Thị trường M&A im ắng, các bên 'án binh bất động' sau khi ông Trump áp thuế
Sau năm 2024 sôi động, thị trường M&A toàn cầu đang rơi vào trầm lắng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ áp thuế nhập khẩu với hàng loạt quốc gia.
Thị trường M&A thế giới đã ghi nhận nhiều thương vụ sôi động trong 2024, mở ra những dự báo lạc quan cho triển vọng năm 2025. Nhưng đó là trước khi Nhà Trắng công bố các chính sách thuế quan mới, thổi bùng lên mối quan ngại của giới đầu tư toàn cầu về triển vọng kinh tế thế giới bất định.
Theo tin từ Bloomberg, hôm 4/4 vừa qua, tức hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan với 180 quốc gia, tập đoàn vật liệu xây dựng Saint-Gobain của Pháp đã quyết định tạm ngừng thương vụ bán mảng kinh doanh kính ô tô vốn được định giá tới 2,5 tỷ EUR.
Gần như cùng lúc, quỹ đầu tư KKR tuyên bố rút khỏi liên minh đang đàm phán mua lại Gerresheimer – doanh nghiệp sản xuất bao bì y dược và mỹ phẩm của Đức, có vốn hóa thị trường khoảng 2 tỷ EUR.
Tại Anh, Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân 3i Group cũng tạm dừng thương vụ bán lại nhà cung cấp thức ăn cho thú cưng MPN, được định giá khoảng hơn 600 triệu USD.
Nhiều thương vụ M&A đáng chú ý bị dừng lại trong bối cảnh điều kiện thị trường kém lạc quan, các thị trường chứng khoán trọng điểm lao dốc sau quyết định áp thuế của Mỹ.
Một chuyên gia cấp cao về M&A nói với tờ Lianhe Zaobao (Singapore) rằng việc Mỹ áp thuế với hầu hết đối tác thương mại sẽ ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu, từ đó tác động trực tiếp đến định giá và giá chào mua – bán. Khoảng cách kỳ vọng giữa bên mua và bên bán vì thế cũng có thể bị kéo giãn, khiến tốc độ thương lượng chậm lại trong ngắn hạn.
Ông Wong Wai Hong – Luật sư thành viên cấp cao tại hãng luật Dentons Rodyk – cũng đồng tình với nhận định trên, cho rằng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị hiện nay, nhiều bên tham gia thị trường đang lựa chọn chiến lược “án binh bất động”.
“Các bên ngày càng thận trọng hơn, cân nhắc mọi phương án trước khi đưa ra quyết định. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các ngành phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi thuế quan và các chính sách thương mại thay đổi liên tục có thể mang đến những hệ quả sâu rộng”, vị chuyên gia nói thêm.
Các ngân hàng lớn tại Mỹ như JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Bank of America đều đang cân nhắc hạ dự báo doanh thu ở mảng tư vấn M&A và IPO, không loại trừ khả năng cắt giảm việc làm ở mảng này trong nửa cuối năm nếu môi trường kinh doanh không cải thiện.
Mah Kah Loon, cố vấn cao cấp tại EY Strategy and Transactions gần đây cũng đưa ra lời khuyên rằng nên tạm hoãn các thương vụ M&A có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Ngược lại, nếu chiến lược M&A được xây dựng với tầm nhìn từ 5 năm trở lên thì doanh nghiệp có thể bỏ qua những biến động ngắn hạn để tập trung vào giá trị chiến lược dài hạn.
Tại khu vực Đông Nam Á, tờ báo Lianhe Zaobao của Singapore gần đây cũng dẫn lời nhiều chuyên gia trong ngành nhận định thị trường tài chính toàn cầu đang biến động mạnh và triển vọng kinh tế toàn cầu là khó đoán định. Trong bối cảnh đó, một số nhà quan sát thị trường nhận thấy nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc lại các thương vụ M&A sau những xáo trộn thuế quan.
Bà Sandy Foo, Trưởng bộ phận M&A tại hãng luật Rajah & Tann, Singapore dự báo các thương vụ đầu tư và M&A tại khu vực Đông Nam Á sẽ phải đối diện nhiều thách thức trong thời gian tới trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực bị Mỹ áp thuế đối ứng cao.