Thị trường nhà đất Bắc TP.HCM tăng nhiệt từ kỳ vọng 'lên đời'

Thông tin một số huyện vùng ven muốn trở thành thành phố trực thuộc TP.HCM chứ không phải là đơn vị hành chính quận như đề xuất ban đầu khiến giá đất nơi đây nóng trở lại.

“Cò” đất dẫn khách hàng đi xem đất ở Củ Chi. Ảnh: Việt Dũng

Giá nhà đất rục rịch tăng

Dù không “sốt” trên diện rộng như thời điểm đầu năm 2021, nhưng ghi nhận thị trường cho thấy, hoạt động mua bán nhà đất tại các huyện vùng ven TP.HCM như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ vẫn âm thầm diễn ra. Trong đó, khu vực Bắc TP.HCM (quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi) được nhiều nhà đầu tư chú ý nhất.

Trong vai người cần mua đất để xây nhà ở, chúng tôi được một “cò” đất tên Tuân dẫn đi nhiều nơi ở huyện Hóc Môn để xem đất. Sau 15 phút chạy xe, chúng tôi dừng trước một khu đất có diện tích khoảng 100 m2, nằm trên tuyến đường Nguyễn Thị Sóc. Vừa xuống xe, “cò” đất này liền chỉ tay về phía lô đất rồi nói: “Chủ lô đất này đang cần tiền gấp nên muốn bán nhanh với giá 3 tỷ đồng. Nếu anh đồng ý thì em dẫn đi làm việc với chủ nhà luôn. Giao dịch nhanh gọn”.

Lấy lý do không ưng mảnh đất trên vì đường đi vào khá hẹp, chúng tôi tiếp tục được dẫn đi xem nhiều lô đất khác và điều gây ngạc nhiên là không có mảnh đất nào có sổ riêng được bán với giá dưới 2 tỷ đồng. Theo Tuân, với khoản tiền này thì chỉ có thể mua những căn nhà cấp 4 có diện tích dưới 40 m2 nằm sâu trong hẻm nhỏ, viết giấy tay và không có sổ riêng.

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi tiếp tục dạo quanh nhiều xã khác ở huyện Hóc Môn, gặp nhiều môi giới để đặt vấn đề mua mảnh đất từ 50-80 m2 với giá tiền khoảng 2 tỷ đồng, song đều nhận được câu trả lời rằng “không thể mua được mảnh đất nào ở Hóc Môn vào thời điểm này với giá đó”, bởi những khu đất có tuyến đường nhựa mới mở hiện đều đã tăng gấp đôi so với năm trước. Đất tại các tuyến đường lớn đang được rao bán với giá lên đến 50-60 triệu đồng/m2, còn những khu đất nằm trong hẻm nhỏ, đường nhỏ nông thôn cũng có giá 30-35 triệu đồng/m2.

Đơn cử, trên tuyến đường Nguyễn Ảnh Thủ, ngay cạnh chợ Bà Điểm, nhà phố sổ hồng riêng rao bán từ 2,8-3 tỷ đồng/căn có diện tích sàn từ 50 m2. Nhà trệt đường Dương Công Khi diện tích 40 m2 được rao bán với giá 2,5 tỷ đồng. Trên đường Nguyễn Văn Bứa, tuyến mặt tiền có giá từ 4,3-4,5 tỷ đồng/căn diện tích sử dụng 85 m2… Giá đất tại các khu dân cư mới như Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn cũng tăng từ 15-20% so với hồi đầu năm 2021, từ mức 30-36 triệu đồng/m2 lên mức 35-43 triệu đồng/m2.

Không chỉ tại Hóc Môn, hơn một tuần nay, thị trường nhà đất tại huyện Củ Chi cũng “nóng” trở lại, giá bắt đầu rục rịch tăng 3-5% tùy khu vực, cá biệt có nơi còn tăng gấp đôi. Đơn cử, tại xã Nhuận Đức, một lô đất diện tích 15x30 m2 được rao bán với giá 2,3 tỷ đồng, người mua phải chồng tiền ngay thì mới giao dịch.

Theo nhiều người làm nghề môi giới bất động sản tại Củ Chi, từ đầu tháng 3/2022, nhiều chủ đất đã gỡ bảng rao bán cũ để cập nhật giá mới, ngoại trừ một số trường hợp “hét giá” thì giá đất nơi đây chỉ tăng nhẹ. Bên cạnh đó, nhiều người bắt đầu đổ về Củ Chi và các khu vực lân cận để tìm mua đất.

“Lượng khách đổ về đây săn đất ngày càng đông, giao dịch tập trung tại các xã trọng điểm như Tân Phú Trung, Nhuận Đức, Bình Mỹ”, anh Huỳnh Minh Duy, một nhân viên môi giới bất động sản tại Củ Chi nói và cho biết thêm, giá đất Củ Chi cũng bắt đầu nhích tăng những ngày gần đây.

Cụ thể, đất thổ cư có mức giá từ 15-32 triệu đồng/m2, một số khu vực ở Tỉnh lộ 9 còn lên đến 40 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền giá dao động từ 20-30 triệu đồng/m2 tùy khu vực, giá đất trong hẻm rẻ hơn khoảng 10-15 triệu đồng/m2, còn đất vườn có giá gần 10 triệu đồng/m2.

Giá đất Củ Chi rục rịch tăng. Ảnh: Việt Dũng

Liệu có sốt nóng?

Sở dĩ đất tại Hóc Môn, Củ Chi tăng nhiệt thời gian gần đây là bởi có nhiều thông tin liên quan đến quy hoạch địa giới hành chính và kêu gọi đầu tư về 2 địa phương này. Đại diện Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM vừa cho biết, đơn vị này chuẩn bị tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư vào Củ Chi và Hóc Môn.

Theo kế hoạch, sẽ có 55 dự án được mời gọi đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 285.000 tỷ đồng (tương đương 12,4 tỷ USD), bao gồm các dự án hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và văn hóa - thể thao.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch Kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030. Theo đó, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ thành quận hoặc thành phố trực thuộc thành phố trước năm 2025, còn huyện Củ Chi và Cần Giờ thành quận trong giai đoạn 2025-2030.

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại tình trạng sốt đất sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding cho rằng, những thông tin quy hoạch như trên không phải là mới, thậm chí đã được công bố rộng rãi. Thị trường cũng đã trải qua nhiều lần tăng nóng khi đón nhận những thông tin kiểu này nên sẽ khó xuất hiện những cơn sốt đất, nếu không muốn nói là giá bất động sản sẽ đi vào thực tế hơn, tập trung ở những khu vực được quy hoạch hay có dự án mới, chứ không tăng trên diện rộng như trước đây.

“Khi những thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng… được đưa ra thì mặt bằng giá bất động sản nơi có dự án, quy hoạch bị đẩy lên cao hơn bình thường là dễ hiểu, nhưng khi các thông tin này không còn mới thì khó có thể tạo ra sốt đất”, ông Hậu nhìn nhận.

Còn ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) DKRA Vietnam khuyến cáo, các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi đầu tư vào thị trường bất động sản khu vực này, bởi việc nâng cấp huyện lên quận hoặc thành phố là định hướng chiến lược dài hạn, chứ không phải ngày một, ngày hai.

“Nhà đầu tư cần lưu ý nhiều yếu tố như hiểu rõ về pháp lý dự án, quy hoạch của khu vực trước khi quyết định đầu tư, cần tỉnh táo để tránh tâm lý đám đông trước các hiện tượng sốt ảo trên thị trường”, ông Thắng nói.

Việt Dũng

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/thi-truong-nha-dat-bac-tphcm-tang-nhiet-tu-ky-vong-len-doi-292784.html