Thị trường tài chính 24h: Giá vàng trong nước lại tăng vọt
VN-Index chạm gần 1.180 điểm; Chi phí dự phòng của ngân hàng tăng mạnh; Tìm kiếm danh mục đầu tư 'an toàn'; Nửa sau của năm 2024, triển vọng tỷ giá sẽ cải thiện; SEC đã ban hành các quy định về quản lý SPAC…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 30/1 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 400.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 74,90 – 77,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 13,9 USD lên 2.032,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên gần 2.040 USD trước khi giảm nhẹ về quanh 2.035 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,50 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 30/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.023 đồng/USD, giảm 13 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.235 – 24.575 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 43.100 USD/BTC thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích lên và chạm gần 43.300 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,34 USD (+0,44%), lên 77,12 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,28 USD (+0,34%), lên 82,68 USD/thùng.
VN-Index lên gần 1.180 điểm
Sau những diễn biến khá nhàm chán của thị trường trong phiên sáng, khi VN-Index chỉ đi ngang quanh tham chiếu với thanh khoản thấp, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn xu hướng này.
Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ giằng co nhẹ, thị trường đã khởi sắc hơn khi bảng điện tử đảo chiều với sắc xanh chiếm ưu thế, cũng như nhóm cổ phiếu khu công nghiệp với BCM là đầu tàu đã giúp VN-Index có nhịp bật tăng lên gần 1.180 điểm, nhưng đáng tiếc chưa thể chạm được mốc điểm này khi đóng cửa.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 14,39 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 247,51 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 30/1: VN-Index tăng 3,96 điểm (+0,34%), lên 1.179,65 điểm; HNX-Index tăng 1,62 điểm (+0,71%), lên 230,66 điểm; UpCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,29%), lên 87,85 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng tích cực trong phiên thứ Hai (29/1), khi giới đầu tư đặt kỳ vọng cao vào kết quả kinh doanh của các ông lớn công nghệ, cũng như cái nhìn tích cực về quyết định lãi suất của Fed trong tuần này.
Một loạt các cổ phiếu megacap sẽ nằm dưới “ống kính” theo dõi chặt chẽ của nhà đầu tư trong tuần này, sau khi những dự báo đáng thất vọng từ Intel và Tesla trong tuần trước đó, dấy lên những lo ngại mới về việc định giá quá cao hiện tại của các cổ phiếu này.
Trọng tâm trong tuần này sẽ là quyết định chính sách tiền tệ đầu tiên của Fed trong năm nay, dự kiến vào thứ Tư.
Kết thúc phiên 29/1: Chỉ số Dow Jones tăng 224,02 điểm (+0,59%), lên 38.333,45 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 36,96 điểm (+0,76%), lên 4.927,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 172,68 điểm (+1,12%), lên 15.62804 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều và chỉ tăng nhẹ, khi giới đầu tư thận trọng trước quyết định của Fed trong tuần này.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,11% lên 36.065,86 điểm. Chỉ số giảm 0,1% xuống mức 2.526,93 điểm.
"Các nhà đầu tư muốn xem bình luận từ Fed Jerome Powell. Ngoài ra, họ muốn chờ đợi triển vọng của các doanh nghiệp khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh vừa mới bắt đầu", Naoki Fujiwara, nhà quản lý quỹ cấp cao tại Shinkin Asset Management cho biết.
Cổ phiếu liên quan đến chip tăng, với Advantest tăng 1,69%, Renesas Electronics tăng 2,81%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi tâm lý thị trường vẫn đang dè chừng bởi gã khổng lồ China Evergrande bị buộc phải thanh lý tài sản đã giáng một đòn mới vào thị trường bất động sản.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,83% xuống 2.830,53 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,78% xuống 3.245,04 điểm.
Phiên này, các cổ phiếu của ngành thực phẩm, đồ uống và chất bán dẫn dẫn đầu đà giảm, mất hơn 2% mỗi ngành.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã giảm xuống mức 2,47%, mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ, do các nhà đầu tư dự báo nước này tiếp tục duy trì chính nới lỏng để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, sau khi tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào tuần trước.
Chứng khoán Hồng Kông lao dốc khi nhóm cổ phiếu công nghệ và bất động sản Đại lục bị bán mạnh.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,32% xuống 15.703,45 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,47% xuống 5.275,37 điểm.
Cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ niêm mất 2,7%, trong khi các nhà phát triển bất động sản Đại lục giảm 3,5%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, khi các nhà đầu tư chốt lời trước cuộc họp chính sách của Fed vào cuối tuần này.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,84 điểm, tương đương 0,07% xuống 2.498,81 điểm, kết thúc ba phiên tăng liên tiếp. "Tâm lý nhà đầu tư dự kiến sẽ nghiêng về chế độ đứng ngoài trước cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ trong tuần này", Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.
Kết thúc phiên 30/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 38,92 điểm (+0,11%), lên 36.065,86 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 52,83 điểm (-1,83%), xuống 2.830,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 373,79 điểm (-2,32%), xuống 15.703,45 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 1,84 điểm (-0,07%), xuống 2.498,81 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Chi phí dự phòng của ngân hàng tăng mạnh
Trước bối cảnh nợ xấu có xu hướng đi lên buộc nhà băng tăng trích dự phòng rủi ro, điều này đã tác động lên kết quả kinh doanh và dự báo nợ xấu tại các ngân hàng sẽ còn tăng..>> Chi tiết
- Nửa sau của năm 2024, triển vọng tỷ giá sẽ cải thiện
Trước xu hướng đồng USD tăng giá, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam đã có một số nhận định và dự báo đối với đà tăng của đồng USD và tỷ giá..>> Chi tiết
- Tìm kiếm danh mục đầu tư “an toàn”
Quản trị rủi ro luôn là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro biến động..>> Chi tiết
- SEC đã ban hành các quy định về quản lý SPAC
Tuần trước, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã ban hành các quy tắc dành cho các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC)..>> Chi tiết