Thị trường tài chính 24h: Lợi nhuận quý III của nhiều ngân hàng giảm mạnh
VN-Index nhích nhẹ; Nhiều ngân hàng hụt hơi chỉ tiêu lợi nhuận 2023; Ngành phân bón đón tín hiệu khả quan; TPS đưa ra 3 kịch bản VN-Index trong tháng 11; BOJ có thể chấm dứt lãi suất âm vào đầu năm tới...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 9/11 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm thêm 100.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 69,10 – 70,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 18,9 USD xuống 1.949,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co nhẹ ở quanh ngưỡng trên cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,59 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 9/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.002 đồng/USD, tăng 17 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.190 – 24.530 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 35.400 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục tăng khá mạnh lên gần 36.900 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,57 USD (+0,76%), lên 75,90 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,64 USD (+0,80%), lên 80,18 USD/thùng.
VN-Index nhích nhẹ
Sau phiên sáng đua lệnh nhưng gặp phải lực cản từ nhóm bluechip, thị trường bước vào phiên chiều tiếp tục bị nhóm cổ phiếu này cản bước và tiếp tục hạ độ cao, giằng co nhẹ quanh tham chiếu, trước khi thêm một nhịp lấy lại ngưỡng 1.120 điểm.
Tuy nhiên, sức ép ở nhóm bluechip cũng như một bộ phận nhà đầu tư tranh thủ chốt lời T+ khiến số mã giảm gia tăng trên bảng điện tử đã khiến VN-Index nhanh chóng bị đẩy lùi về gần tham chiếu và đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 25,1 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 816,54 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 9/11: VN-Index tăng 0,46 điểm (+0,04%), lên 1.113,89 điểm; HNX-Index tăng 1,2 điểm (+0,53%), lên 228,22 điểm; UpCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,06%), lên 86,22 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ biến động nhẹ trong phiên thứ Tư (8/11), khi các nhà đầu tư thận trọng theo dõi các bình luận từ các quan chức Fed để tìm manh mối về việc ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ lãi suất cao trong bao lâu.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường hiện đang dự báo việc cắt giảm lãi suất trong tháng 5/2024, với tỷ lệ dự báo cắt giảm ít nhất 0,25% đã tăng lên gần 49%, so với khoảng 41% một tuần trước đó.
Tuy nhiên, những bình luận thận trọng từ một số quan chức ngân hàng trung ương trong vài ngày qua đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, với Thống đốc Fed Michelle Bowman đánh dấu khả năng tăng lãi suất hơn nữa do sức mạnh của nền kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh với những dữ liệu gần đây.
Kết thúc phiên 8/11: Chỉ số Dow Jones giảm 40,33 điểm (-0,12%), xuống 34.112,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,40 điểm (+0,10%), lên 4.382,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 10,56 điểm (+0,07%), lên 13.650,41 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đã tăng mạnh, khi kết quả kinh doanh mạnh mẽ tại nhóm năng lượng và sản phẩm tiêu dùng.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,49% lên 32.646,46 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,26% lên 2.335,12 điểm.
Cosmo Energy, mặc dù không phải là thành viên của Nikkei 225, đã kéo các cổ phiếu dầu mỏ khác lên cao hơn khi tăng gần 9% sau khi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận. Các cổ phiếu cùng ngành khác là Idemitsu Kosan tăng 3,11% và Eneos tăng 1,67%.
Nhà sản xuất đồng hồ và máy tính Casio là cổ phiếu tăng tốt nhất trên Nikkei 225, tăng gần 7% sau kết quả tài chính tích cực.
Cổ phiếu Nintendo tăng 5,57%, sau khi 6,09% vào ngày hôm trước, nhờ dự báo lợi nhuận mạnh mẽ của chính họ và doanh số lĩnh vực game tăng trưởng. Theo sau là nhà sản xuất mỹ phẩm Kao đứng thứ 3, tăng gần 5% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý vừa qua.
Chứng khoán Trung Quốc giằng co và tăng nhẹ, sau khi dữ liệu giá tiêu dùng mới nhất làm dấy lên lo ngại về phục hồi kinh tế, trong khi các nhà đầu tư thận trọng cân nhắc sự phát triển của bất động sản ngành và các biện pháp kích thích khác.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,03% lên 3.053,28 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,04% lên 3.612,83 điểm.
Dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Trung Quốc giảm trở lại 0,2%, khi tình trạng giảm phát tại các nhà máy đã trở nên sâu sắc hơn trong tháng 10. Chỉ số giá sản xuất giảm 2,6%, thấp hơn so với ước tính giảm 2,7% nhưng là tháng thứ 13 giảm liên tiếp, khi nhu cầu trong nước gặp khó khăn, phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng không quá tiêu cực, Các nhà phân tích cho biết.
"Những gì chúng ta đang thấy ngày hôm nay chủ yếu là kết quả của nguồn cung dư thừa, thay vì sự sụp đổ về nhu cầu", Robert Carnell nói, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ING.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, cũng bởi ảnh hưởng của chỉ số giá tiêu dùng và giá sản xuất đều giảm vào tháng 10.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,33% xuống 17.511,29 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,15% xuống 6.030,26 điểm.
Cổ phiếu của Bảo hiểm Ping An đã giảm 1,3%, sau khi phủ nhận một tin tức của Reuters rằng Bắc Kinh đã yêu cầu họ tiếp quản Country Garden Holdings và gánh vác núi nợ của nhà phát triển bất động sản này. Cổ phiếu Country Garden giảm 9,6%.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ lực mua mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài, nhưng đà giảm của các nhà sản xuất pin đã hạn chế đà đi lên của thị trường.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 5,46 điểm, tương đương 0,23% lên 2.427,08 điểm, sau hai phiên giảm liên tiếp trước đó.
Trong số các cổ phiếu trọng số lớn, các nhà sản xuất chip và các công ty nền tảng trực tuyến đã tăng, nhưng các nhà sản xuất pin tiếp tục trải qua sự biến động cao đối với lệnh cấm bán khống trên toàn thị trường được áp dụng lại từ thứ Hai.
Theo đó, nhóm cổ phiếu pin với LG Energy Solution giảm 1,94%, công ty mẹ cũng giảm 2,0%. Các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation lần lượt giảm 2,33% và 2,16%.
Khối ngoại mua ròng cổ phiếu trị giá 278,3 tỷ won trong ngày trên bảng điện tử.
"Thị trường hồi phục với lệnh cấm bán khống tiếp tục siết chặt các vị thế bán khống của khối ngoại. Điều này có thể tốt cho giá cổ phiếu trong ngắn hạn, nhưng sẽ có những lo lắng về việc giảm thanh khoản và dòng vốn nước ngoài trong dài hạn", Seo Sang-young, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.
Kết thúc phiên 9/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 479,98 điểm (+1,49%), lên 32.646,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,91 điểm (+0,03%), lên 3.053,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 57,17 điểm (-0,33 %), xuống 17.511,29 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 5,46 điểm (+0,23%), lên 2.427,08 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Nhiều ngân hàng hụt hơi chỉ tiêu lợi nhuận 2023
Lợi nhuận quý III/2023 của nhiều ngân hàng giảm mạnh so với cùng kỳ, lũy kế kết quả kinh doanh 9 tháng vẫn cách mục tiêu cả năm quá xa..>> Chi tiết
- Ngành phân bón đón tín hiệu khả quan
Giá phân bón trong nước đang đi lên theo giá thế giới khi nhu cầu gia tăng và nguồn cung bị thu hẹp..>> Chi tiết
- TPS đưa ra 3 kịch bản VN-Index trong tháng 11 và điểm tên những nhóm cổ phiếu đáng chú ý
TPS cho rằng, những ngành có beta cao sẽ cần được chú ý do ghi nhận mức chiết khấu cao so với mặt bằng chung thời gian qua và thường sẽ tăng rất nhanh khi thị trường có nhịp hồi phục..>> Chi tiết
- BOJ có thể chấm dứt lãi suất âm vào đầu năm tới
Cựu Giám đốc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Eiji Maeda cho biết, BOJ có thể chấm dứt chính sách lãi suất âm sớm nhất là vào tháng 1/2024 và tiếp tục tăng lãi suất ngắn hạn nếu nền kinh tế có thể vượt qua rủi ro từ những bất ổn ở nước ngoài..>> Chi tiết