Thị trường tài chính 24h: Kỳ vọng ngành thép sẽ cải thiện từ quý III

VN-Index tăng nhẹ; Tỷ giá tăng và những tác động trái chiều; Minh bạch thông tin 'cứu giá' cổ phiếu; Ngành thép chờ 'sáng' cùng bất động sản; Thống đốc BOJ báo hiệu khả năng tăng lãi suất vào tháng 7…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 18/6 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 13,4 USD xuống 2.319,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm và lùi về gần 2.310 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,47 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 18/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.259 đồng/USD, không đổi so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.251 – 25.471 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ gần 66.500 USD xuống 65.900 USD thì sang ngày hôm nay đã có lúc bật mạnh lên gần 67.000 USD, trước khi lùi về 65.600 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,30 USD (-0,41%), xuống 80,00 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,31 USD (-0,32%), xuống 83,98 USD/thùng.

VN-Index hồi phục nhẹ

Sau phiên sáng giao dịch khá tích cực với thanh khoản được duy trì ở mức trung bình, nhưng độ rộng nghiêng về số mã tăng cũng như một vài nhóm cổ phiếu có sức bật tốt, thị trường bước vào phiên chiều chủ yếu rung lắc nhẹ quanh vùng 1.280-1.285 điểm, trước khi đuối sức ở những phút cuối khiến VN-Index về dưới mốc 12.80 điểm khi đóng cửa.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 10,32 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 535,96 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 18/6: VN-Index tăng 4,73 điểm (+0,37%), lên 1.279,5 điểm; HNX-Index tăng 1,27 điểm (+0,52%), lên 244,43 điểm; UpCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,23%), lên 98,31 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng tích cực trong phiên thứ Hai (17/6), khi sự hào hứng trở lại với nhóm cổ phiếu công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, trong khi giới đầu tư cũng theo dõi bài phát biểu của các quan chức Fed để có được cái nhìn sâu sắc hơn về chính sách tiền tệ.

Chỉ số bán dẫn Philadelphia SE Semiconductor theo đó đạt mức cao nhất mọi thời đại, ngay cả khi công ty dẫn đầu về chip trí tuệ nhân tạo Nvidia để mất 0,66%.

Thị trường cũng đang theo dõi chặt chẽ các bình luận sắp tới từ Chủ tịch Fed New York, ông John Williams và Patrick Harker của Fed Philadelphia và Thống đốc Hội đồng quản trị Fed Lisa Cook vào cuối ngày.

Kết thúc phiên 17/6: Chỉ số Dow Jones tăng 188,94 điểm (+0,49%), lên 38.778,10 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 41,63 điểm (+0,77%), lên 5.473,23 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 168,14 điểm (+0,95%), lên 17.857,02 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi các nhà đầu tư mua bắt đáy những cổ phiếu giảm mạnh trong phiên trước đó.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1% lên 38.482,11 điểm. Chỉ số Topix kết thúc tăng 0,58% lên 2.715,76 điểm.

Chỉ số Nikkei đã giảm xuống mức quá bán trong phiên trước, vì vậy các nhà đầu tư đã mua lại cổ phiếu là điều dễ hiểu. Nhưng thị trường cũng chưa nhận được bất kỳ tin tốt nào mới đáng kể để thúc đẩy chỉ số lên cao hơn nữa hoặc tin xấu khiến nó xuống thấp hơn vào lúc này”, Seiichi Suzuki, nhà phân tích thị trường chứng khoán tại Tokai Tokyo cho biết.

Mặt khác, sự không chắc chắn về con đường chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư và hạn chế đà tăng của Nikkei, các chiến lược gia cho biết.

Tại cuộc họp chính sách vào thứ Sáu, BOJ cho biết họ sẽ bắt đầu cắt giảm việc mua trái phiếu và cũng công bố một kế hoạch chi tiết vào tháng Bảy về việc giảm bảng cân đối kế toán gần 5.000 tỷ USD của họ.

BOJ sẽ giảm bao nhiêu tiền mua trái phiếu sẽ vẫn chưa rõ ràng cho đến cuộc họp chính sách tiếp theo và thị trường không muốn có những bất ổn, Suzuki nói.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ động lực từ nhóm cổ phiếu tài chính đã bù đắp cho cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu và bất động sản.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,48% lên 3.030,25 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,27% lên 3.545,59 điểm.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các nhà đầu tư chờ đợi sự hỗ trợ chính sách mới từ Bắc Kinh, trong bối cảnh dữ liệu kinh tế chậm chạp của Trung Quốc và xung đột thương mại với Liên minh châu Âu.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,11% xuống 17.915,55 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,08% xuống 6.368,10 điểm.

Bất chấp số liệu đầu tư bất động sản và tín dụng yếu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn một năm vào thứ Hai, làm dấy lên hy vọng Bắc Kinh sẽ bơm thêm hỗ trợ cho nền kinh tế vào cuối năm nay.

Dickie Wong, giám đốc điều hành của Kingston Securities, cho biết: “Các dữ liệu kinh tế mới nhất được công bố yếu hơn dự kiến, chỉ có doanh số bán lẻ cho thấy sự cải thiện nhẹ. Trong khi thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với áp lực suy giảm trong thời gian tới”.

Các nhà phân tích tin rằng những thách thức này cuối cùng sẽ thúc đẩy chính phủ Trung Quốc hành động.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, sau khi cổ phiếu các nhà sản xuất chip bật tăng và các nhà sản xuất ô tô nới đà đi lên nhờ sự lạc quan về việc Hyundai Motor niêm yết một công ty con ở Ấn Độ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 19,82 điểm, tương đương 0,72% lên 2.763,92 điểm.

Cổ phiếu của nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 2,2% và SK Hynix tăng 5,2%, sau khi Chỉ số bán dẫn Philadelphia trên phố Wall đêm qua đạt kỷ lục cao mới.

Cổ phiếu Hyundai Motor tăng 1,62%, với dự báo kế hoạch niêm yết tại Ấn Độ sẽ giúp tăng thị phần của nhà sản xuất ô tô này.

Kết thúc phiên 18/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 379,67 điểm (+1,00%), lên 38.482,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,36 điểm (+0,48%), lên 3.030,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 20,57 điểm (-0,11%), xuống 17.915,55 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 19,82 điểm (+0,72%), lên 2.763,92 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tỷ giá tăng và những tác động trái chiều

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), tỷ giá tăng sẽ tác động bất lợi đến các doanh nghiệp có khoản vay bằng USD và có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu. Ở chiều ngược lại, đồng Việt Nam yếu sẽ là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu ròng..>> Chi tiết

- Minh bạch thông tin “cứu giá” cổ phiếu

Trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, không ít lần, vì những tin đồn thất thiệt, thông tin không chuẩn xác mà thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp lao dốc. Trong tình huống đó, minh bạch thông tin từ doanh nghiệp sẽ là cách ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực..>> Chi tiết

- Ngành thép chờ “sáng” cùng bất động sản

Tiêu thụ thép trong nước tăng chậm trong những tháng đầu năm 2024 do bị cạnh tranh bởi thép giá rẻ từ Trung Quốc và thị trường bất động sản hồi phục kém, nhưng kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện rõ nét kể từ quý III..>> Chi tiết

- Thống đốc BOJ báo hiệu khả năng tăng lãi suất vào tháng 7

Hôm thứ Ba (18/6), Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cho biết, ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất vào tháng 7 tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế có sẵn vào thời điểm đó, nhấn mạnh quyết tâm đẩy lãi suất lên đều đặn từ mức gần như bằng 0 hiện tại..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-ky-vong-nganh-thep-se-cai-thien-tu-quy-iii-post347586.html