Thị trường ô tô: Tỉnh lẻ tăng cao, thành phố lớn sụt giảm
Trong khi tốc độ tăng trưởng ô tô tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM có dấu hiệu chững lại thì nhu cầu mua xe ô tô tại nhiều địa phương lại có xu hướng tăng mạnh những năm gần đây.
Đại lý về tỉnh, dân tăng mua ô tô
Trung tuần tháng 11/2023, Công ty Ô tô TMT với sản phẩm xe điện giá rẻ mini EV đồng loạt mở 21 đại lý ở nhiều tỉnh thành khắp cả nước, trong đó chỉ có 5 đại lý ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng. Còn lại 16 đại lý đặt tại các tỉnh xa như: Sơn La, Cà Mau, Kiên Giang…
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, bất chấp thị trường khó khăn, các thương hiệu mới như VinFast, Haval, TMT vẫn tích cực mở đại lý ở tỉnh lẻ, trong khi các thương hiệu lớn lâu năm như Honda, Toyota, Ford có số lượng đại lý mới ít hơn, do đã gần như phủ kín.
Theo số liệu báo cáo về đăng ký phương tiện của các địa phương, tốc độ tăng trưởng ô tô đăng ký mới ở nhiều tỉnh tăng vọt những năm qua, nhanh hơn tốc độ tăng ô tô ở 5 đô thị lớn.
Điển hình như Bắc Giang, lượng đăng ký mới tăng từ 5.569 xe năm 2018 lên 6.691 chiếc vào năm 2019 và đến năm 2022 nhảy vọt lên 24.822 xe. Trong 5 năm, lượng xe mới lăn bánh tăng gần 5 lần.
Doanh số ô tô bùng nổ ở các tỉnh có lý do quan trọng là khả năng đáp ứng của hạ tầng. Ví dụ người dân có chỗ đỗ xe thoải mái, đường sá chưa ách tắc và việc đi ra tỉnh khác thuận tiện. Chứ như ở Hà Nội và TP.HCM, nhiều gia đình có tích lũy, có nhu cầu nhưng vẫn không muốn mua ô tô vì không có chỗ đỗ xe.
TS Nguyễn Minh Phong
Tại Thái Nguyên, năm 2019 số ô tô đăng ký mới là 6.266 xe, đến năm 2022 là 8.142 xe, mức tăng đều khoảng 11% mỗi năm.
Một ví dụ khác là tỉnh Nghệ An, năm 2022, lượng xe ô tô đăng ký mới trên địa bàn tỉnh này là 27.404 xe, tăng 12,8% so với năm 2021 (24.287 xe), xếp thứ tư cả nước. Sang năm 2023, dù kinh tế khó khăn, sức mua giảm mạnh nhưng người dân Nghệ An vẫn mua mới trên 20.000 ô tô.
Trong khi đó, tại Hà Nội năm 2023 số ô tô đăng ký mới là 56.049 chiếc (giảm 16.810 xe so với năm 2022), TP.HCM là 49.300 chiếc (giảm 31.300 so với năm 2022), lượng xe mới lăn bánh không tăng mà còn giảm sâu hai con số.
Theo các đại lý phân phối lớn, người dân ở các tỉnh như: Nghệ An, Bắc Giang, Thái Nguyên… chủ yếu mua xe con trong tầm giá 450 - 800 triệu đồng, chủng loại xe sedan 5 chỗ cỡ B hoặc MPV cỡ nhỏ, kết hợp kinh doanh cá nhân và phục vụ gia đình. Các mẫu xe được ưa chuộng phần lớn đã có thương hiệu lâu đời như Toyota, Hyundai, Mitsubishi…
Trao đổi với PV, đại diện một thương hiệu ô tô lớn tại Việt Nam nhận định, thị trường ô tô tại các tỉnh lẻ đang trỗi dậy mạnh mẽ xuất phát từ một số nguyên nhân như: Đời sống của người dân ngày một nâng lên, nhất là tại các địa phương có nhiều các khu công nghiệp, du lịch phát triển hay có nhiều người đi xuất khẩu lao động; hạ tầng giao thông tăng tốc, thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Còn một lý do nữa là ngày càng có nhiều các mẫu ô tô có giá bán phù hợp hơn so với trước. Các loại xe dưới 1 tỷ đồng hay dưới 500 triệu đồng có rất nhiều sự lựa chọn và phù hợp với nhu cầu của đa số người dân đang có mức thu nhập trung bình khoảng 3.000 USD/năm.
Thị trường giàu tiềm năng
Theo thống kê các địa phương, thu nhập bình quân đầu người ở nhiều tỉnh tăng hơn 10%/năm. Như Thái Nguyên năm 2022 đạt 107 triệu đồng (tăng 12,5% so với năm 2021), Bắc Giang đạt 78 triệu đồng (tăng 15,3% so với năm 2021).
Đặc biệt, tỉnh Nghệ An có thu nhập bình quân đầu người ở nhóm thấp trong 63 tỉnh thành (xếp thứ 42/63), đạt 43 triệu đồng/người/năm 2022, nhưng lại là địa phương có lượng ô tô đăng ký mới cao hơn Thái Nguyên, tỉnh có thu nhập bình quân cao hơn gấp đôi.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong lý giải, nhu cầu ô tô tăng thực sự ở nhiều địa phương, do kinh tế phát triển và cư dân bắt đầu có tích lũy. Thứ hai là khả năng của hạ tầng giao thông đáp ứng được. Đây là thị trường tiềm năng bắt đầu được nhiều hãng xe chú ý.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, ô tô là tài sản lớn với mỗi gia đình Việt, phản ánh đời sống người dân đang được cải thiện. Tuy nhiên, cũng cần phải tính đến các yếu tố kinh tế - xã hội của địa phương tác động đến sức mua ô tô của người dân.
Thứ nhất là các tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Nghệ An, Đồng Nai… phát sinh nhu cầu đi lại giữa các tỉnh với đô thị lớn. Đồng thời, những địa phương này kết nối cao tốc như Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên, Long Thành - Dầu Giây, rất thuận lợi cho xe cá nhân.
Thứ hai, nhiều người dù sinh sống ở đô thị lớn nhưng làm việc ở các khu công nghiệp tăng lên, việc đi làm vài chục cây số mỗi ngày từ Hà Nội tới Thái Nguyên, Bắc Giang là điều bình thường. Nhu cầu sở hữu một chiếc ô tô để chủ động đi lại ngày càng cao.
Theo một nghiên cứu của Viện Xã hội học, việc gia tăng nhanh chóng ô tô con ở các tỉnh cũng tạo quan niệm so sánh có tính chất phấn đấu của người dân trong cộng đồng làng xã: Phải có nhà, có xe ô tô mới là thành công.
Không ít gia đình đặt mục tiêu sau khi có một ngôi nhà kiên cố, phải có một chiếc xe đậu trong sân "cho bằng bạn bằng bè".
Mục tiêu phấn đấu phải có nhà và xe của người dân sẽ thúc đẩy thị trường ô tô tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn, dư địa tăng trưởng còn nhiều trong thập kỷ này.