Thị trường ngành gỗ có nhiều tín hiệu tích cực

Theo yếu tố chu kỳ, những tháng cuối năm là thời điểm người tiêu dùng có nhu cầu sửa sang nhà cửa và trang trí nội thất để đón năm mới. Đây chính là thời điểm ngành gỗ có nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty Triệu Phú Lộc (Bình Dương). Ảnh tư liệu: TTXVN

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty Triệu Phú Lộc (Bình Dương). Ảnh tư liệu: TTXVN

Theo ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam ước đạt gần 10,2 tỷ USD, riêng sản phẩm gỗ ước đạt 6,97 tỷ USD. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu năm 2024 đạt 14,2 tỷ USD trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 6% so với năm 2023. Đến thời điểm này, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam rất khả quan, đã hoàn thành 67% kế hoạch đề ra cho năm 2024.

Các chuyên gia ngành gỗ đánh giá, các thị trường xuất khẩu lớn nhất đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ tăng 25,9% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt hơn 5,5 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc, với 1,2 tỷ USD, tăng tới 39% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Nhật Bản với 961 triệu USD, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hàn Quốc lại giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, còn 452 triệu USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Canada với kim ngạch 133 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; sang Anh đạt 124 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Sở dĩ ngành gỗ có nhiều tín hiệu tích cực về xuất khẩu vì ngành công nghiệp chế gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ đang có nhiều lợi thế từ nguồn lao động có tay nghề cao, nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, gỗ nhập khẩu hợp pháp có khả năng sản xuất ra các sản phẩm truy xuất được nguồn gốc.

Tuy nhiên, dù nhu cầu tiêu dùng sẽ khởi sắc, nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn sẽ còn gặp nhiều vấn đề nóng bỏng khác. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, dự báo tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường, yếu tố rủi ro, bất định gia tăng.

Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tiếp tục đối diện với các khó khăn về kinh tế và bảo hộ sản phẩm hàng hóa. Giá cước vận tải biển tăng khiến giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng, có những loại gỗ giá nhập vào hiện tại đã tăng 40% so với năm trước. Điều này ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm đầu ra.

Hơn nữa, Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, điều này có nghĩa các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

Do đó, ngành gỗ muốn tận dụng cơ hội và các lợi thế về thị trường trong những tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp ngành gỗ cần nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng 5 trụ cột đó là: Giải pháp kỹ thuật và công nghệ sản xuất, giảm phát thải, chuyển đổi số, phát triển thị trường và xây dựng tiêu chuẩn giám sát nội bộ trong doanh nghiệp - ông Đỗ Xuân Lập phân tích.

Năm vấn đề trụ cột của ngành gỗ vốn đã được doanh nghiệp bắt tay thực hiện từ hơn 1 năm qua. Điển hình, Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An đã có nhiều hoạt động đổi mới về công nghệ cũng như chăm lo cho người lao động, bảo vệ môi trường sản xuất.

Bà Lê Thị Xuyến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An cho biết, đơn vị luôn xác định, để hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển, sản phẩm xuất khẩu được vào các thị trường có yêu cầu cao như Australia, Mỹ, Anh, châu Âu… việc bảo vệ môi trường được chú trọng quan tâm. Hàng năm công ty tiến hành đo kiểm tra môi trường lao động, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, môi trường làm việc, trồng, chăm sóc cây xanh, đồi cỏ nhân tạo, cắt tỉa cành cây xanh, chăm sóc cây xanh, nhằm tạo cảnh quang xanh - sạch - đẹp trong khuôn viên công ty, cải thiện điều kiện làm việc và góp phần trong bảo vệ môi trường.

Thêm vào đó, công ty đã đầu tư cải tạo hệ thống xử lý nước thải, giúp hệ thống được duy trì và vận hành thường xuyên liên tục, đảm bảo nước thải ra môi trường không gây ô nhiễm môi trường, thực hiện quan trắc nước thải, nước uống, khí thải, tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ,… hàng quý, hàng năm đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường... Nhờ đó, sản phẩm đồ gỗ của Thuận An ngày càng tạo được uy tín, mở rộng thị trường và đảm bảo được nhu cầu tiêu thị sản phẩm với số lượng lớn và tăng trưởng liên tục.

Hồng Nhung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thi-truong-nganh-go-co-nhieu-tin-hieu-tich-cuc-20240830200108761.htm