Thị trường tài chính 24h: Giá vàng trong nước biến động mạnh
VN-Index giảm nhẹ; Chưa lo thắt chặt chính sách tiền tệ; Bài kiểm tra cho kỳ vọng sóng tăng; Cơ hội trong biên độ 1.200 - 1.250 điểm; Dòng tiền dần trở lại…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 13/5 giảm 3,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 2,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã bất ngờ tăng trở lại 2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 87,50– 90,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 14,3 USD lên 2.360,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều và giảm về gần 2.340 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,26 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.266 đồng/USD, giảm 5 đồng so với phiên cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.179 – 25.479 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua gần như đi ngang quanh 61.000 USD thì sang phiên hôm nay đã bất ngờ tăng vọt và lên trên 63.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,23 USD (+0,29%), lên 78,49 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,18 USD (+0,22%), lên 82,95 USD/thùng.
VN-Index tiếp tục giảm
Thị trường sớm chịu áp lực rung lắc sau những phút đầu tăng điểm khi dòng tiền ngày một chậm lại. Có thời điểm VN-Index giảm mạnh về sát ngưỡng 1.230 điểm trước khi bật trở lại vùng 1.240 điểm ở những phút cuối.
Mặc dù khó tránh khỏi pha điều chỉnh, nhưng lực cầu được kích hoạt tại vùng giá trên đã giúp VN-Index bật hồi với thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước.
Điều này cho thấy thị trường vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh và tích lũy, với vùng hỗ trợ gần nhất tại 1.230 điểm. Tuy nhiên, vùng giá này khá “mong manh” và nếu không có sự cải thiện rõ ràng về thanh khoản, thì thị trường rất dễ quay lại xu hướng điều chỉnh.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 33,43 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 1.026,61 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 13/5: VN-Index giảm 4,52 điểm (-0,36%), xuống 1.240,18 điểm; HNX-Index tăng 0,68 điểm (+0,29%), lên 236,36 điểm; UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,27%), xuống 91,48 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Sáu (10/5), khi tâm lý giới đầu tư ít bị ảnh hưởng nhiều bởi số liệu về tâm lý tiêu dùng ảm đạm.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan giảm mạnh 13% xuống 67,4 điểm trong tháng Tư vừa qua, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Nhiều người tiêu dùng bày tỏ lo ngại về tình trạng lạm phát, thất nghiệp và lãi suất.
Trong tuần, Dow Jones tăng 2,16%, S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,85% và 1,14%.
Kết thúc phiên 10/5: Chỉ số Dow Jones tăng 125,08 điểm (+0,32%), lên 39.512,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,60 điểm (+0,16%), lên 5.222,68 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 5,40 điểm (-0,03%), xuống 16.340,87 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ, khi giới đầu tư phản ứng trái chiều đối với triển vọng lợi nhuận của các công ty trong nước và các hình thức thưởng cho cổ đông, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giảm mua trái phiếu cũng đè nặng lên tâm lý thị trường.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,13% xuống 38.179,46 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,15% xuống 2.724,08 điểm.
Cổ phiếu Mitsui Fudosan giảm 5,39%, do dự báo lợi nhuận ròng trong năm thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Cổ phiếu liên quan là Mitsubishi Estate giảm 4,11%.
"Nhìn chung, thị trường có kỳ vọng cao về lợi nhuận doanh nghiệp, vì vậy khi một công ty làm các nhà đầu tư thất vọng, phản ứng bán mạnh cổ phiếu của họ là điều không đáng ngạc nhiên", Takehiko Masuzawa, người đứng đầu bộ phận giao dịch của Phillip Securities Japan cho biết.
Trước đó trong phiên, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã cắt giảm lượng trái phiếu chính phủ Nhật Bản mà họ chào mua trong một hoạt động nghiệp vụ thông thường, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản cao hơn.
"Động thái này được coi là tiêu cực đối với thị trường chứng khoán, vì đây là một bước tiến gần hơn đến việc bình thường hóa chính sách của BOJ, điều này làm tăng dự báo về một đợt tăng lãi suất", Masuzawa tại Phillip Securities cho biết.
Trong số các cổ phiếu tăng, Honda Motor tăng 1,12% sau khi nhà sản xuất ô tô cho biết họ sẽ mua lại tới 3,7% cổ phần trị giá 300 tỷ yên (1,93 tỷ USD). Cổ phiếu KDDI tăng 3,7% sau khi công ty điện thoại di động công bố động thái tương tự.
Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ, khi nước này phát hành 138 tỷ USD trái phiếu dài hạn nhằm bù đắp cho việc tín dụng giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng Tư.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,21% xuống 3.148,02 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,04% xuống 3.664,69 điểm.
Cho vay mới ở hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng Tư so với tháng trước, trong khi tăng trưởng tín dụng xuống mức thấp kỷ lục/
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai rằng họ sẽ bắt đầu sẽ phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ (138,23 tỷ USD) trái phiếu dài hạn với hy vọng sẽ giúp kích thích các lĩnh vực chính của nền kinh tế.
Tâm lý thị trường cũng thận trọng hơn, khi lĩnh vực năng lượng mới của Trung Quốc giảm 1,8%, ảnh hưởng bởi thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị công bố mức thuế mới nhắm vào các lĩnh vực chiến lược của Trung Quốc, bao gồm đối với ngành xe điện (EV), các nguồn tin cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi giới đầu tư lạc quan hơn nhờ tin tức rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu phát hành gần 140 tỷ USD trái phiếu chính phủ để giúp thúc đẩy nền kinh tế số hai thế giới.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,80% lên 19.115,06 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,64% lên 6.761,64 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, sau khi một cuộc khảo sát của Mỹ vào tuần trước cho thấy lạm phát tiêu dùng đã tăng lên, làm dấy lên lo ngại rằng việc cắt giảm lãi suất ở nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể bị trì hoãn.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,42 điểm, tương đương 0,01%, xuống 2.727,21 điểm.
Cuộc tranh luận về việc liệu lãi suất ở Mỹ đã đủ cao hay không đã trở nên sâu sắc hơn giữa các quan chức Fed và có thể trở nên gay gắt hơn sau khi một cuộc khảo sát lớn cho thấy dự báo lạm phát tiêu dùng tăng vọt.
Kết thúc phiên 13/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 49,65 điểm (-0,13%), xuống 38.179,46 điểm Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,53 điểm (-0,21%), xuống 3.148,02 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 151,38 điểm (+0,80%), lên 19.115,06 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 0,42 điểm (-0,01%), xuống 2.727,21 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Chưa lo thắt chặt chính sách tiền tệ
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, các ngân hàng thương mại rục rịch tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của giới chuyên gia, chính sách tiền tệ sẽ vẫn duy trì định hướng nới lỏng là chủ đạo trong năm 2024..>> Chi tiết
- Bài kiểm tra cho kỳ vọng sóng tăng
Yếu tố liên thị trường tích cực hỗ trợ VN-Index tăng điểm, nhưng sắc đỏ xuất hiện trong 2 phiên cuối tuần qua trong bối cảnh thời điểm đáo hạn phái sinh đến gần báo hiệu chỉ số có thể rung lắc trước khi sóng tăng mới xuất hiện..>> Chi tiết
- Cơ hội trong biên độ 1.200 - 1.250 điểm
Thị trường vừa có một tuần giao dịch hứng khởi về mặt điểm số (VN-Index tăng hơn 1,9%), nhưng lại không sôi động về mặt thanh khoản, khối lượng giao dịch khớp lệnh thấp hơn 15% so với mức trung bình trong 1 năm gần đây..>> Chi tiết
- Dòng tiền dần trở lại
Nhiều nhà đầu tư có tâm lý tích cực đã giúp VN-Index phục hồi, dần kéo dòng tiền đứng ngoài trở lại với thị trường chung..>> Chi tiết