Thị trường MICE sôi động trở lại tại châu Á

Với nhu cầu về các hoạt động MICE (họp mặt, khen thưởng, hội nghị và triển lãm) đang tăng trở lại, các quốc gia châu Á đang gấp rútchào đón du khách quốc tế.

Thị trường MICE sôi động trở lại tại châu Á. Ảnh: TTXVN

Thị trường MICE sôi động trở lại tại châu Á. Ảnh: TTXVN

Với nhu cầu về các hoạt động MICE (họp mặt, khen thưởng, hội nghị và triển lãm) tại chỗ đang tăng trở lại sau đại dịch COVID-19, các quốc gia châu Á đang gấp rút dọn dẹp, chỉnh trang các địa điểm tổ chức sự kiện, triển lãm và tăng cường các kế hoạch tiếp thị để chào đón du khách quốc tế một lần nữa.

Không khí tiếp thị đặc biệt sôi nổi ở Đông Bắc Á, nơi thành phố Busan của Hàn Quốc đang chạy đua giành quyền đăng cai Hội chợ triển lãm Thế giới 2030 (World Expo 2030), trong khi chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã công bố Khu Văn hóa Tây Cửu Long, trải rộng hơn 40 ha để thu hút cả du khách giải trí và MICE.

Tại vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), các cuộc triển lãm quy mô lớn đã diễn ra nhộn nhịp với số lượng người tham gia ngày càng tăng, bao gồm cả sự kiện triển lãm công nghệ Computex 2023 tuần trước, tăng 60% so với phiên bản năm 2019. Lần đầu tiên sau 3 năm, các nhà triển lãm tại Computex đã có thể gặp mặt trực tiếp người mua.

Jerchin Lee, Giám đốc điều hành của Trung tâm Hội nghị Quốc tế Đài Bắc, cho biết mọi người muốn kết nối lại với nhau sau đại dịch. Computex 2023 dự kiến sẽ thu hút ít nhất 30.000 du khách nước ngoài trong năm nay từ 126 quốc gia, với khoảng 1.000 nhà triển lãm tại Trung tâm Triển lãm Nam Cảng (Nangang) Đài Bắc.

Năm 2019, giá trị của ngành công nghiệp MICE của Đài Loan là 15,6 tỷ USD, được tạo ra từ 314.000 khách doanh nhân đã tham gia 291 hội nghị quốc tế và 284 triển lãm tại Đài Loan.

Ông Lee, cũng là đồng lãnh đạo của Dự án Gặp gỡ Đài Loan, cho biết Đài Loan muốn củng cố ngành công nghiệp MICE của mình thông qua việc tập trung vào quảng bá bản thân như một điểm đến ưa thích.

Trong khi ba trung tâm triển lãm lớn nhất ở Thái Lan thuộc sở hữu của các công ty tư nhân, thì ở Đài Loan, 80% địa điểm có đầu tư của chính phủ và được điều hành bởi Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA), một tổ chức xúc tiến thương mại được chính phủ đồng tài trợ.

Ông Lee cho biết Thái Lan có thể thu hút các nhà đầu tư tư nhân vì đây là một thị trường du lịch khổng lồ, đặc biệt là đối với du khách châu Âu. Ông cũng chỉ ra ví dụ ở Singapore, hầu hết các địa điểm đều thuộc sở hữu của các công ty tư nhân, nhưng chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các dự án của họ.

Thị trường MICE ở Đài Loan nhỏ hơn và chính quyền phải bắt đầu xây dựng các địa điểm ở nhiều thành phố trọng điểm. Ngoài các dự án hiện có ở Đài Bắc và Cao Hùng, còn có các kế hoạch mở các trung tâm triển lãm mới ở Đài Trung ở khu vực trung tâm vào năm tới, tiếp theo là một dự án khác ở Đào Viên.

Điểm đến ưu tiên

Bà Rosa Liu, Giám đốc Văn phòng Dự án MICE Đài Loan thuộc Bộ Kinh tế, cho biết Đài Loan quyết tâm quảng bá mình như một điểm đến, cho phép thu hút du khách hiệu quả hơn khi họ khám phá các điểm tham quan, trải nghiệm và hoạt động độc đáo ở Đài Loan. Thay vì cạnh tranh, bà Liu cho biết Đài Loan đã tham gia Liên minh Công ước châu Á vào năm 2021 để tạo ra sự chia sẻ kinh doanh và trao đổi kiến thức với Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc.

Theo bà Liu, vì các đại hội hoặc hội nghị thường luân phiên đến một địa điểm mới hàng năm, nên mỗi điểm đến đều có cơ hội đăng cai như nhau. Trong mối quan hệ hợp tác này, các tổ chức có thể chia sẻ kiến thức về cách xử lý các yêu cầu cụ thể để cung cấp các dịch vụ ấn tượng.

Đối với các cuộc triển lãm, bà Liu cho biết thay vì sao chép các triển lãm thương mại thành công từ châu Âu, hầu hết các cuộc triển lãm quốc tế ở Đài Loan đều là những cuộc triển lãm trong nước vì hòn đảo này muốn giới thiệu các ngành công nghiệp chính của mình, chẳng hạn như các công ty bán dẫn và công nghệ thông tin và truyền thông đạt được những điểm số hàng đầu trên toàn cầu. Những sự kiện này mời người mua từ khắp nơi trên thế giới ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp địa phương.

Bà Liu cho biết: “TAITRA quản lý hơn 30 triển lãm quốc tế mỗi năm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi tạo ra các triển lãm của riêng mình để trở thành nền tảng cho các ngành công nghiệp hoặc nhà sản xuất địa phương”.

Thành phố mới

Grace Chen, phó giám đốc điều hành của Trung tâm Triển lãm Quốc tế Nam Cảng, cho biết chi phí thuê địa điểm trung bình ở Đài Loan nằm ở mức trung bình trong số 12 nền kinh tế ở châu Á có phòng triển lãm. Khi so sánh với các phòng triển lãm ở trung tâm thành phố Bangkok, giá trung bình ở Đài Loan có thể rẻ hơn, bà nói.

Bằng việc chính quyền thành phố đầu tư vào các cơ sở của MICE, giá thuê ở tất cả các địa điểm ở Đài Bắc đều như nhau, bao gồm cả trung tâm lớn nhất và mới nhất là Trung tâm Triển lãm Quốc tế Nam Cảng Đài Bắc.

Bà Chen cho biết, chính quyền thành phố Đài Bắc không chỉ phát triển các trung tâm triển lãm ở Nam Cảng để thu hút phân khúc MICE mà còn khuyến khích các công ty công nghệ hàng đầu như AMD và HP đặt văn phòng tại khu vực này, giúp tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Cùng với các dự án khách sạn lớn và trung tâm mua sắm đang được xây dựng, Nam Cảng được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở trung tâm thành phố, nơi có không gian hạn chế cho các dự án phát triển mới./.

Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-mice-soi-dong-tro-lai-tai-chau-a/294153.html