Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán nối dài chuỗi tăng
VN-Index nhích lên trên 1.055 điểm; Vì sao Ngân hàng Nhà nước chỉ nới room ngoại lên 49% cho số ít ngân hàng?; Khơi thông kênh dẫn vốn cổ phiếu; Quá trình chuyển đổi năng lượng đang đi chệch hướng... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 29/3 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng trở lại đúng 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,45 – 67,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 17,5 USD lên 1.973,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục rơi và về 1.960 USD, nhưng đã hồi phục dần và lên trên 1.965 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,44 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 29/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 3.603 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.310 – 23.650 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 26.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã tăng vọt và lên trên 28.300 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,76 USD (+1,04%), lên 73,96 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,63 USD (+0,80%), lên 79,28 USD/thùng.
VN-Index đảo chiều tăng nhẹ
VN-Index đã dừng phiên sáng với sắc đỏ chiếm áp đảo và tạm chia tay ngưỡng 1.050 điểm do đà bán gia tăng và lan rộng hơn.
Bước sang phiên chiều, thị trường nhanh chóng bật hồi vượt vùng giá trên nhờ sự hồi phục của một số bluechip. Tuy nhiên, áp lực bán thường trực nhanh chóng đẩy VN-Index giật lùi và lình xình quanh mốc 1.050 điểm và bật lên trên ngưỡng này trong phiên ATC.
Chỉ số VN-Index ghi nhận phiên tăng điểm nhẹ thứ 7 liên tiếp trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”, đặc biệt là thanh khoản sụt giảm mạnh mẽ sau tín hiệu dòng tiền nhập cuộc tích cực của phiên hôm qua.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9,25 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 209,1 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 29/3: VN-Index tăng 2,04 điểm (+0,19%), lên 1.056,33 điểm; HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,08%), xuống 205,59 điểm; UPCoM-Index tăng 1,15 điểm (+1,52%), lên 76,73 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall giảm trong phiên thứ Ba (28/3) khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng lên vì nhà đầu tư lo ngại rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm lại tăng vượt mốc 4%, gây áp lực cho cổ phiếu và đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ. Lãi suất cao hơn làm lợi nhuận trong tương lai, như lợi nhuận mà các công ty tăng trưởng hứa hẹn, trở nên kém hấp dẫn hơn.
Kết thúc phiên 28/3, chỉ số Dow Jones giảm 37,83 điểm (-0,12%), xuống 32.394,25 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,26 điểm (-0,16%), xuống 3.971,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 52,76 điểm (-0,45%), xuống 11.716,08 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi các nhà đầu tư mua các cổ phiếu chuẩn bị chia cổ tức trong tuần này và Tập đoàn SoftBank đã nhảy vào kế hoạch chia tách của Tập đoàn Alibaba.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,33% lên 27.883,78 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,46% lên 1.995,48 điểm.
Shigetoshi Kamada, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu của Tachibana Securities, cho biết: “Chứng khoán Nhật Bản tăng do nhu cầu đối với cổ phiếu trả cổ tức cao hơn, trong khi đà tăng của SoftBank Group cũng đã tiếp thêm sức mạnh”.
Cổ phiếu SoftBank đã tăng 6,18% và nâng đỡ Nikkei 225 nhiều nhất với 62 điểm tích cực, sau khi Tập đoàn Alibaba công bố kế hoạch chia thành sáu đơn vị. SoftBank có cổ phần trong Alibaba.
Đáng chú ý khác là cổ phiếu Fujitec đã tăng 7,32%, sau khi hội đồng quản trị mới bỏ phiếu phế truất Chủ tịch Takakazu Uchiyama, một chiến thắng khác dành cho cổ đông Oasis Management, một quỹ phòng hộ có trụ sở tại Hồng Kông có 17% cổ phần của nhà sản xuất thang máy này.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, nhưng cổ phiếu công nghệ thông tin tăng 1,6%, trong khi cổ phiếu bán dẫn tăng 3,2% dẫn đầu mức tăng, trong bối cảnh Trung Quốc kêu gọi tự chủ về công nghệ và cơn sốt được thúc đẩy bởi công nghệ điện toán mang tính cách mạng ChatGPT.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,16% xuống 3.240,06 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,17% lên 4.006,14 điểm.
“Những gì Trung Quốc hiện đang làm là phát triển một số khả năng tự cung tự cấp để hỗ trợ ngành công nghiệp AI của riêng mình. Tôi nghĩ đây là trọng tâm đầu tư chính mà chính phủ đang thúc đẩy,” Jing Ning, người đứng đầu bộ phận chứng khoán tại Công ty TNHH Quản lý Quỹ FIL cho biết.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi chặt chẽ chỉ số quản lý mua hàng sản xuất của Trung Quốc (PMI) công bố vào thứ Sáu, để có thêm bằng chứng cho thấy sự phục hồi kinh tế đang đi đúng hướng.
Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt, được thúc đẩy bởi sự tăng vọt của Alibaba sau kế hoạch cải tổ và niêm yết của gã khổng lồ internet.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,06% lên 20.192,40 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,22% lên 6.878,93 điểm.
Alibaba cho biết hôm thứ Ba rằng họ đang có kế hoạch chia thành sáu đơn vị, trong cuộc tái cấu trúc tập đoàn công nghệ lớn nhất trong lịch sử 24 năm.
Cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Hồng Kông tăng 12,2%, sau khi tăng tới 16,3% vào đầu phiên giao dịch sáng sớm.
Các công ty internet lớn khác như Tencent, Meituan và JD.Com đã tăng từ 1,8% đến 4%, được cổ vũ bởi kế hoạch của Alibaba.
Steven Leung, giám đốc điều hành bán hàng tổ chức tại UOB Kay Hian (Hong Kong) Ltd cho biết: “Các nhà đầu tư nhìn chung tích cực với tin tức này vì rủi ro pháp lý đã giảm đáng kể”.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, dẫn đầu là các nhà sản xuất ô tô và pin, mặc dù khoản lỗ của các nhà sản xuất chip đã hạn chế đà đi lên của thị trường.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 8,98 điểm, tương đương 0,37% lên 2.443,92 điểm.
Cổ phiếu Hyundai Motor Co tăng 1,86% và nhà sản xuất ô tô chị em Kia Corp tăng 3,38%, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong số các cổ phiếu lớn.
Đi ngược xu hướng, cổ phiếu của các nhà sản xuất chip Samsung Electronics Co Ltd và SK Hynix giảm 0,32% và 1,7%, sau khi đối thủ tại Mỹ là Micron Technology dự báo doanh thu quý ba của họ giảm gần 60% so với một năm trước đó.
Cổ phiếu du lịch và bán lẻ phục hồi nhờ kế hoạch trọn gói của chính phủ nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và thu hút khách du lịch nước ngoài.
Hãng hàng không giá rẻ T'way Air Co Ltd tăng 7,50%, trong khi Jin Air Co Ltd và JejuAir Co Ltd mỗi công ty tăng 6,06%. Cổ phiếu Hotel Shilla Co Ltd tăng 2,54% và Amorepacific Corp tăng 2,72%.
Kết thúc phiên 29/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 365,53 điểm (+1,33%), lên 27.883,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,32 điểm (-0,16%), xuống 3.240,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 407,75 điểm (+2,06%), lên 20.192,40 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 8,98 điểm (+0,37%), lên 2.443,92 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Vì sao Ngân hàng Nhà nước chỉ nới room ngoại lên 49% cho số ít ngân hàng?
Ngân hàng Nhà nước chỉ nới room ngoại cho các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém thay vì nới room chung cho tất cả các ngân hàng thương mại trong toàn hệ thống..>> Chi tiết
- Ngân hàng phát hành trái phiếu riêng lẻ: Kiểm toán "bó tay" xác định "đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương"
Big 4 công ty kiểm toán cho biết, không thể kiểm toán được tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của ngân hàng thương mại theo quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP..>> Chi tiết
- Khơi thông kênh dẫn vốn cổ phiếu
Tăng vốn cổ phần được không ít doanh nghiệp lựa chọn, cũng là nguồn hàng mới cho thị trường, song nhiều nút thắt cần được tháo gỡ..>> Chi tiết
- “Quá trình chuyển đổi năng lượng đang đi chệch hướng”
Theo người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đang đi chệch hướng, cần phải có một sự điều chỉnh cơ bản để xoay trục thành công khỏi nhiên liệu hóa thạch..>> Chi tiết