Thị trường mua bán sáp nhập hồi phục và triển vọng tăng trưởng tốt
Thị trường mua bán sát nhập (M&A) tại Việt Nam dự báo sẽ hồi phục nhanh trong giai đoạn 2021 - 2022, có thể đạt mức 4,5 - 5 tỉ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn, trở lại với giá trị 7 tỉ USD vào năm 2022.
Sức nóng từ các thương vụ mua bán sáp nhập
Đầu tháng 5/2021, thương vụ Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG), một trong 3 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn của Nhật, mua lại 49% vốn cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit) với giá 1,4 tỉ USD đã tạo tâm điểm cho thị trường tài chính Việt Nam về quy mô và giá trị. Thương vụ mua bán sáp nhập này được xem là lớn nhất của ngân hàng Nhật đầu tư vào một tổ chức tài chính Việt Nam. FE Credit là công ty trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) được định giá 2,8 tỉ USD.
Trước đó, cũng trên thị trường tài chính, các thương vụ M&A có quy mô, trị giá hàng tỉ USD cũng được ghi nhận. Đơn cử năm 2019, thương vụ BIDV bán 15% cổ phần cho Keb Hana với giá 882 triệu USD (tương đương 20.200 tỉ đồng) được xem là khoản đầu tư có giá trị lớn nhất trên thị trường tài chính tính tới thời điểm đó. Hay vào tháng 4/2020, Tập đoàn FWD chính thức nhận được sự chấp thuận theo luật định cho việc mua lại Công ty bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI, công ty bảo hiểm nhân thọ liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và BNP Paribas Cardif) trị giá 400 triệu USD. Hay Ngân hàng Nhật Aozora mua 15% cổ phần Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) trị giá 139 triệu USD.
Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều thương vụ lớn đã diễn ra khiến thị trường M&A trong nước trở nên sôi động, dự báo có thể đạt thể đạt mức 4,5- 5 tỉ USD trong năm 2021 này. Các thương vụ M&A giúp cho các DN tái cấu trúc nguồn lực của mình, đồng thời cũng là giải pháp đầu tư hiệu quả khi có thể tiếp cận thị trường một cách tối ưu nhất.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng hoạt động mua bán sáp nhập
Ước tính trong 20 năm qua, Việt Nam có hơn 4.000 thương vụ M&A với giá trị đạt gần 50 tỉ USD, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về giá trị M&A. Việt Nam được đánh giá là quốc gia năng động trong hoạt động M&A khi thu hút dòng vốn ngoại và nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường.
Theo ông Đặng Xuân Minh - Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập DN (CMAC), làn sóng dịch chuyển đầu tư mới vào Việt Nam sẽ rất tốt cho kinh tế Việt Nam nói chung và các hoạt động đầu tư gián tiếp nói riêng. Việt Nam cần thúc đẩy hoạt động M&A thông qua các hoạt động thoái vốn DN nhà nước, thu hút đầu tư từ nước ngoài. Bên cạnh đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để vừa quản lý tốt, vừa khuyến khích hoạt động M&A.
Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận - Trường Đại học Tài chính - Marketing (TP. Hồ Chí Minh), thời gian qua, hoạt động M&A tại Việt Nam khá sôi động, nhất là các DN trong nước bán vốn cho nước ngoài để ngoài tăng cường năng lực tài chính, có thể nhận được sự hỗ trợ về công nghệ, về kinh nghiệm quản trị... Nhiều tập đoàn nước ngoài khi có mục tiêu muốn tham gia vào thị trường trong nước sẽ dễ chọn con đường mua lại các DN có sẵn tại địa phương để rút ngắn thời gian cũng như sẽ hiệu quả hơn.
Hiện nay, với xu thế dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Việt Nam là nơi đặt nhà máy. Việc xây dựng nhà máy lại từ đầu cũng khiến nhà đầu tư tốn nhiều thời gian, chi phí, vì vậy việc tận dụng các nhà máy của Việt Nam qua hình thức M&A sẽ giúp nhà đầu tư không bị gián đoạn việc sản xuất của mình, nhanh chóng vận hành DN.
Đặc biệt với triển vọng kinh tế tích cực năm 2021, ba Bộ luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 gồm Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có 3 điểm quan trọng tác động tăng trưởng đến thị trường M&A Việt Nam. Trong đó, Luật Doanh nghiệp nâng cao sự bảo vệ an toàn của người mua trong các thương vụ M&A. Còn theo quy định Luật Đầu tư, Chính phủ cam kết thực hiện nghiêm chỉnh việc ban hành danh mục theo nguyên tắc loại trừ, những ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư, hạn chế đầu tư (quy định rõ hạn chế gì, hình thức, quyền, sở hữu…). Để hỗ trợ, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán cũng có những quy định rõ ràng về giới hạn sở hữu nước ngoài. Những quy định trong các bộ luật mới đã đáp ứng kỳ vọng của DN, các nhà đầu tư gián tiếp bên cạnh các nhà đầu tư trực tiếp.