Thị trường Nhật Bản sẽ không chịu tác động lớn từ vụ SVB phá sản

Giữa lúc các cơ quan quản lý của Mỹ chạy đua để ngăn chặn hậu quả từ sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), vụ phá sản này đã tạo ra bầu không khí u ám trên khắp các thị trường tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, cho dù cú sốc về vụ phá sản ngân hàng lớn nhất của ngành ngân hàng Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 được dự báo sẽ lan ra bên ngoài nước Mỹ, các chuyên gia cho rằng các yếu tố dẫn đến tình trạng này cho thấy nó khó có thể tác động lớn đến Nhật Bản hoặc Đông Á.

Khách hàng chờ bên ngoài trụ sở ngân hàng SVB ở Santa Clara, California, Mỹ ngày 13/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Khách hàng chờ bên ngoài trụ sở ngân hàng SVB ở Santa Clara, California, Mỹ ngày 13/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết: "Mặc dù Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ những diễn biến của vụ sụp đổ trong tương lai và tác động của chúng đối với các tổ chức tài chính Nhật Bản, nhưng những tổ chức này nhìn chung vẫn giữ được tính thanh khoản và cơ sở vốn mạnh. Chúng tôi không tin rằng việc SVB bị phá sản có tác động đáng kể đến sự ổn định của hệ thống tài chính Nhật Bản”.

Ngân hàng SVB là lựa chọn hàng đầu của các công ty mới thành lập quanh Khu vực vịnh San Francisco trước khi sụp đổ vào cuối tuần trước. Các yếu tố cơ bản như giá cổ phiếu công nghệ giảm và lãi suất tăng đã "đặt nền móng" cho vụ phá sản của ngân hàng này.

Ngày 12/3, Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang đã đưa ra một tuyên bố chung nói rằng các quan chức nước này đang “thực hiện các hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng trong nước”. Họ nói: “Người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào liên quan đến khủng hoảng SVB".

Pri de Silva, nhà phân tích tín dụng cấp cao tại Bloomberg Intelligence, có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) cho biết các nhà chức trách lý Mỹ đã có hành động quyết đoán và về cơ bản đã hạn chế được hậu quả vào thời điểm này.

Tuy nhiên, ông de Silva nói thêm: "Nếu bạn bắt đầu nghĩ về những gì đã xảy ra và cố gắng phân tích vụ việc thì nhận ra rằng đây là một thất bại nghiêm trọng trong quản lý rủi ro của các ngân hàng Mỹ .

Ngân hàng Signature Bank có trụ sở tại New York đã trở thành nạn nhân của sự sụp đổ SVB, khi các cơ quan quản lý của Mỹ đã quyết định đóng cửa ngân hàng này nhằm ngăn chặn xu hướng phá sản lây lan trong ngành ngân hàng Mỹ.

Tại Trung Quốc, liên doanh giữa Tập đoàn tài chính SVB và Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải đã tìm cách trấn an công chúng rằng họ không gặp phải những vấn đề tương tự như đối tác từ Mỹ. Trong khi đó, hơn một chục công ty tài chính có trụ sở tại Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ ít tiếp xúc với SVB.

Các công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ có rủi ro lớn hơn nhiều, với các công ty được cho là có một lượng vốn đáng kể bị ràng buộc trong ngân hàng SVB. Rajeev Chandrasekhar, Bộ trưởng Bộ Công nghệ thông tin của Ấn Độ, cho biết ông sẽ gặp các công ty khởi nghiệp Ấn Độ trong tuần này để hiểu rõ hơn tác động đối với họ từ vụ sự sụp đổ của SVB.

Tuy nhiên, Jim Weisser, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty công nghệ SignTime có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) cho biết các công ty khởi nghiệp Nhật Bản đã có tiếp xúc với ngân hàng SVB thông qua việc tài trợ vốn mạo hiểm. Weisser, một công ty khởi nghiệp Nhật Bản đã quen thuộc với việc từng gửi rất nhiều tiền tại SVB, bởi vì đó là nơi các quỹ đầu tư mạo hiểm của họ rót tiền vào. Tuy nhiên, sau đó họ đã chuyển đổi phần lớn số tiền được đầu tư và gửi chúng đến một ngân hàng khác tại Nhật Bản.

Harry Ishihara, một nhà chiến lược vĩ mô, đồng thời là cựu chuyên gia phân tích ngân hàng và cố vấn pháp lý ở Tokyo, nói rằng có nhiều khác biệt giữa hệ sinh thái ngân hàng Nhật Bản và Mỹ, khiến một sự kiện tương tự vụ sụp đổ SVB lặp lại tại đất nước "Mặt Trời mọc".

Ông nói: “Sự khác biệt bao gồm tỷ lệ sử dụng dịch vụ ngân hàng di động ở Nhật Bản thấp hơn nhiều, điều này khiến tiền gửi chậm hơn rất nhiều so với những người gửi tiền ở SVB”. Ông cho biết thêm, các ngân hàng Nhật Bản đã không chứng kiến sự gia tăng tiền gửi kể từ năm 2020 theo cách mà SVB đã làm. Tuy nhiên, vẫn có những bài học có thể rút ra từ sự sụp đổ này, bao gồm cả việc thắt chặt giám sát quy định trong các lĩnh vực cụ thể.

Minh Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thi-truong-nhat-ban-se-khong-chiu-tac-dong-lon-tu-vu-svb-pha-san-20230314181435445.htm