Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán ngày đầu tháng mới gặp khó khăn lớn
VN-Index giảm gần 25 điểm; Áp lực tỷ giá sẽ giảm dần; Những ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng cao nhất trong nửa đầu năm; Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất và mở ra khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 1/8 tăng 800.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 77,80 – 79,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 36,7 USD lên 2.447,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng yếu đà và lùi về 2.430 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,36 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 1/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.245 đồng/USD, giảm 10 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.060 – 25.400 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đi ngang và nhích không đáng kể từ 66.200 lên 66.300 USD, thì sang ngày hôm nay đã có nhịp giảm mạnh về 63.700 USD, trước khi hồi phục lên 64.400 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,60 USD (+0,77%), lên 78,51 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,64 USD (+0,79%), lên 81,48 USD/thùng.
VN-Index lao dốc mạnh
Áp lực bán từ cuối phiên sáng đã mạnh dần lên trong phiên chiều lan rộng đến nhiều nhóm ngành và đẩy không ít cổ phiếu lùi về giá sàn khiến VN-Index đổ đèo và lùi dần về gần 1.220 điểm trước khi bật hồi trở lại vùng 1.230 điểm và thêm một nhịp bị đẩy nhẹ xuống trong những phút cuối.
Như vậy, tính chung cả tháng 7 này, chỉ số VN-Index chỉ nhích nhẹ 6,19 điểm, tương đương +0,49%.
Kết thúc phiên giao dịch 1/8: VN-Index giảm 24,55 điểm (-1,96%), xuống 1.226,96 điểm; HNX-Index giảm 6,13 điểm (-2,61%), xuống 229,23 điểm; UpCoM-Index giảm 1,55 điểm (-1,63%), xuống 93,52 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Hai chỉ số Nasdaq và S&P 500 đã tăng vọt vào thứ Tư (31/7), khi Fed tuyên bố rõ ràng hơn về thời điểm cắt giảm lãi suất, trong khi một dự báo tích cực từ AMD đã thúc đẩy cổ phiếu chip hồi phục.
Cổ phiếu chip AMD tăng hơn 4,3% sau khi nâng dự báo doanh số bán chip AI năm 2024, trong khi Nvidia tăng vọt 12,8% đã kéo chỉ số bán dẫn Philadelphia SE Semiconductor tăng 7%.
Trong một động thái quan trọng khác, kết thúc cuộc họp hoạch định chính sách kéo dài hai ngày, Fed đã để để ngỏ khả năng nới lỏng, cắt giảm lãi suất lần vào tháng 9.
Kết thúc phiên 31/7: Chỉ số Dow Jones tăng 99,46 điểm (+0,24%), lên 40.842,79 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 85,86 điểm (+1,58%), lên 5.522,30 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 451,98 điểm (+2,64%), lên 17.599,40 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, khi đồng yên tăng giá và các cổ phiếu lớn giảm, sau cuộc họp chính sách tiền tệ lịch sử của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào ngày hôm trước.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,49% xuống 38.126,33 điểm. Chỉ số Topix giảm 3,24% xuống 2.703,69 điểm.
BOJ đã tăng lãi suất lên mức chưa từng thấy trong 15 năm và công bố chi tiết về việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu khổng lồ của họ.
Quyết định của BOJ đã hỗ trợ cho đồng yên, với đồng đô la có thời điểm giảm gần 1% so với đồng tiền Nhật Bản.
Các động thái tiền tệ đã đè nặng lên các chỉ số của thị trường, với cổ phiếu của các công ty liên quan đến xuất khẩu, có xu hướng bị ảnh hưởng bởi đồng yên mạnh hơn là nhóm chịu tác động tiêu cực nhất. Điển hình là nhà sản xuất ô tô Toyota Motor giảm tới 8,5%
Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi kết quả độc lập cho thấy hoạt động sản xuất của nước này trong tháng 7 đã giảm lần đầu tiên trong chín tháng.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,22% xuống 2.932,39 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,66% xuống 3.419,27 điểm.
Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc từ Caixin/S&P Global đối đã giảm xuống 49,8 điểm trong tháng 7 từ mức 51,8 của tháng trước đó, thấp hơn dự báo của các nhà phân tích là 51,5 điểm.
Điều này củng cố lo ngại về suy thoái kinh tế của Trung Quốc, với chỉ số sản xuất PMI chính thức được công bố vào thứ Tư giảm xuống 49,4 điểm từ 49,5 điểm trong tháng Sáu.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, sau khi hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ thu hẹp và doanh số bán nhà yếu trong tháng 7 đã làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,23% xuống 17.304,96 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,34% xuống 6.086,40 điểm.
Doanh số bán bất động sản cũng vẫn trên quỹ đạo suy yếu trong tháng 7. Theo đó, doanh số bán hàng của 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu đã ghi nhận mức giảm 20,5% vào tháng trước, sau khi giảm 21,8% trong tháng 6.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, được thúc đẩy bởi các tín hiệu cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng 9 tới.
Đóng cửa, chỉ số Kospi tăng 6,99 điểm, tương đương 0,25% lên 2.777,68 điểm.
Kết thúc phiên 1/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 975,49 điểm (-2,49%), xuống 38.126,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,36 điểm (-0,22%), xuống 2.932,39 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 39,64 điểm (-0,23%), xuống 17.304,96 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 6,99 điểm (+0,25%), lên 2.777,68 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Áp lực tỷ giá sẽ giảm dần
Áp lực tỷ giá hiện vẫn lớn, nhưng được giới phân tích tài chính dự báo sẽ giảm dần về cuối năm..>> Chi tiết
- Những ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng cao nhất trong nửa đầu năm
Kết thúc nửa đầu năm nay, lợi nhuận có sự phân hóa giữa các nhà băng. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ thống kê top những ngân hàng có mức lợi nhuận và tăng trưởng lợi nhuận cao trong nửa đầu năm 2024..>> Chi tiết
- Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất và mở ra khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9
Hôm thứ Tư (31/7), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất và cho biết lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2%..>> Chi tiết