Thị trường M&A có thể đạt 20 tỷ USD trong 3 năm tới

Khi thị trường khó khăn được nhìn nhận là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền mua lại các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới, mở ra nhiều cánh cửa cơ hội, thu hút nhiều khoản đầu tư

Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới, mở ra nhiều cánh cửa cơ hội, thu hút nhiều khoản đầu tư

Sức ép về tài chính

Theo số liệu từ Deloitte, từ đầu năm đến ngày 15/11/2023, các công ty ở Đông Nam Á đã huy động được khoảng 5,5 tỷ USD thông qua hoạt động IPO, giảm so với mức 7,6 tỷ USD huy động được từ 163 thương vụ IPO trong cả năm 2022. Trong đó, Việt Nam chỉ có 3 thương vụ IPO, huy động được khoảng 7 triệu USD.

Số lượng IPO tại thị trường Việt Nam thấp chủ yếu là do quy trình phê duyệt IPO và niêm yết được thắt chặt. Trong khi đó, lượng vốn rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng, do các yếu tố toàn cầu và tại các quốc gia, ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường trong năm 2023. Điều kiện bất lợi này cùng với diễn biến giảm điểm của VN-Index kể từ giữa năm 2022 khiến nhiều doanh nghiệp tạm hoãn kế hoạch IPO cũng như niêm yết.

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, về đầu ra do các tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu, hệ quả của đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị…, nhiều doanh nghiệp có thể buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản.

“M&A có thể sẽ là chiếc phao cứu sinh cho nhiều chủ thể trong nhiều tình huống khó khăn, khi không còn có thể trông đợi thêm các nguồn lực hỗ trợ khác. Còn trong những lúc bình thường, M&A sẽ mang đến thêm sức mạnh từ sự cộng hưởng những thế mạnh của bên bán và bên mua, tạo ra sự thịnh vượng chung cho các bên tham gia và cả nền kinh tế”, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 nhận xét.

Ông Khanh Vũ, Phó tổng giám đốc VinaCapital Vietnam Opportunity Fund cho rằng, trên thế giới, nhà đầu tư có sự lo ngại về vấn đề địa chính trị, nhưng hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục sôi động trong một thế giới đa cực. Việt Nam là một trong những quốc gia có kết nối giao thương đa dạng hàng đầu thế giới thông qua các hiệp định thương mại, đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhưng cần tiếp tục cải thiện hạ tầng, gia tăng khả năng cạnh tranh. Nếu không, theo thời gian, những khó khăn sẽ tích lũy khiến các chi phí như chi phí logistics tăng mạnh, làm giảm sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

“Bên cạnh đó là nguồn nhân lực, muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình, chúng ta cần lực lượng lao động có tay nghề và chuyên môn cao hơn”, ông Khanh Vũ nhìn nhận.

Thị trường M&A có thể đạt 20 tỷ USD trong 3 năm tới

“15 năm qua, tôi hay được nghe các câu hỏi như có nên đầu tư vào thị trường Việt Nam, có cơ hội hay không? Nhìn lại quá khứ, năm 2012, khi thị trường M&A xuống đáy, ai cũng bi quan. Nhưng giai đoạn 2016 - 2018 cho thấy các con số tích cực, riêng năm 2017 ước tính có tới 16 tỷ USD đổ vào thị trường Việt Nam (tính toán cả thương vụ không được công bố rộng rãi). Điều này đồng nghĩa rằng, cơ hội luôn ở đó, luôn có. Khoảng 3 năm tới, chúng ta sẽ thấy thị trường M&A của Việt Nam đạt con số 20 tỷ USD”, bà Bình Lê Vandekerckove, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thương vụ ASART chia sẻ tại phiên thảo luận với chủ đề “Sức bật mới cho thị trường M&A” và cho biết, Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế đến cấp độ rộng lớn, ký 16 hiệp định thương mại tự do, sắp ký thêm 1 hiệp định, trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới, mở ra nhiều cánh cửa cơ hội, thu hút nhiều khoản đầu tư.

Tuy nhiên, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam lưu ý, có một số thách thức trong việc thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam, liên quan đến sở hữu nước ngoài, hệ thống kế toán và kỳ vọng định giá quá cao của bên bán.

Ngoài ra, vấn đề lớn khác là về thời gian để hoàn tất một thương vụ M&A. Tại thị trường nội địa Nhật Bản, trong 3 tháng có thể hoàn tất một thương vụ; Nhật Bản với phương Tây cần 6 tháng. Nhưng Nhật Bản với Việt Nam cần hơn 1 năm, vì 3 yếu tố trên và một vài yếu tố khác, tùy từng tính chất các thương vụ.

Về vấn đề này, bà Bình Lê Vandekerckove cho hay, các thương vụ M&A từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc thường kéo dài 1 năm. Giai đoạn 1 thương thảo mất khoảng 6 tháng, nếu công ty đã sẵn sàng M&A. Quy trình pháp lý liên quan đến tuân thủ mất 3 - 6 tháng. Có những giao dịch hoàn tất trong 6 tháng, nhưng chỉ chiếm 10% các thương vụ. Đây là các thương vụ 2 bên đã rất hiểu nhau.

“Có công ty phải mất 3 tháng để hoàn tất bản kế toán thì chắc chắn thương vụ M&A sẽ phải kéo dài thêm thời gian, còn với công ty chưa bao giờ tìm hiểu M&A thì thời gian phải kéo dài thêm 6 tháng. Theo tôi, cùng với việc hoàn tất khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, các doanh nghiệp muốn M&A cũng phải biết các quy trình chính của một thương vụ thì mới có thể sớm hoàn tất thương vụ”, bà Bình Lê Vandekerckove nói.

Theo ông Masataka “Sam” Yoshida, sở hữu nước ngoài, hệ thống kế toán và kỳ vọng định giá quá cao của bên bán là những thách thức lớn nhất, nhưng hầu hết các trường hợp đều có thể vượt qua nhờ nỗ lực của bên bán và bên mua. Đặc biệt, với các giải pháp của Chính phủ, cơ hội tại Việt Nam vẫn còn rất tốt. Việt Nam đang ở giai đoạn phù hợp cho bất kỳ công ty Nhật Bản nào đến đầu tư. Ngoài Nhật Bản, Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư từ các quốc gia châu Á khác như Singapore, Hàn Quốc, nhưng gần như thiếu vắng các công ty châu Âu, còn các công ty Mỹ không có nhiều.

Về các cơ hội M&A tại Việt Nam, ông Seck Yee Chung, luật sư điều hành Công ty Luật Baker McKenzie nhìn nhận: “Việt Nam có những cơ hội tuyệt vời, nhưng không có quốc gia nào hoàn hảo. Còn nhiều thách thức và khó khăn. Khi người ta lựa chọn Đông Nam Á, họ cũng có thể xem xét cơ hội các quốc gia lân cận Việt Nam. Các nhà đầu tư cũng chặt chẽ hơn khi đầu tư, nhằm nâng cao hiệu quả đồng vốn”.

Hoạt động M&A sẽ nhộn nhịp trở lại

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, trong đó có các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn sự bất ổn về nguồn cung, nhất là các mặt hàng chiến lược như năng lượng, lương thực, chất bán dẫn. Nguy cơ nợ công, rủi ro trên các thị trường tài chính - ngân hàng, bất động sản gia tăng tại một số nước. Áp lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư tăng, đặc biệt việc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng tại một số quốc gia từ năm 2024 có khả năng dẫn đến sự chuyển hướng của dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó dòng vốn thông qua kênh M&A.

Nhiều kết quả khảo sát của các tổ chức uy tín trên thế giới cho thấy, hoạt động M&A toàn cầu năm 2023 diễn ra không thuận lợi, một trong những nguyên nhân chính là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không ngừng tăng lãi suất, khiến chi phí tài chính gia tăng và giá tài sản giảm. Chẳng hạn, theo nghiên cứu của Công ty dữ liệu và phân tích GlobalData, tổng số thương vụ M&A tính đến hết tháng 10/2023 giảm 16,8%, trong đó số thương vụ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 11,6% so với cùng kỳ.

Nằm trong xu hướng chung, thị trường M&A Việt Nam cũng sụt giảm, đặc biệt so với mức đỉnh năm 2021 - tổng giá trị thương vụ hơn 10,8 tỷ USD. Theo ước tính của KPMG, 10 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị các thương vụ mới đạt hơn 4,4 tỷ USD, dự báo cả năm khó có thể đạt con số gần 6,8 tỷ USD của năm ngoái.

Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề trên, thị trường M&A Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội và triển vọng, nhờ những yếu tố nền tảng đang ngày càng được củng cố. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách đang được thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư - kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A. Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có phản ứng chính sách kịp thời và hiệu quả trước vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các khoản đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia. Hoạt động thoái vốn, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước sau một thời gian bị chậm lại sẽ được thúc đẩy. Việc thực thi quyết liệt và hiệu quả các giải pháp này sẽ góp phần quan trọng đưa nền kinh tế phục hồi nhanh và bền vững, không chỉ trong năm 2024, mà cả những năm tiếp theo. Khi kinh tế phục hồi, niềm tin tiêu dùng được cải thiện, bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn và đầu tư nước ngoài tăng tốc, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ nhộn nhịp trở lại.

Ngọc Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-ma-co-the-dat-20-ty-usd-trong-3-nam-toi-post335114.html