Thị trường tài chính 24h: Không khí đại hội cổ đông nhiều ngân hàng mùa này sôi động hơn
VN-Index tiếp tục giảm; Tỷ giá 'vượt cạn'; Dặm trường trái chủ Vạn Trường Phát - Bài 4; Đại hội cổ đông ngân hàng: Nóng chuyện M&A; Dò biến số ETF; Công ty chứng khoán 'ôm' nhiều trái phiếu doanh nghiệp; Ngân hàng lớn tại phố Wall lãi khủng nhưng mối lo vẫn còn nguyên…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 25/4 tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào và hiện đứng ở mức 66,45 – 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 5 USD lên 1.988,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên trên 1.995 USD, nhưng đã hạ nhiệt nhẹ về dưới 1.990 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,42 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.638 đồng/USD, tăng 2 đồng so hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.310 – 23.650 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đi ngang và kết phiên tại 27.200 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục xu hướng này cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,30 USD (-0,38%), xuống 78,46 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,28 USD (-0,34%), xuống 82,45 USD/thùng.
VN-Index tiếp tục lùi bước
Sau phiên sáng khá ảm đạm, giao dịch cầm chừng thì sang đến phiên chiều, áp lực bán đã gia tăng, đặc biệt ở nhóm công ty chứng khoán, trong khi nhóm bluechip có thời điểm chỉ có 3 mã xanh nhạt, VN-Index vì thế đuối sức dần, lùi về quanh 1.035 điểm và giằng co nhẹ cho đến khi đóng cửa.
Trong tuần, thanh khoản trên sàn HOSE chỉ đạt tổng cộng 43.634,33 tỷ đồng, giảm mạnh 31,9% so với tuần trước đó, tổng khối lượng giao dịch cũng giảm tới 34,24%.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3,83 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 137,55 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 25/4: VN-Index giảm 6,51 điểm (-0,63%), xuống 1.034,85 điểm; VN-Index giảm 6,51 điểm (-0,63%), xuống 1.034,85 điểm; UpCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,13%), lên 77,99 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Các chỉ số chính của Phố Wall trái chiều trong phiên thứ Hai (24/4), với áp lực từ các cổ phiếu vốn hóa lớn khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo kết quả kinh doanh, trong khi cổ phiếu Tesla gây lo ngại về kế hoạch chi tiêu của họ.
Cổ phiếu Tesla giảm 1,5% sau khi nhà sản xuất ô tô này nâng dự báo chi tiêu vốn năm 2023 để tăng sản lượng, và trở thành lực cản lớn thứ hai đối với S&P 500 chuẩn sau Microsoft Corp khi mất 1,4%.
Cổ phiếu của Microsoft, vốn tăng hơn 17% từ đầu năm đến nay, đã chịu áp lực vào thứ Hai khi các nhà đầu tư tỏ ra lo lắng về kết quả kinh doanh sẽ được công bố vào thứ Ba.
Bên cạnh đó, giới đầu tư đầu tư cũng theo dõi chặt chẽ dự liệu kinh tế mới sẽ cung cấp đánh giá về việc liệu lạm phát có đang hạ nhiệt hay không và liệu Fed sẽ nâng lãi suất thêm nữa trong cuộc họp tiếp theo vào đầu tháng 5 hay không.
Kết thúc phiên 24/4, chỉ số Dow Jones tăng 66,44 điểm (+0,20%), lên 33.875,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,52 điểm (+0,08%), lên 4.137,04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 35,25 điểm (-0,29%), xuống 12.037,20 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản nhích lên, dẫn đầu bởi các nhà sản xuất điện tử về sự lạc quan về thu nhập và mở rộng trợ cấp của chính phủ cho ngành sản xuất chip.
Dù vậy, thị trường thu hẹp đà tăng trong phiên chiều, bị đè nặng bởi các nhà sản xuất thép trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,09% lên 28.620,07 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,24% lên 2.042,15 điểm.
Cổ phiếu công nghệ đang là tâm điểm chú ý trong bối cảnh một loạt các công ty lớn của Mỹ sẽ báo cáo thu nhập trong tuần này, bao gồm Amazon.com Inc và Google Alphabet Inc.
Cổ phiếu chip tăng mạnh sau khi Bộ trưởng Công nghiệp Yasutoshi Nishimura cho biết, Nhật Bản có kế hoạch trợ cấp bổ sung cho nhà sản xuất chip Rapidus, công ty có kế hoạch xây dựng một nhà máy tiên tiến trên đảo Hokkaido.
Cổ phiếu Gã khổng lồ thiết bị chip Tokyo Electron Ltd tăng 0,2%, trong khi nhà sản xuất thiết bị thử nghiệm Advantest Corp tăng 1,02%.
Nippon Steel Corp giảm 3,8% trong khi Kobe Steel Ltd giảm 3%, dẫn đầu mức giảm trên Nikkei 225, sau khi giá quặng sắt và thép đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022 vào thứ Hai.
Chứng khoán Trung Quốc giảm phiên thứ năm liên tiếp xuống quanh mức thấp nhất trong một tháng, sau khi dữ liệu cho thấy sự phục hồi kinh tế không đồng đều, trong khi các nhà đầu tư lo lắng về rủi ro địa chính trị kéo dài.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,32% xuống 3.264,87 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,5% xuống 3.962,67 điểm.
Tâm lý nhà đầu tư vẫn yếu sau khi dữ liệu vào thứ Ba tuần trước cho thấy, sự phục hồi kinh tế sau khi mở cửa trở lại sau COVID không đồng đều, mặc dù tăng trưởng quý I mạnh mẽ.
Thêm vào áp lực, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 5 tỷ nhân dân tệ (722,9 triệu USD) cổ phiếu Trung Quốc thông qua Stock Connect trong ngày thứ ba liên tiếp.
Thị trường cũng lo ngại về những hạn chế của Mỹ đối với đầu tư công nghệ, các nhà phân tích cho biết.
"Căng thẳng địa chính trị đã đè nặng lên Trung Quốc ở bên ngoài, tức là chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, khi hai ngày qua chứng kiến những lo ngại địa chính trị lan sang bên trong Trung Quốc ", Brendan Ahern, giám đốc đầu tư tại KraneShares viết trong một lưu ý.
Những người tham gia thị trường cũng thận trọng chờ đợi cuộc họp Bộ Chính trị tháng Tư tuần này, khi một cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản thảo luận về nền kinh tế.
"Cuộc họp Bộ Chính trị tháng Tư là sự kiện quan trọng tiếp theo cần theo dõi. GDP quý I tốt hơn dự kiến đã giảm bớt một số áp lực cho các nhà hoạch định chính sách để tiến hành nới lỏng trên diện rộng, nhưng sự khác biệt cơ bản của nền kinh tế kêu gọi hỗ trợ có mục tiêu. "Chúng tôi hy vọng lập trường tiền tệ và tài khóa rộng lớn sẽ không thay đổi, một số chính sách cho ngành (ví dụ: bất động sản và internet) sẽ nới lỏng hơn nữa”, Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý.
Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm do áp lực từ thị trường Đại lục cũng như nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,71% xuống 19.617,88 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,96% xuống 6.601,36 điểm.
Nỗi lo đó đã kéo các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông giảm 3,5%, với Meituan giảm 4,4%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về việc nhiều người buộc phải bán tháo cổ phiếu sử dụng đòn bẩy.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 34,48 điểm, tương đương 1,37%, xuống 2.489,02 điểm, kéo dài chuỗi giảm sang phiên thứ tư liên tiếp.
Nền kinh tế Hàn Quốc hầu như không ngăn chặn được suy thoái, tăng trưởng mong manh trong quý đầu tiên, nhưng triển vọng vẫn u ám.
"Biến động thị trường tăng do yếu tố bên trong của các vấn đề cung và cầu nhiều hơn là các vấn đề bên ngoài. Đã có những lo lắng về việc buộc phải bán các khoản nắm giữ đòn bẩy, vốn đã tăng mạnh trong năm nay, trong bối cảnh áp lực giảm giá cổ phiếu ngày càng tăng”, nhà phân tích Lee Kyoung-min tại Daishin Securities cho biết.
Một số lĩnh vực trên thị trường gần đây đã quá nóng với sự gia tăng giao dịch đòn bẩy, cơ quan quản lý tài chính của nước này cảnh báo hôm thứ Ba.
Hầu hết các đối thủ nặng ký của chỉ số, bao gồm các nhà sản xuất chip, nhà sản xuất pin và nhà cung cấp dịch vụ nền tảng trực tuyến, đều giảm gần 2% trở lên.
Đáng chú ý là các cổ phiếu Seoul Citi Gas Co Ltd, Daesung Holdings Co Ltd, Samchully Co Ltd và Sebang Co Ltd giảm sàn gần 30%.
Trong khi đó, cổ phiếu Hyundai Motor Co tăng 4,74% sau khi nhà sản xuất ô tô này cho biết họ đã hoàn tất liên doanh pin xe điện trị giá 5 tỷ USD tại Mỹ và báo cáo rằng lợi nhuận ròng quý đầu tiên đã tăng hơn gấp đôi.
Kết thúc phiên 25/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 26,55 điểm (+0,09%), lên 28.620,07 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,54 điểm (-0,32%), xuống 3.264,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 342,06 điểm (-1,71%), xuống 19.617,88 điểm Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 34,48 điểm (-1,37%), xuống 2.489,02 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Tỷ giá “vượt cạn”
Giai đoạn khó khăn nhất được cho là đã đi qua đối với tỷ giá VND/USD khi USD tiếp đà suy yếu, cung - cầu ngoại tệ thặng dư...>> Chi tiết
- Dặm trường trái chủ Vạn Trường Phát - Bài 4: Bí ẩn 10.000 tỷ đồng trái phiếu
Nhà phát hành lô trái phiếu “mất dạng”. Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc ký tá với ngân hàng lại nói chỉ bán… mỹ phẩm? 10.000 tỷ đồng trái phiếu để trả tiền cọc mua lại hơn 177 ha đất của Tân Thành Long An đi đâu?..>> Chi tiết
- Đại hội cổ đông ngân hàng: Nóng chuyện M&A
Những thông tin chính thức, hay tin đồn về việc bán vốn cho đối tác, nhận sáp nhập một ngân hàng khác giúp không khí đại hội cổ đông của nhiều ngân hàng mùa này sôi động hơn..>> Chi tiết
- Dò biến số ETF
Trong tuần này, việc các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục có thể tác động đến diễn biến giá của nhiều mã chứng khoán..>> Chi tiết
- Công ty chứng khoán “ôm” nhiều trái phiếu doanh nghiệp
Nhiều công ty chứng khoán đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào trái phiếu, chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp, trong khi không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu đứng trước nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán..>> Chi tiết
- Ngân hàng lớn tại phố Wall lãi khủng nhưng mối lo vẫn còn nguyên
Mùa báo cáo tài chính quý I/2023 tại Mỹ có sự khởi đầu thuận lợi, khi các ngân hàng lớn tại Phố Wall đều công bố những kết quả vượt dự kiến bất chấp những tác động tiêu cực từ các vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank..>> Chi tiết