua giá lên thì bán tăng lên, không để khan hàng", bà Nguyễn Thị Thùy Trang, chủ cửa hàng gạo Thanh Trúc tại phường 10, TP.Mỹ Tho chia sẻ.

Đến thời điểm này, vụ lúa hè thu của tỉnh Tiền Giang chỉ có gần 400 ha lúa đang chín và chỉ có vài chục ha bước vào thu hoạch. Dự kiến, đến đầu tháng 9 tới mới bước vào thu hoạch rộ, do đó, lượng lúa gạo cung ứng cho thị trường hiện nay chủ yếu do các doanh nghiệp dự trữ trước đây hay mua lúa từ các địa phương khác về xay xát.

Các cửa hàng kinh doanh gạo đều chủ động nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng

Các cửa hàng kinh doanh gạo đều chủ động nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng

Tuy nhiên, thế mạnh trong kinh doanh lúa gạo của tỉnh Tiền Giang là trên địa bàn có hàng chục doanh nghiệp, nhà máy xay xát lúa gạo có quy mô lớn hoạt động thường xuyên. Chỉ riêng tại huyện Cái Bè còn có khu vực An Cư - Bà Đắc - là đầu mối kinh doanh lúa gạo của vùng ĐBSCL để cung ứng lượng gạo cho thị trường nội địa vừa phục vụ xuất khẩu.

Giá lúa gạo tăng như thời gian gần đây, cả nông dân, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mặt hàng này đều phấn khởi vì giải quyết lượng hàng tồn kho với lãi khá và tạo tín hiệu vui khi vụ lúa Hè Thu sắp đến. Ông Võ Phước Hưng, chủ doanh nghiệp kinh doanh gạo tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, rất đồng tình với chủ trương tăng cường xuất khẩu gạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không hạn chế lượng gạo xuất khẩu như trước đây. Đây là cơ hội tốt cho sản xuất và xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL.

Giá lúa gạo tăng, hoạt động kinh doanh mặt hàng này sôi động trở lại

Giá lúa gạo tăng, hoạt động kinh doanh mặt hàng này sôi động trở lại

“Tình hình thị trường gạo rất tốt, giá nó đã đỉnh trong 20 năm nay. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam, và cả nông dân để đưa hạt gạo ra thị trường thế giới rất tốt. Bây giờ giá cao quá mình đâu có dự trữ, mình mua về bán lại liền. Năm nay hay hơn mọi năm là rút kinh nghiệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói dứt khoát không thiếu gạo, cơ hội để doanh nghiệp, nông dân xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới", ông Võ Phước Hưng phấn khởi.

Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều giải quyết được lượng hàng tồn kho

Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều giải quyết được lượng hàng tồn kho

Lúa gạo là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Tiền Giang cũng như cả vùng ĐBSCL. Mặt hàng này lên giá ở mức cao đã khẳng định lại ngôi vị hạt gạo, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia vừa có giá trị xuất khẩu cao nếu chất lượng, sản lượng ngày được nâng lên đi đôi với giảm giá thành sản xuất.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/thi-truong-lua-gao-tien-giang-on-dinh-khong-khan-hang-sot-gia-post1039491.vov