Thị trường Nga: Rộng cửa cho hàng Việt

Ngoài chất lượng ngày càng được nâng cao, hàng hóa Việt Nam đang được cải thiện rất tốt về mẫu mã, bao bì. Đây là cơ hội lớn để hàng Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nga. Ông Robert Kurilo – Trưởng Đại diện Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Việt Nam – chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Hiện nhiều sản phẩm, mặt hàng của Việt Nam được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. Vậy, còn với thị trường Nga thì sao, thưa ông?

Có rất nhiều mặt hàng của Việt Nam đang có cơ hội và tiềm năng để tiếp cận thị trường Nga, trong đó có các mặt hàng du khách Nga thường mua về làm quà là tỏi đen, cà phê, trà xanh. Ngoài ra, Việt Nam có một số sản phẩm khác rất tiềm năng để đến với thị trường Nga như ống hút bằng giấy, một số sản phẩm hữu cơ, những sản phẩm đang rất phù hợp với xu hướng, tư duy tiêu dùng xanh của thị trường.

Bên cạnh đó, ngoài chất lượng đang nâng lên, một điều rất đáng ngạc nhiên và chúng tôi đánh giá cao đó là sản phẩm hàng hóa Việt Nam đang được cải thiện rất tốt về mẫu mã, bao bì. Đây có thể nói là bước tiến rất đáng khích lệ, bởi trước đây bao bì sản phẩm của Việt Nam thường không được chú trọng, chưa tạo được sức hút với người tiêu dùng, đặt biệt là khi xuất khẩu thường không gây được chú ý vì người tiêu dùng nước ngoài không biết đây là hàng hóa, sản phẩm có gì đặc biệt, hấp dẫn.

Ông Robert Kurilo – Trưởng Đại diện Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Việt Nam

Ông Robert Kurilo – Trưởng Đại diện Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Việt Nam

Đã có những bước tiến về chất lượng, mẫu mã song để hàng hóa Việt Nam được người Nga biết đến nhiều hơn cần phải làm gì để thúc đẩy quảng bá, xúc tiến, thưa ông?

Thực tế, có rất nhiều kênh để giới thiệu hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng của Nga. Ngoài các hoạt động, chương trình xúc tiến, thương mại của Bộ Công Thương, hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp, thì kênh du lịch cũng mang lại hiệu quả rất tốt. Hiện khách Nga đến Việt Nam du lịch hàng năm rất đông, nên các bạn cần tận dụng dòng khách này để giới thiệu sản phẩm thông qua việc tổ chức các buổi thử sản phẩm miễn phí; hay đưa các sản phẩm đặc sắc, truyền thống giới thiệu tới khách Nga ngay tại các bữa ăn ở khách sạn, cơ sở lưu trú. Đối với khách du lịch Nga, nếu họ thích sản phẩm, hàng hóa của quốc gia nào thì sẽ giới thiệu cho các thành viên gia đình và bạn bè, cũng như các đối tác.

Hiện, nhiều mặt hàng của Việt Nam được du khách Nga yêu thích, và ngay tại Nga nhiều người tiêu dùng rất thích ăn tôm Việt Nam, uống cà phê Việt Nam và hoa quả sấy như: Xoài sấy, chuối sấy,… tuy nhiên, lại chưa có kênh chính thức bán các sản phẩm này tại thị trường Nga. Do vậy, nên thành lập các showroom giới thiệu sản phẩm tại Nga. Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Việt Nam đã mở một showroom ở TP. Hồ Chí Minh từ 3 năm trước, làm nơi triển lãm các sản phẩm lương thực, thực phẩm, đồ uống của Nga và khách Việt có thể đến ăn thử, xem bao bì và lấy địa chỉ email của đại diện công ty sản xuất và kết nối trực tiếp với họ. Hiệu quả mang lại rất lớn, theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên đẩy mạnh mở kênh xúc tiến tương tự tại Nga.

Việt Nam đang khôngngừng mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, ký kết nhiều FTA, theo ông, cần khai thác hiệu quả các lợi thế này ra sao đểthúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, trong đó có thị trường Nga?

Giữa Nga và Liên minh Á - Âu đã có FTA từ năm 2016, theo đó 90% thuế sẽ cắt giảm trong 10 năm tới, trong đó một số loại mặt hàng sẽ xuống mức giá hợp lý. Như vậy, cơ hội giao thương song phương, đặc biệt xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang thị trường châu Âu, Nga lại càng rộng mở. Tuy nhiên, sẽ có không ít thách thức khi hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm từ nhiều quốc gia khác với những giá trị, thương hiệu vượt trội. Thực tế, mặc dù một số lĩnh vực như dệt may, da giày Việt Nam đang ngày được đánh giá cao tại thị trường quốc tế, tuy nhiên tại thị trường Nga, người dân thường thích mua hàng mang thương hiệu châu Âu, châu Mỹ, một số nước châu Á, do sản phẩm Việt Nam chưa có thương hiệu gây chú ý. Vì vậy, Việt Nam cần quan tâm, đầu tư và xây dựng thêm các thương hiệu mạnh để khi ra thị trường quốc tế sẽ có chỗ đứng, vị trí và được người tiêu dùng quan tâm hơn. Hiện, chúng tôi cũng đang thiết lập nhiều mối quan hệ tốt đẹp với các Hiệp hội doanh nghiệp, trong đó mới đây là Chi hội doanh nghiệp Việt Âu nhằm hỗ trợ, tạo cầu nối để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác kinh doanh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ở thị trường Nga.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-nga-rong-cua-cho-hang-viet-149047.html