Thị trường Singapore: Cánh cửa đưa hàng Việt vươn mạnh ra thế giới

Xuất khẩu hàng hóa vào Singapore ngoài phục vụ người tiêu dùng bản địa, doanh nghiệp (DN) hàng Việt còn có cơ hội đưa hàng hóa vươn mạnh ra thế giới bởi đảo quốc này là trung tâm thương mại, logictics của toàn cầu.

Người tiêu dùng Singapore ngày càng chuộng hàng Việt

Đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của Singapore xếp thứ ba thế giới với 92.020 USD/người/năm. Singapore là một thương cảng tự do và có độ mở rất lớn, gần như không có hạn chế nào với nhập khẩu. Hơn 99% hàng nhập khẩu vào Singapore được miễn thuế, trừ ô tô, xăng dầu, rượu, thuốc lá…

 Xuất khẩu vải thiều sang thị trường Singapore

Xuất khẩu vải thiều sang thị trường Singapore

Theo thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), năm 2019, Việt Nam xếp thứ 22 trong số các quốc gia xuất khẩu nhiều hàng hóa vào Singapore. Nước này cũng là thị trường nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam lớn thứ 21 trên thế giới và thứ 4 ở Đông Nam Á.

Theo ông Phillip Phùng - Giám đốc khu vực Đông Dương thuộc Phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore, trong những năm gần đây, hàng Việt xuất hiện tại các hệ thống bán lẻ lẫn kênh online của thị trường Singapore ngày càng nhiều. Trong đó phần lớn là thực phẩm đóng hộp, đồ uống đóng hộp, trái cây như thanh long, bưởi... Hàng Việt vẫn có những lợi thế cạnh tranh nhất định mà bằng chứng là lượng ngày càng nhiều lên. Các DN hàng Việt cần cải thiện hơn nữa về mẫu mã, chất lượng đặc biệt các mặt hàng như trà, cà phê, mì, bún khô, phở khô…

Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Singapore đạt 2,17 tỷ USD. Một số mặt hàng có trị giá xuất khẩu tăng mạnh trong 9 tháng/2020 là thực phẩm, nông sản, sản phẩm từ cao su, sản phẩm hóa chất... Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu tìm kiếm, mở rộng thị trường cung ứng nguyên liệu thay thế thị trường Trung Quốc của Singapore là rất lớn. Việt Nam chính là một trong những thị trường trọng tâm giúp Singapore bù đắp sự thiếu hụt hàng hóa, nhất là các sản phẩm về nông sản, thủy sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng.

Thêm cơ hội đưa hàng Việt lan tỏa ra thị trường thế giới

Singapore là một thị trường tiêu dùng tương đối nhỏ nhưng lại tập trung nhiều công ty đa quốc gia và là một trung tâm thông tin, thương mại, tài chính, trung tâm logistics lớn của khu vực và toàn cầu. Hiện nay, có đến 21 trong số 25 nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới có trụ sở tại Singapore, đồng thời Singapore là một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn, là cửa ngõ rất quan trọng của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Hệ thống cảng biển Singapore hiện được kết nối với 600 cảng tại 123 quốc gia, thông qua 200 tuyến vận chuyển. Có khoảng 5% lượng hàng được tiêu thụ ngay tại Singapore, 95% hàng hóa còn lại sẽ tiếp tục được vận chuyển tới nhiều địa điểm trên toàn thế giới thông qua chuỗi cung ứng.

Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết: Xuất khẩu hàng vào Singapore ngoài phục vụ người tiêu dùng bản địa, các DN Việt Nam còn có cơ hội lớn hơn là tiếp cận được những đối tác, người mua, khách hàng quốc tế đang hiện diện tại nước này. Khi tiếp cận được nhóm khách hàng quốc tế không chỉ giúp các DN Việt tăng giá trị xuất khẩu mà còn tăng được độ phủ hàng hóa, giá trị thương hiệu. Khai thác tốt việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Singapore là cơ hội để DN Việt khẳng định vị thế của mình, chinh phục thị trường quốc tế.

Hiện nay tại Singapore có các kênh phân phối truyền thống như FairPrice, 7Eleven, ShengSiong, Giant, Watson, BigBox, Prime Supermarket, Guardian, Market Place… Song thị trường mua sắm online chiếm 70 - 80%. Nghĩa là chỉ có 20% người dân ra cửa hàng, siêu thị để mua những mặt hàng nào không thể mua online được. Vì thế thương mại điện tử tại Singapore đặc biệt phát triển, thu hút các DN lớn như Amazon, e-bay cùng đó cũng có các DN khác như Taobao, Qoo10, Lazada, HipVan, Alibaba cũng có doanh số lớn với nhà cung cấp lẫn khách hàng khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, các DN xuất khẩu phải đầu tư nhiều hơn cho kênh bán hàng online, kênh phân phối online store (cửa hàng online) và quảng bá nhiều hơn trên mạng xã hội để có thể tiếp cận thị trường Singapore dễ dàng.

Sau một thời gian bị tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, thời điểm này, thị trường Singapore đang phải nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn bởi dịch bệnh. Người tiêu dùng Singapore có xu hướng giảm chi tiêu vào các thực phẩm đắt tiền, tìm mua những sản phẩm tiện ích, dễ sử dụng, sản phẩm phục vụ nhiều đối tượng khách hàng như đồ ăn chay, thực phẩm chế biến sẵn và sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, chú ý đến bao bì, mẫu mã, các chỉ dẫn bằng tiếng Anh, thời hạn sản phẩm và các chứng chỉ HACCP, Halal... Đó là những nhu cầu, thị hiếu của người dân tại thị trường này mà mỗi DN Việt Nam cần phải nắm rõ để tăng xuất khẩu vào Singapore.

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-singapore-canh-cua-dua-hang-viet-vuon-manh-ra-the-gioi-146499.html