Thị trường tài chính 24h: Giá vàng trong nước thay đổi chóng mặt

VN-Index giảm hơn 6 điểm; Công ty con theo mẹ lên sàn: Làn sóng mới trên thị trường cổ phiếu; Săn cổ phiếu thoái vốn; Công ty chứng khoán sắp đến hạn 'trả tiền'; Nợ toàn cầu đã tăng lên 315.000 tỷ USD trong năm nay…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 30/5 giảm 3,8 triệu đồng/lượng chiều mua và giảm 2,3 triệu đồng/lượng chiều bán so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại 1,8 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 800.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 86,30 – 88,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 23,24 USD xuống 2.338,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm về gần 2.320 USD trước khi bật lên trên 2.330 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,96 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 30/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.258 đồng/USD, tăng nhẹ 5 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.250 – 25.470 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ 67.600 USD xuống 67.400 USD thì sang ngày hôm nay đã chững lại và giằng co nhẹ quanh ngưỡng trên 67.600 USD/BTC cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,13 USD (-0,16%), xuống 79,10 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,25 USD (-0,30%), xuống 83,35 USD/thùng.

VN-Index thu hẹp đà giảm

Sau phiên sáng giảm điểm khá mạnh dù lực cung giá thấp chỉ lác đác xuất hiện, thị trường bước vào phiên chiều đã ngay lập tức nới thêm đà giảm và về gần ngưỡng 1.250 điểm.

Tại ngưỡng điểm quan trọng này, lực mua đã dần mạnh lên, trong nhiều mã thu hẹp đáng kể đà giảm, VN-Index dần hồi phục và chậm gần tới ngưỡng 1.270 điểm, nhưng lại bị đẩy ngược trở lại đôi chút trong phiên ATC.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 148,41 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 2.929,75 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 30/5: VN-Index giảm 6,32 điểm (-0,50%), xuống 1.266,32 điểm; HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,06%), xuống 244,01 điểm; UpCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,13%), xuống 95,8 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Tư (29/5), trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc tăng và lo ngại về thời điểm và quy mô cắt giảm lãi suất có thể xảy ra từ Fed.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tuần ở mức 4,6% và tiếp tục gây áp lực đến thị trường sau phiên tăng hôm qua.

Trọng tâm chính trong tuần này sẽ là việc công bố dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4 vào thứ Sáu - thước đo lạm phát ưa thích của Fed.

Kết thúc phiên 29/5: Chỉ số Dow Jones giảm 411,32 điểm (-1,06%), xuống 38.441,54 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 39,09 điểm (-0,74%), xuống 5.266,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 99,30 điểm (-0,58%), xuống 16.920,58 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, chạm mức thấp nhất trong một tháng sau khi Phố Wall sụt giảm đêm qua và lợi suất toàn cầu tăng đột biến khiến giới đầu tư chùn tay.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,30% 38.054,13 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,56% xuống 2.726,20 điểm.

Đè nặng lên thị trường là đà sụt giảm của chứng khoán Mỹ đêm qua, khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng lên mức cao nhất trong bốn tuần và những lo ngại tiếp tục về thời gian cũng như quy mô cắt giảm lãi suất có thể xảy ra tại Mỹ.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2011 ở mức 1,1% vào phiên sáng, khi các nhà đầu tư dự báo về một đợt tăng lãi suất ở Nhật Bản ngay trong tháng 7.

Mặc dù thấp so với các loại trái phiếu khác ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng lợi suất JGB đang ở cao hơn mức đỉnh một thập kỷ vẫn có tác động đáng kể đến tâm lý thị trường, Hiroshi Namioka, chiến lược gia trưởng tại T&D Asset Management cho biết.

Các cổ phiếu công nghệ lớn, có xu hướng bị tổn thương do lợi suất tăng đều giảm, với Advantest giảm 5,5%, Tokyo Electron giảm 2,2% và SoftBank Group giảm 2,2%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và những lo ngại dai dẳng về thị trường bất động sản đã khiến tâm lý nhà đầu tư vẫn trong vùng thận trọng cao.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,62% xuống 3.091,68 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,53% xuống 3.594,31 điểm.

Cổ phiếu bất động sản giảm, khi giới đầu tư thao dõi tác động của các biện pháp kích thích gần đây để tăng doanh số bán nhà tại các thành phố lớn.

Chứng khoán Hồng Kông nối dài chuỗi giảm khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và lo ngại về lĩnh vực bất động sản Trung Quốc khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,34% xuống 18.230,19 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,44% xuống 6.462,95 điểm.

Thị trường đang tìm kiếm chất xúc tác mới sau khi bước vào đợt tăng giá mới, khi đã vọt tăng 20% từ mức đáy trong tháng 1.

Các nhà đầu tư hiện đang theo dõi tác động của các biện pháp nới lỏng trên thị trường bất động sản, sau khi các thành phố hạng lớn, bao gồm Thượng Hải và Quảng Châu, dỡ bỏ một số hạn chế đối với việc mua nhà trong tuần này.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, cũng bởi ảnh hưởng của phiên đêm qua trên Phố Wall trong khi rủi ro địa chính trị gia tăng cũng đè nặng đến tâm lý thị trường.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 41,86 điểm, tương đương 1,56%, xuống 2.635,44 điểm.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng, sau khi Triều Tiên dường như đã bắn khoảng 10 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra ngoài khơi bờ biển phía đông, quân đội Hàn Quốc cho biết.

Kết thúc phiên 30/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 502,74 điểm (-1,30%), xuống 38.054,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,34 điểm (-0,62%), xuống 3.091,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 246,82 điểm (-1,34%), xuống 18.230,19 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 41,86 điểm (-1,56%), xuống 2.635,44 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Công ty con theo mẹ lên sàn: Làn sóng mới trên thị trường cổ phiếu

Sau nhiều năm sàn chứng khoán chỉ đón lượng ít ỏi các “tân binh”, làn sóng đưa các công ty con/ công ty thành viên lên sàn của nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn dự kiến sẽ mang đến thêm nhiều lựa chọn cho các nhà đầu tư..>> Chi tiết

- Công ty chứng khoán sắp đến hạn “trả tiền”

30/6/2024 là thời hạn cuối cùng để các công ty chứng khoán tất toán toàn bộ giao dịch đã phát sinh với khách hàng liên quan tới hoạt động nhận tiền gửi, hỗ trợ lãi suất trên số tiền chưa giao dịch..>> Chi tiết

- Săn cổ phiếu thoái vốn

Nhiều cổ phiếu nằm trong “rổ” thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã ghi nhận mức tăng ấn tượng trong những phiên vừa qua và vẫn chưa ngừng “hot”..>> Chi tiết

- Nợ toàn cầu đã tăng lên 315.000 tỷ USD trong năm nay

Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), thế giới đang có khoản nợ tổng cộng là 315.000 tỷ USD..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-gia-vang-trong-nuoc-thay-doi-chong-mat-post346254.html