Thị trường sách liên kết, những lối đi riêng

Để phát triển thị trường, cung cấp những sản phẩm tốt, chất lượng cho người đọc, không thể thiếu những cách làm sáng tạo, năng động từ hoạt động liên kết. Mà cụ thể hơn là phía các đơn vị làm sách tư nhân, với sự dấn thân, dám nghĩ, dám làm.

Trong khi nhiều nhà xuất bản không phát hành được sách ra thị trường, mà chủ yếu sống bằng những đơn đặt hàng, hoặc bán giấy phép cho xuất bản phẩm thì sự nổi lên của một số đơn vị làm sách tư nhân đã cho thấy mức độ nhanh nhạy của giới làm sách chuyên nghiệp. Đồng thời, thực tế này cũng minh chứng cho phương thức làm mang tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực thương mại đặc biệt: kinh doanh văn hóa đọc, nó vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của người đọc, vừa thúc đẩy bộ máy quản lý lĩnh vực này trở nên linh hoạt, năng động và sát với nhu cầu “đọc gì?” của xã hội.

Thị trường liên kết đã giúp nhiều sản phẩm sách đến tay bạn đọc

Thị trường liên kết đã giúp nhiều sản phẩm sách đến tay bạn đọc

Mỗi nhà mỗi hoa

Cả nước có 61 nhà xuất bản (NXB), chỉ có rất ít đơn vị có tiềm năng, làm ăn hiệu quả, làm đầy đủ các công đoạn từ tổ chức đề tài, biên tập bản thảo, đưa in, đưa sách ra thị trường như NXB Trẻ, Giáo dục, Chính trị Quốc gia – Sự thật, Kim Đồng, Phụ nữ... Còn phần lớn các nhà xuất bản đều gặp khó khăn. Hiện nay có 80- 90% số đầu sách mỗi năm là sản phẩm liên kết. Hoạt động liên kết - thực chất là dịch vụ cấp giấy phép, mang lại nguồn thu chính, các công việc còn lại như khai thác đề tài, khai thác tác giả, hợp đồng mua nhượng bản quyền, biên tập, hiệu đính, in ấn, phát hành, truyền thông PR… đều do phía liên kết lo liệu. Như vậy, có thể nói vai trò của các NXB bây giờ đã giảm rất nhiều. Nhiều đơn vị quốc doanh không thích ứng kịp cơ chế mới này nên ngày càng tụt hậu, đầu sách do NXB xuất bản (kế hoạch A) ngày càng ít, mà phần lớn là lượng đầu sách liên kết với tư nhân bên ngoài (kế hoạch B).

Theo số liệu thống kê của Tiki và Vinabook - hai đơn vị chuyên bán sách qua mạng lớn nhất hiện nay, tỉ trọng doanh số bán ra giữa các đơn vị tư nhân và các nhà xuất bản nhà nước, thay đổi theo các năm như sau: năm 2012 là khoảng 65% từ tư nhân và 35% từ nhà nước, năm 2013 là khoảng 75/25, năm 2014 là 80/20 và đến nay khoảng 90/10.

Nhìn lại năm 2018 và 9 tháng 2019, nhiều nhà xuất bản kinh doanh hiệu quả và có lãi, điển hình như NXB Trẻ (13,7 tỷ đồng), NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật (19,7 tỷ đồng), nhà xuất bản Kim Đồng (30,3 tỷ đồng). Năm 2018, đà phát triển vẫn ở mức ổn định, không có đột biến. Một loạt những doanh nghiệp đứng lên tham gia thị trường sách nổi lên trong những năm qua là Công ty sách Nhã Nam, Alpha Books, Tao Đàn, Phương Nam, Trí thức, Đông Tây, Anbooks, Thái Hà Books… Họ không chỉ in ấn, phát hành những cuốn sách đẹp, có chất lượng mà còn đồng hành cùng tác giả, tổ chức giới thiệu, tọa đàm, phân tích đánh giá cái được và chưa được để công chúng quan tâm thưởng lãm, nêu ra những định hướng mới trong cách làm sách.

Công ty sách Nhã Nam được thành lập từ năm 2005, trở thành đơn vị làm sách vững chãi và chuyên nghiệp. Sau 6 tháng kể từ khi thành lập công ty, Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra đời, tạo nên một cơn sốt trong xã hội với khoảng gần 500.000 bản được phát hành, phá vỡ mọi kỷ lục về xuất bản trước đó, kéo theo một loạt những hiệu ứng xã hội và dư luận có ý nghĩa. Từ đó trở đi, thông qua Nhã Nam, các cuốn sách văn học nước ngoài có giá trị liên tục được mua bản quyền và xuất bản tại Việt Nam.

Thái Hà Books tập trung về mảng sách khai phóng, sách công cụ, sách phát triển bản thân, nuôi dạy trẻ thông minh sớm, số 1 Việt Nam về thể loại sách Light Novel và là công ty chuyên xuất bản sách Phật giáo và tâm linh. Đây cũng là 1 trong 3 công ty mạnh nhất Việt Nam về dòng sách kinh tế. Dù cho hoạt động xuất bản đang gặp khó khăn, tình trạng sách bị in lậu diễn ra một cách thường xuyên, thế nhưng mua bản quyền chính là cách mà First New đi tiên phong và thu được thành công lớn.

Tìm ra các phân khúc thị trường ngách sở trường, tạo nên sự riêng biệt, độc đáo, đây được coi là bí quyết của các công ty sách tư nhân tìm lối đi riêng trên thị trường xuất bản. Công ty Sách Phương Nam (Phương Nam Book), tiền thân là Trung tâm Sách & Dịch vụ Bản quyền Phương Nam. Với chủ trương Sách hay cho mọi người, Phương Nam Book đã và đang liên tục đầu tư in và phát hành những đầu sách bán chạy nhằm đáp ứng nhu cầu căn bản là tìm hiểu và giải trí của đông đảo công chúng.

Anh Huỳnh Trọng Khang, nhà văn, nhân viên khai thác bản thảo Công ty sách Phương Nam, cho biết: “Do có nhiều công ty sách cạnh tranh hơn nên thị trường sách trở nên sôi động hơn trong cuộc đua cạnh tranh về mua tác quyền sách, đặc biệt là sách nước ngoài chẳng hạn. Đến bây giờ thì sách mới ra là chúng tôi đã cố gắng mua được bản quyền, dịch và phát hành rất nhanh nên nó làm cho nhịp xuất bản ở Việt Nam nhìn chung trở nên nhanh, gấp rút và sôi động hơn”.

Đồng hành cùng phát triển

Phải khẳng định, chính sự phát triển sôi động, với nỗ lực khai thác bản thảo, tìm kiếm thị trường và có sự cạnh tranh nên mẫu mã và chất lượng in ấn ngày càng đẹp. Thế nhưng, chúng ta cũng phải khẳng định, trong khâu thẩm định sách, việc biên tập chưa hiệu quả của một số biên tập viên, hoặc sự kiểm duyệt có phần “quá đà” của cơ quan chức năng, khiến không ít cuốn hay chưa được xuất bản, đồng thời bỏ lọt những cuốn sách dở, nhiều lỗi chính tả, lỗi sai về lịch sử, tên nhân vật. Điều đó đã khiến không ít độc giả bức xúc, hoang mang.

Luật Xuất bản cho phép các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và nguồn lực tham gia liên kết xuất bản. Ðiều quan trọng là phải quản lý, định hướng hoạt động như thế nào cho hiệu quả. Đã không ít chuyên gia phân tích, sách liên kết là con dao hai lưỡi. Nếu kiểm soát tốt có thể tạo ra thị trường lành mạnh, văn hóa, chất lượng. Ngược lại nếu làm không tốt, buông lỏng quản lý sẽ dẫn đến nhộn nhạo, bỏ lọt nhiều sản phẩm gây phản cảm, kém chất lượng. Nhất là trong thời buổi mà ai có tiền cũng có thể in được sách, thì cũng là thời điểm nhạy cảm đối với thị trường này.

Sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, văn hóa tri thức cần được phát triển. Việc các đơn vị tư nhân, liên kết nỗ lực tìm hướng đi sáng tạo, hiệu quả là những dấu hiệu tích cực cho mục tiêu xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy nhiên, ông Vũ Hoàng Giang, Phó giám đốc Công ty sách Nhã Nam kiến nghị: “Về mặt vĩ mô, kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa đến các đơn vị xuất bản, xây dựng một bộ Luật Xuất bản cởi mở hơn, tạo một hành lang pháp lý thông thoáng hơn; tiến hành thử nghiệm cổ phần hóa một số NXB đang gặp nhiều khó khăn…”.

Một hướng làm ăn khác, khoảng 5 năm qua, một số đơn vị đã nỗ lực tìm cách tiếp cận người đọc bằng công nghệ, cụ thể là xuất bản sách điện tử. Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực xuất bản, với hơn 55 triệu người dùng internet và điện thoại thông minh hiện nay và con số này ngày càng phát triển, việc đẩy mạnh xuất bản sách điện tử (ebook) được cho là xu hướng tất yếu của ngành xuất bản Việt Nam. Đặc biệt tạo cơ hội liên kết, kết nối với thị trường thế giới. Ngay như NXB Công an Nhân dân và Quân đội Nhân dân gần đây cũng đã xây dựng đề án phát triển sách điện tử. Điều này nhiều đơn vị làm sách tư nhân đã triển khai và bước đầu cho thấy rất khả quan.

Rõ ràng, để phát triển thị trường, cung cấp những sản phẩm tốt, chất lượng cho người đọc, không thể thiếu những cách làm sáng tạo, năng động từ hoạt động liên kết. Mà cụ thể hơn là phía các đơn vị làm sách tư nhân, với sự dấn thân, dám nghĩ, dám làm.

Thanh Xuân

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thi-truong-sach-lien-ket-nhung-loi-di-rieng-92651.html