Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư chuyển từ đầu tư dài hạn sang ngắn và trung hạn

VN-Index hồi phục nhẹ; Tỷ giá nóng trở lại, lãi suất có bị cản đường hạ nhiệt?; 'Đánh' sóng ngắn; Thị trường sẽ còn nhiều đợt rung lắc, tạo cơ hội cho trading ngắn hạn; Chuỗi cung ứng sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 28/2 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã giảm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,10 – 66,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 6,1 USD lên 1.817,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đột ngột có nhịp lao dốc mạnh về gần 1.805 USD, trước khi bật lên 1.810 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,67 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.644 đồng/USD, tăng 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.600 – 23.940 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ lên 23.300 USD, thì sang phiên hôm nay gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,66 USD (+0,87%), lên 76,34 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,62 USD (+0,75%), lên 83,07 USD/thùng.

VN-Index hồi phục nhẹ

Thị trường đã tăng điểm trở lại ngay từ sớm khi sắc xanh xuất hiện ở nhiều nhóm ngành. Tuy nhiên, đà tăng chủ yếu đến từ việc cung giá thấp đã cạn chứ không xuất phát từ sức cầu mạnh. Vì thế, thanh khoản thị trường vẫn ở mức rất thấp và đà tăng không bền.

Ngay sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán bắt đầu gia tăng khiến VN-Index chịu sự rung lắc, nhiều thời điểm đã lùi về dưới tham chiếu. Dẫu vậy, việc tiết cung giá thấp được duy trì giúp VN-Index giữ được sắc xanh đến cuối phiên.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3,14 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng 15,9 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 28/2: VN-Index tăng 3,43 điểm (+0,34%), lên 1.028,56 điểm; HNX-Index giảm 0,89 điểm (-0,44%), về 202,38 điểm; UPCoM-Index tăng 0,6 điểm (+0,79%), lên 75,92 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall nhích nhẹ trong phiên thứ Hai (27/2), khi giới đầu tư mong chờ một tuần khả quan khác từ kết quả lợi nhuận của ngành bán lẻ.

Chỉ 6% số công ty thuộc S&P 500 sẽ công bố kết quả trong tuần này, nhưng nhà đầu tư đang tìm kiếm thông tin rõ ràng hơn về người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp bán lẻ lớn, nhà hàng, một số công ty du lịch và giải trí cũng như các công ty thực phẩm sẽ báo cáo lợi nhuận. Target, Costco, Lowe’s và Macy’s là một số công ty lớn sẽ công bố kết quả kinh doanh trong tuần này.

Kết thúc phiên 27/2, chỉ số Dow Jones tăng 72,17 điểm (+0,22%), lên 32.889,09 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,20 điểm (+0,31%), lên 3.982,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 72,04 điểm (+0,63%), lên 11.466,98 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản thu hẹp đà tăng về cuối phiên, khi các nhà đầu tư bán chốt lời, trong bối cảnh thiếu các tác nhân dẫn dắt thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,08% lên 27.445,56 điểm, sau khi tăng 0,6% trong phiên. Chỉ số Topix nhích 0,03% lên 1.993,28 điểm.

Chihiro Ohta, Trợ lý tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư và dịch vụ nhà đầu tư tại SMBC Nikko Securities, cho biết: “Có rất ít dấu hiệu chuyển động của thị trường, vì vậy, các nhà đầu tư đã chốt lời cổ phiếu hoạt động tốt và bán bớt các cổ phiếu kém hiệu quả”.

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm, khi các nhà đầu tư đặt cược lớn và chờ đợi dữ liệu kinh tế xác nhận sự phục hồi.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng ,66% lên 3.279,61 điểm và giảm 2% trong tháng 2. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,63% lên 4.069,46 điểm.

Việc làm ở thành thị của Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên trong sáu thập kỷ vào năm ngoái. Dữ liệu chính thức cho thấy chi tiêu bình quân đầu người của nước này cũng đánh dấu sự sụt giảm hiếm hoi do các biện pháp kiềm chế COVID khắc nghiệt đã tàn phá nền kinh tế.

Redmond Wong, chiến lược gia thị trường Trung Quốc Đại lục tại Saxo Markets, cho biết các nhà đầu tư đang chờ đợi thêm dữ liệu kinh tế để tiếp cận sức mạnh của sự phục hồi.

Chứng khoán Hồng Kông giảm do nhóm cổ phiếu công nghệ suy yếu và tâm lý thận trọng do căng thẳng Mỹ-Trung chưa hạ nhiệt.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,79% xuống 19.785,94 điểm và giảm 9,5% trong tháng 2, xóa gần như toàn bộ mức tăng có được trong tháng 1. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,33% xuống 6.581,47 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng theo chân phiên phục hồi qua đêm của Phố Wall, mặc dù chỉ số này cũng hạ độ cao khi khi các nhà giao dịch đánh giá triển vọng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa ở Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 10,21 điểm, tương đương 0,42% lên 2.412,85 điểm, sau khi tăng tới 1,21% trong phiên.

KOSPI kết thúc tháng 2 giảm 0,5%, sau khi tăng 8,44% vào tháng 1.

Kết thúc phiên 28/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 21,60 điểm (+0,08%), lên 27.445,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,57 điểm (+0,66%), lên 3.279,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 157,57 điểm (-0,79%), xuống 19.785,94 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 10,21 điểm (+0,42%), lên 2.412,85 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tỷ giá nóng trở lại, lãi suất có bị cản đường hạ nhiệt?

Giá USD trong nước tăng trở lại 2 tuần qua trong bối cảnh đồng bạc xanh trên thế giới dần lấy lại phong độ. Diễn biến tỷ giá có thể sẽ gây áp lực phần nào tới lộ trình hạ nhiệt mặt bằng lãi suất trong nước..>> Chi tiết

- "Đánh" sóng ngắn

Chuyển từ đầu tư dài hạn sang ngắn và trung hạn là cách mà không ít nhà đầu tư theo trường phái giá trị đang thực hiện..>> Chi tiết

- Thị trường sẽ còn nhiều đợt rung lắc, tạo cơ hội cho trading ngắn hạn

VN30 có thể dao động sideway trong biên độ rộng 900 - 1.300 điểm, tạo cơ hội sinh lời khi tận dụng các đợt sóng để ra - vào vị thế hợp lý..>> Chi tiết

- Sửa nghị định trái phiếu: Còn nhiều thắc mắc

Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 135/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đang được xây dựng, trong đó có một số điểm gây thắc mắc liên quan tới việc phát hành trái phiếu của công ty tài chính..>> Chi tiết

- Chuỗi cung ứng sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát

Việc Trung Quốc dỡ bỏ chính sách phòng dịch “Zero Covid” làm dấy lên lo ngại rằng, nhu cầu bị dồn nén ở đất nước này có thể làm trầm trọng áp lực lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ không xuất khẩu lạm phát ra thế giới..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-nha-dau-tu-chuyen-tu-dau-tu-dai-han-sang-ngan-va-trung-han-post316021.html