Thị trường nội địa: Còn dư địa lớn cho tiêu thụ nông sản Hải Dương
Ông Nguyễn Văn Quang – Trưởng Phòng Quản lý thương mại – Sở Công Thương Hải Dương đã trao đổi với phóng viên về vấn đề tiêu thụ nông sản Hải Dương.
Thưa ông, năm 2023, dự báo, sản lượng nông sản của Hải Dương như thế nào? Ngành Công Thương Hải Dương đã lên kế hoạch tiêu thụ ra sao?
Hải Dương là một tỉnh nông nghiệp truyền thống và có sản lượng nông sản dồi dào. Dự kiến sản lượng năm 2023 gồm: lúa gạo 720.000 tấn; rau màu mùa đông (su hào: 180.000-200.000 tấn; cà rốt: 80-100.000 tấn; hành tỏi: 80-120.000 tấn). Với cây ăn quả, trái vải thiều Thanh Hà: 65.000-67.000 tấn; ổi 75-80.000 tấn; na 15-20.000 tấn; nhãn 12-15.000 tấn.
Với sản lượng như vậy, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ theo từng loại và từng mùa vụ. Với cây vải thiều, chúng tôi lên kế hoạch và đến ngày 24/5 dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị kết nối giao thương vải thiều để mời các địa phương, doanh nghiệp, bộ ngành đến địa phương, tạo sự kết nối từ rất sớm. Dự báo, năm nay tháng 6 vải sẽ chín.
Tiếp sau đó, ngày 31/5, chúng tôi sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại để tổ chức Hội nghị trực tuyến với 4 tỉnh thành phố khác để cùng Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu nông sản Hải Dương đến các quốc gia, các khách hàng để hỗ trợ tiêu thụ, không chỉ trong nước mà cả xuất khẩu.
Đối với thị trường nội địa, những năm trước đây, lượng tiêu thụ chiếm bao % tổng sản lượng tiêu thụ? Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường nội địa đối với tiêu thụ nông sản địa phương?
Có thể nhận định chung là nông sản của Hải Dương đa phần tiêu thụ nội địa. Sản lượng nông sản hàng năm chủ yếu cung cấp cho các tỉnh thành Đồng bằng sông Hồng (trong đó tập trung cho Hà Nội) và 1 số tỉnh thành phía Nam. Còn lại xuất khẩu chỉ tập trung cho 1 số mặt hàng đặc trưng, đặc sản. Ví dụ như cà rốt khoảng 80%.
Đối với trái vải thiều, hàng năm, chúng tôi xuất khẩu khoảng 20-30%, thị trường chính là Trung Quốc. Bên cạnh đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Đông… nhưng sản lượng chưa nhiều. Cho nên phần lớn nông sản vẫn tiêu thụ nội địa
Chúng tôi luôn cho rằng nội địa vẫn là thị trường tiềm năng và nhiều dư địa. Tôi tin rằng nhiều người tiêu dùng Việt Nam đều thích ăn vải Thanh Hà vì thương hiệu bền vững nhiều năm. Cho nên thị trường nội địa vẫn là thị trường tiềm năng và chúng tôi luôn tham mưu lãnh đạo tỉnh để tận dụng tốt thị trường nội địa.
Chúng tôi cũng qua nhiều kênh, trong đó quan trọng nhất là tạo liên kết giữa doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp có hệ thống chuỗi các cửa hàng, có kinh nghiệm bán lẻ để gắn kết với địa phương, Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện, hành lang cho doanh nghiệp phát triển.
Ngoài ra, mấy năm gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại và tạo liên kết trên nền tảng số đã được Hải Dương rất coi trọng. Những hộ nông dân trồng vải đã trực tiếp đưa sàn phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Postmart. Chúng tôi còn hướng dẫn người dân livestream, bán hàng trên mạng xã hội và đã mang lại kết quả khi dịch vụ vận chuyển rất phát triển, chỉ trong thời gian ngắn, sản phẩm đã đến với người tiêu dùng.
Với những hoạt động đó, năm 2021, 2022, các vùng vải lớn đã tiêu thụ rất tốt và không có hiện tượng được mùa mất giá.
Nếu so sánh với thị trường xuất khẩu, ông/bà đánh giá gì về những thuận lợi và khó khăn của việc tiêu thụ nông sản tại nội địa? Những khó khăn đó có thể giải quyết bằng những giải pháp ra sao?
Về thuận lợi, thứ nhất là nông sản ở thị trường nội địa thì phương thức giao nhận, thanh toán thuận lợi hơn so với xuất khẩu rất nhiều.
Thứ hai, tính tương tác giữa người bán và người mua, hỗ trợ vận chuyển dễ dàng do đồng ngôn ngữ, đồng văn hóa tập quán và sự am hiểu thị trường, nên thuận lợi hơn nhiều nếu so với xuất khẩu.
Thứ ba là các quốc gia khác đặt ra hàng rào kỹ thuật rất khắt khe. Khi các FTA có hiệu lực, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ thì các nước dựng lên hàng rào kỹ thuật và người nông dân không phải một sớm một chiều đáp ứng ngay được. Do đó, tiêu thụ nội địa cũng gặp thuận lợi hơn do không phải đối diện với hàng rào kỹ thuật.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, khó khăn trong tiêu thụ nông sản ở thị trường nội địa chính là do sản xuất manh mún, vẫn theo tập quán của người nông dân. Nông dân đang sản xuất bán cái ta có mà chưa nghiên cứu cái thị trường cần
Bên cạnh đó, việc phát triển chợ truyền thống từ xưa đến nay dẫn đến việc người dân chủ yếu tự cung tự cấp. Nông sản từ nơi sản xuất đến các thành phố chủ yếu tập trung tiêu thụ ở các thành phố lớn, các khu dân cư tập trung.
Về tính liên kết, trước đây Chính phủ có quyết định hỗ trợ liên kết 4 nhà, 5 nhà nhưng tôi cho rằng sự liên kết quan trọng nhất chính là doanh nghiệp bán lẻ và người nông dân. Cái này cần xuất phát từ cả 2 phía, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp lớn của ta chưa nhiều, công tác hỗ trợ cho nông nghiệp, vốn, thâm canh, bao tiêu để tạo uy tín thời gian dài là chưa có.
Chưa kể, nhiều người nông dân sẵn sàng vì cái lợi trước mắt mà từ bỏ các hợp đồng dài hạn. Do đó, sự liên kết này sau nhiều năm dù có chuyển biến nhưng chưa nhiều. Đó là gót chân Asin mà ta cần khắc phục.
Với tư duy đó, Sở Công Thương Hải Dương đang cố gắng từng bước để tạo gắn kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Các chính sách đất đai và nông nghiệp cần tạo nên các doanh nghiệp thực sự, tạo nên các vùng kinh doanh tập trung để việc tiêu thụ nội địa và cả xuất khẩu cũng thuận lợi hơn nhiều.
Chế biến được cho là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị nông sản, mở rộng cơ hội tiêu thụ, đặc biệt là nông sản có thời gian thu hoạch ngắn. Vậy hoạt động này đã được Hải Dương triển khai như thế nào thời gian qua và mang lại hiệu quả cụ thể gì?
Phải khẳng định là việc chế biến đối với nông sản là rất quan trọng, đặc biệt là nông sản mùa vụ. Với Hải Dương, chúng tôi cũng nhận định được tầm quan trọng này, song trước mắt, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến sơ chế và bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Hải Dương vận dụng tối đa những ưu đãi hỗ trợ của Chính phủ tại Nghị định 57/2008 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Ngành Công Thương cũng có chính sách hỗ trợ cho khuyến công, trong đó có hỗ trợ về ứng dụng máy móc thiết bị mới, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong bảo quản, sơ chế nông sản. Kể cả các dự án sấy, bảo quản lạnh đều có thể vận dụng và áp dụng tối đa đến các doanh nghiệp.
Trong năm 2022, kinh phí khuyến công đã được hỗ trợ cho 3 doanh nghiệp để sử dụng máy móc rửa, đóng hộp, đóng lọ nông sản sơ chế. Với sản phẩm có thể kéo dài thời gian thu hoạch như vải, có những cơ sở đã được hỗ trợ để tăng thời gian bảo quản, bước đầu đã thành công. Năm nay chúng tôi tiếp tục ứng dụng sơ chế bảo quản để đưa nông sản đi xa hơn.