Thị trường tài chính 24h: Giá Bitcoin lao dốc mạnh

VN-Index giữ vững mốc 1.300 điểm; Tín dụng kỳ vọng tăng mạnh; Quỹ lâu đời nhất Việt Nam liên tục bị rút vốn; Rủi ro thuế quan với nhóm xuất khẩu; Áp lực nguồn cung và rủi ro địa chính trị làm lu mờ triển vọng thị trường dầu mỏ…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 25/2 tăng 600.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã đảo chiều giảm 600.000 đồng/lượng chiều mua vào và 300.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 89,70 – 92,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 18 USD lên mức 2.953,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về dưới 2.930 USD, trước khi bật lên gần 2.940 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,63 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.646 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.330 – 25.690 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 95.400 USD xuống 94.400 USD/BTC, thì sang ngày hôm nay đã lao dốc mạnh và lùi về 88.990 USD/ounce vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,10 USD (+0,14%), lên 70,80 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,03 USD (+0,04%), lên 74,88 USD/thùng.

VN-Index giữ vững mốc 1.300 điểm

Sau phiên giao dịch sáng giảm điểm nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều gặp sức ép gia tăng khiến VN-Index có thời điểm thủng mốc 1.300 điểm, trước khi bật trở lại mốc điểm trên ở những phút cuối khi lực cung được tiết giảm.

Kết thúc phiên giao dịch 25/2: VN-Index giảm 1,40 điểm (-0,11%), xuống 1.303,16 điểm; HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,07%), xuống 238,31 điểm; UpCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,24%), xuống 99,97 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên thứ Hai (24/2), với cổ phiếu công nghệ tạo ra lực cản lớn nhất khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi kết quả kinh doanh từ Nvidia.

Nvidia dự kiến sẽ công bố kết quả kinh doanh quý cuối cùng của năm 2024 vào thứ Tư và đây sẽ là tâm điểm chú ý trong tuần này của thị trường.

Cùng với những lo lắng về chính sách thuế quan và lạm phát, các nhà đầu tư cũng đang lo lắng hơn về tăng trưởng kinh tế sau loạt dữ liệu kinh tế yếu kém vào tuần trước và dự báo nhu cầu trong tiêu dùng sẽ suy giảm từ gã khổng lồ bán lẻ Walmart.

Kết thúc phiên 24/2: Chỉ số Dow Jones tăng 33,19 điểm (+0,08%), lên 43.461,21 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 29,88 điểm (-0,50%), xuống 5.983,25 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 237,08 điểm (-1,21%), xuống 19.286,93 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất chỉ trong gần 3 tháng, khi đồng yên mạnh lên đã đè nặng tâm lý thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,39% xuống 38.237,79 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,43% xuống 2.724,70 điểm.

Cổ phiếu công nghệ là gánh nặng lớn nhất đối với chỉ số Nikkei 225, với hai gã khổng lồ chip Advantest giảm 6,5% và Tokyo Electron giảm 4,9%.

Trong khi đó, các nhà xuất khẩu Nhật Bản cũng chịu áp lực sau khi đồng yên chạm mức cao nhất so với đồng USD kể từ đầu tháng 12/2024 trong ngày hôm qua, mặc dù đồng tiền này đã có phần hạ nhiệt nhẹ trong phiên hôm nay.

Các cổ phiếu khác đáng chú ý là Itochu, Marubeni, Mitsubishi Corp, Mitsui và Sumitomo Corp tăng vọt, sau khi Warren Buffett vào cuối tuần trước cho biết rằng tập đoàn Berkshire Hathaway của ông có thể sẽ tăng mua cổ phiếu các công ty thương mại Nhật Bản trong năm nay.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, với cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà đi xuống, trong bối cảnh có báo cáo rằng chính quyền Trump đang có kế hoạch thắt chặt các hạn chế chất bán dẫn đối với Trung Quốc.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,80% xuống 3.346,04 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,11% xuống 3.925,65 điểm.

Chỉ số Nasdaq Golden Dragon Trung Quốc, theo dõi các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã giảm hơn 5%, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một biên bản ghi nhớ nhằm hạn chế đầu tư từ Trung Quốc vào các ngành công nghiệp quan trọng.

Bản ghi nhớ cho biết chính quyền Mỹ sẽ "sử dụng tất cả các công cụ pháp lý cần thiết", để ngăn chặn các khoản đầu tư liên kết với Trung Quốc vào "công nghệ, cơ sở hạ tầng quan trọng, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, năng lượng, nguyên liệu thô hoặc các lĩnh vực chiến lược khác".

Trong khi đó, ông Trump cũng đã ra lệnh kiểm toán các công ty nước ngoài niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ, bao gồm cả việc xem xét cơ cấu cổ đông sở hữu.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi căng thẳng địa chính trị bùng phát sau quyết định của Mỹ về việc hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ và cơ sở hạ tầng vào Mỹ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,32% xuống 23.034,02 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,39% xuống 8.499,19 điểm.

Trong đó, cổ phiếu Alibaba Group Holding giảm 3,8%, sau khi giảm 10% qua đêm trên Phố Wall. Công ty cho biết họ sẽ đầu tư ít nhất 380 tỷ nhân dân tệ (52,4 tỷ USD) vào cơ sở hạ tầng điện toán đám mây và AI trong ba năm tới. Đó sẽ là dự án công nghệ lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc được đầu tư bởi một doanh nghiệp tư nhân duy nhất.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi ngân hàng trung ương của nước này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 14,98 điểm, tương đương 0,57% xuống 2.630,29 điểm.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã hạ lãi suất 0,25% đúng như dự báo, và là đợt cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong chu kỳ nới lỏng hiện tại, khi những lo ngại về tăng trưởng trở thành tâm điểm.

BOK đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay xuống 1,5%, từ mức 1,9% trước đó.

Kết thúc phiên 25/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 539,15 điểm (-1,39%), xuống 38.237,79 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 26,99 điểm (-0,80%), xuống 3.346,04 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 307,59 điểm (-1,32%), xuống 23.034,02 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 14,98 điểm (-0,57%), xuống 2.63029 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng kỳ vọng tăng mạnh

Với tín hiệu khả quan ngay từ đầu năm, tín dụng quý I cũng như cả năm 2025 được kỳ vọng tăng mạnh, hàng triệu tỷ đồng được “bơm” ra sẽ hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng cao..>> Chi tiết

- Quỹ lâu đời nhất Việt Nam liên tục bị rút vốn

Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ đầu tư dưới sự quản lý của Dragon Capital chứng kiến dòng tiền rút ra liên tục trong 1 năm qua, với giá trị rút ròng đạt 4.320 tỷ đồng..>> Chi tiết

- Rủi ro thuế quan với nhóm xuất khẩu

Việc Mỹ áp dụng nhiều loại thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu có thể gây ra những thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu, dù Việt Nam không phải là mục tiêu đánh thuế..>> Chi tiết

- Áp lực nguồn cung và rủi ro địa chính trị làm lu mờ triển vọng thị trường dầu mỏ

Triển vọng nguồn cung tăng từ Iraq và sự không chắc chắn về kế hoạch áp thuế của Tổng thống Donald Trump cùng với nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ba năm giữa Nga và Ukraine đang làm lu mờ triển vọng thị trường dầu mỏ..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-gia-bitcoin-lao-doc-manh-post364174.html