Thị trường mua bán sáp nhập: Ngoại lấn lướt, nội phòng thủ
Dù số lượng thương vụ và giá trị thương vụ giảm nhưng các chuyên gia đều có chung nhận định thị trường mua bán, sáp nhập sẽ sôi động trở lại trong những năm tới.
Năm 2023 là năm khó khăn đối với thị trường mua bán sáp nhập (M&A) khi chứng khiến số lượng thương vụ và giá trị các thương vụ giảm.
Tuy nhiên, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia nhận định, thị trường M&A Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởngtrong những năm tới và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của nhiều tập đoàn lớn.
Theo số liệu của KPMG, tổng giá trị giao dịch M&A trong 10 tháng đầu năm 2023 đạt 4,4 tỷ USD với 260 thương vụ, trong đó 80% giá trị giao dịch thuộc lĩnh vực y tế, tài chính và bất động sản.
Giá trị trung bình các thương vụ ở mức 54,5 triệu USD, thương vụ lớn nhất có giá trị 1,45 tỷ USD.
Một đặc điểm đáng chú ý đối với thị trường M&A Việt Nam được KPMG chỉ ra là nhà đầu tư trong nước chuyển sang thế phòng thủ nhường sân chơi cho nhà đầu tư ngoại.
Thị phần của nhà đầu tư trong nước đã giảm xuống còn 161,6 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 4% tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố.
Nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu 5 vị trí top đầu về giá trị giao dịch. Nhật Bản, Singapore và Mỹ là những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi nổi nhất, chiếm trên 70% tổng giá trị giao dịch M&A được công bố.
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023, ông Warrick Cleine nhìn nhận nhà đầu tư nước ngoài áp đảo có thể là dấu hiệu chuyển hướng của thị trường từ đầu tư cơ hội sang đầu tư chiến lược dài hạn trong các ngành.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2023, tài chính là lĩnh vực đứng đầu về giá trị M&A với hơn 2 tỷ USD. Trong đó, thương vụ lớn nhất đến nay là SMBC của Nhật Bản chi 1,45 tỷ USD mua 15% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Ayudhya của Thái Lan cũng đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn tại Công ty tài chính TNHH một thành viên Ngân hàng SHB (SHB Finance), với tổng giá trị khoảng 3.600 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng đã bán 100% vốn góp tại Công ty tài chính TNHH một thành viên Bưu điện (PTF) cho AEON Financial Service thu về 4.300 tỷ đồng.
Ngoài ra còn một số thương vụ đã và đang được thực hiện như: Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) bán 49% công ty tài chính trực thuộc cho đối tác ngoại.
Lĩnh vực y tế cũng ghi nhận một số thương vụ M&A đáng chú ý trong năm 2023. Đơn cử như thương vụ Tập đoàn y tế Thomson (Singapore) chi hơn 380 triệu USD mua cổ phần chi phối tại Bệnh viện FV, Tập đoàn Raffles Medical mua lại phần lớn cổ phần của Bệnh viện quốc tế Mỹ hay nhà đầu tư tài chính Warburg Pincus đầu tư chuỗi Bệnh viện Xuyên Á.
Bất động sản vẫn là ngành được nhà đầu tư ngoại ưa thích khi ghi nhận hàng loạt thương vụ. Trong đó, thương vụ lớn nhất được công bố là ESR Group Limited chi 450 triệu USD mua lại cổ phần của BW Industrial, Gamuda Land mua lại 100% cổ phần trị giá 316 triệu USD của Công ty cổ phần bất động sản Tâm Lực.
“Tay chơi” đến từ Singapore là Keppel chi 50,4 triệu USD mua 65% cổ phần trong một công ty nắm giữ tài sản bất động sản thương mại tại Hà Nội. Keppel cũng là nhà đầu tư mua 49% cổ phần hai dự án dân cư ở TP. Thủ Đức từ Tập đoàn Khang Điền với tổng giá trị 136 triệu USD.
Ngoài ra, thị trường cũng ghi nhận một số thương vụ M&A nhưng chưa được xác nhận như Capital Land mua lại một phần Dự án Ocean Park 3 của Vinhomes tại Hà Nội và một dự án khác ở Hải Phòng, với tổng giá trị lên đến 1,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác tiếp tục thu hút dòng vốn M&A như tiêu dùng, năng lượng, công nghệ…
M&A vẫn là cơ hội
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng, M&A là cơ hội nếu kiểm soát, quản trị tốt, nhất là khi Việt Nam đã là kinh tế mở. Chủ tịch TTC Group, tự nhận mình là người đã thực hiện nhiều thương vụ M&A vì đây là phương pháp phù hợp với chiến lược, hoài bão của ông.
Trong đó, thương vụ đầu tiên ông và cộng sự thực hiện là M&A thành công hai ngân hàng gồm Ngân hàng Đông Phương và Ngân hàng TMCP nông thôn Thạnh Thắng (Hậu Giang) năm 2001.
Mười năm sau, khi thị trường đang quen với các thương vụ doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp Việt, thì TTC Group lại đi ngược khi mua 2 nhà máy đường Bourbon Tây Ninh và Bourbon Gia Lai của nhà đầu tư Pháp.
Cũng trong mảng đường, để củng cố thị phần, TTC Group sau đó đã hoàn tất thương vụ M&A Công ty CP đường Biên Hòa, nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào.
Chủ tịch TTC Group tiết lộ, mảng đường của tập đoàn sẽ tiếp tục M&A một nhà máy đường ở Tây Ninh vào cuối năm nay và đầu năm 2024 sẽ mua lại nhà máy đường của Ấn Độ ở Campuchia quy mô 5.000 tấn mía cây/ngày, nhằm mở rộng vùng nguyên liệu.
“Trong 44 năm phát triển của TTC Group, tôi chỉ xây dựng một nhà máy đường, một khách sạn ở Dốc Lết (Khánh Hòa), còn lại đều thông qua M&A. Hiện TTC Group đã có 120 đơn vị trực thuộc hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp - năng lượng - bất động sản - du lịch và giáo dục. Điều đó cho thấy, chúng tôi đã vận dụng chiến lược M&A rất thành công trong thời gian qua”, ông Thành nói.
Dù cho rằng M&A không chỉ tạo cơ hội cho người mua mà còn cho cả người bán, tuy nhiên theo ông Thành các doanh nghiệp đều có định hướng chiến lược phát triển, vấn đề là chọn thời điểm nào, thị phần nào để triển khai. Người bán nên chọn thời điểm tốt nhất để thấy được nội lực, còn người mua thấy tiềm năng mở rộng thị phần.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước – môi trường Bình Dương (Biwase) cũng thích nhìn M&A dưới góc độ tích cực là cơ hội cho cả hai bên hơn là câu nói “cá lớn nuốt cá bé”.
Bởi theo ông Thiền, hình ảnh một doanh nghiệp khỏe mạnh kéo đồng nghiệp đang đứng bên bờ vực sụp đổ bằng cách tham gia vốn, quản trị là cách chung tay giúp họ giữ được tài sản, doanh nghiệp.
Thực tế, từ năm 2021 trở lại đây, Biwase đã liên tục thực hiện các thương vụ M&A đối với doanh nghiệp cùng ngành. Năm 2021, Biwase tiếp quản điều hành Công ty cổ phần cấp nước Gia Tân, một năm sau tiếp tục mua và tham gia HĐQT Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ 1 và 2.
Đầu năm 2023, Biwase thông qua chủ trương đầu tư vào 5 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng nước DNP Long An, Công ty cổ phần công trình đô thị Châu Thành, Công ty cổ phần công trình đô thị Cần Giuộc, Công ty cổ phần nước và môi trường Bằng Tâm, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng nước DNP Quảng Bình với tỷ lệ sở hữu dự kiến từ 50% đến 100%.