Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư có thâm niên đang dành tỷ trọng nhỏ để 'lướt sóng'
VN-Index tăng gần 10 điểm; Khó khăn, ngân hàng vẫn phải tăng vốn; Cổ phiếu thép 'lệch pha' giá thép; Nhà đầu tư Fn ưu tiên 'đánh nhanh'; FiinRatings: Trái phiếu doanh nghiệp khó khăn vẫn ở phía trước; WB: Vấn đề nợ tại các nền kinh tế tiên tiến đang là yếu tố thách thức…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 12/5 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã giảm thêm 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,55 – 67,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 15,2 USD xuống 2.014,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp xuống gần ngưỡng 2.000 USD trước khi bật nhẹ lên 2.005 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,07 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.640 đồng/USD, tăng 8 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.300 – 23.640 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về gần 27.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục giảm và lùi về gần 26.300 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,02 USD (+0,03%), lên 70,89 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,01 USD (+0,01%), lên 74,99 USD/thùng.
VN-Index tăng gần 10 điểm
Thị trường nhích lên từ sớm và chỉ số VN-Index đã tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.060 điểm.
Bước sang phiên chiều, tâm lý lưỡng lự của bên mua và bên bán vẫn khiến thị trường giằng co ở vùng giá 1.060 điểm.
Tuy nhiên, dòng tiền sôi động lan tỏa sau đó đã chắp cánh giúp chỉ số khép lại phiên tăng gần 10 điểm, vượt mốc 1.065 điểm với thanh khoản sôi động, ghi nhận khối lượng và giá trị giao dịch cao nhất trong gần 1 tháng qua.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3,45 triệu đơn vị, với tổng giá trị chỉ mua ròng 0,34 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 12/5: VN-Index tăng 9,78 điểm (+0,93%), lên 1.066,9 điểm; HNX-Index tăng 0,69 điểm (+0,32%), lên 215,1 điểm; UPCoM-Index tăng 0,92 điểm (+1,16%), lên 80,05 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Các chỉ số chính trên Phố Wall trái chiều trong phiên thứ Năm (11/5), khi Dow Jones và S&P 500 giảm nhẹ, còn Nasdaq nhích lên nhờ ông lớn Google.
Thị trường tỏ ra bất an sau khi CNBC đưa tin rằng, cuộc họp về trần nợ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ lẽ ra diễn ra vào ngày thứ Sáu tuần này đã được dời sang tuần tới.
Một lần nữa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen hối thúc Quốc hội tăng trần nợ từ mức 31,4 nghìn tỷ USD để ngăn một vụ vỡ nợ chưa từng có tiền lệ của Washington.
Kết thúc phiên 11/5, chỉ số Dow Jones giảm 221,82 điểm (-0,66%), xuống 33.309,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,02 điểm (-0,17%), xuống 4.130,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 22,07 điểm (+0,18%), lên 12.328,51 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, nhờ đà đi lên của nhóm cổ phiếu lớn liên quan đến chip, khi các nhà đầu tư hào hứng với thông báo về lợi nhuận của các công ty trong nước vào cao điểm của mùa thu nhập.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,9% lên 29.388,30 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Tính chung cả tuần, chỉ số này tăng 0,79%.
Chỉ số Topix tăng 0,64% lên 2.096,39 điểm và tăng 1% trong tuần.
"Triển vọng của công ty không nhất thiết phải tốt. Chúng tôi đã thấy một số kết quả tích cực nhưng cũng có những thất vọng”. Seiichi Suzuki, nhà phân tích thị trường chứng khoán tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết.
Mitsubishi Corp và các công ty cùng ngành trong tuần này đã đánh dấu phần thưởng lớn cho các cổ đông trong năm tài chính này, với việc tăng cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu hoặc cả hai. Cổ phiếu của Mitsubishi giảm 0,02% vào thứ Sáu nhưng đã tăng 6,3% trong tuần.
Cổ phiếu lớn Tokyo Electron Ltd tăng 3,21% ngay cả dự báo lợi nhuận hoạt động hàng năm thấp hơn dự kiến. Cổ phiếu cùng ngành chip là Advantest Corp tăng 3,32%.
Cổ phiếu Sharp Corp giảm 8,69% sau khi nhà sản xuất thiết bị điện tử báo cáo khoản lỗ bất ngờ 1,9 tỷ USD do việc ghi giảm hoạt động kinh doanh màn hình và các tài sản khác.
Các nhà sản xuất kim loại màu là những cổ phiếu giảm mạnh nhất trong số 33 chỉ số phụ ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, giảm 4,34%. Các công ty dầu khí là những công ty tăng mạnh nhất, tăng 3,17%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm phiên thứ tư liên tiếp, khi một loạt dữ liệu kinh tế yếu làm mờ triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,12% xuống 3.272,36 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,33% xuống 3.937,76 điểm.
Dữ liệu mới cho thấy, các khoản vay ngân hàng mới của Trung Quốc đã giảm mạnh hơn nhiều so với dự kiến trong tháng 4, làm tăng thêm lo ngại rằng sự phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế.
Các chỉ số yếu được đưa ra vài giờ sau khi dữ liệu cho thấy áp lực giảm phát đang ngày càng sâu sắc ở Trung Quốc và vài ngày sau tin tức rằng nhập khẩu đã giảm mạnh.
"Sự yếu kém trong PMI và dữ liệu nhập khẩu trong tháng Tư, và tỷ lệ thất nghiệp của nhóm thanh niên tăng vọt trong tháng Ba, đã làm nổi bật lo ngại rằng sự phục hồi vĩ mô đang mất đà” Morgan Stanley cho biết trong một lưu ý.
Chứng khoán Hồng Kông giảm với nhóm cổ phiếu nhạy cảm với nền kinh tế đều đi xuống.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,59% xuống 19.627,24 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,47% xuống 6.663,55 điểm.
Các cổ phiếu nhạy cảm nhất với sức mạnh kinh tế dẫn đầu đà giảm, với nhà sản xuất nhôm China Hongqiao Group giảm 6,9%, Ngân hàng Công thương Trung Quốc giảm 2%. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc giảm 2,4%, cổ phiếu bảo hiểm Ping An Insurance giảm 3% và China Merchants Bank mất 2%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ tư liên tiếp, khi nhà đầu tư đứng ngoài trước những bất ổn xung quanh trần nợ của Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 15,58 điểm, tương đương 0,63%, xuống 2.475,42 điểm và giảm 1,02% trong tuần.
"Các tài sản rủi ro chứng kiến sự biến động mạnh do lo ngại tăng trưởng toàn cầu và mâu thuẫn trong đàm phán giới hạn nợ công của Mỹ", Lee Kyoung-min, nhà phân tích tại Daishin Securities cho biết.
Phiên này, các cổ phiếu lớn như gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 0,16%, nhưng SK Hynix tăng 1,04%, nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 1,08%.
Korea Electric Power Corp tăng 1,86% khi công ty điện lực nhà nước công bố kế hoạch cắt giảm chi phí và bán tài sản, trong bối cảnh khoản lỗ quý đầu tiên của công ty thu hẹp so với một năm trước đó.
Kết thúc phiên 12/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 261,58 điểm (+0,90%), lên 29.388,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 37,19 điểm (-1,12%), xuống 3.272,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 116,55 điểm (-0,59%), xuống 19.672,24 điểm Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 15,58 điểm (-0,63%), xuống 2.475,42 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Khó khăn, ngân hàng vẫn phải tăng vốn
Bất chấp tình hình thị trường khó khăn hiện tại, một loạt ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2023..>> Chi tiết
- Cổ phiếu thép “lệch pha” giá thép
Trong khi thị trường đang tỏ ra hưng phấn với cổ phiếu thép thì giá thép đã giảm lần thứ 4 liên tiếp sau chuỗi tăng 6 lần trước đó. Triển vọng ngành thép cũng được cho là chưa có nhiều khả quan khi tiêu thụ vẫn yếu trong các tháng tới..>> Chi tiết
- Nhà đầu tư Fn ưu tiên “đánh nhanh”
Ghi nhận từ một số nhà đầu tư có thâm niên tham gia thị trường chứng khoán (thường được gọi là Fn), quan điểm chung vẫn là thận trọng quan sát các tín hiệu vĩ mô và dành tỷ trọng nhỏ NAV để tranh thủ “lướt sóng” kiếm lời..>> Chi tiết
- FiinRatings: Trái phiếu doanh nghiệp khó khăn vẫn ở phía trước
Quy mô trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mua lại trước ngày đáo hạn trong tháng 4 đạt gần 11.300 tỷ đồng, giảm 41,61% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022; hoạt động mua lại trong tháng chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng, chiếm 61%..>> Chi tiết
- WB: Vấn đề nợ tại các nền kinh tế tiên tiến đang là yếu tố thách thức của nền kinh tế toàn cầu
Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass, các nền kinh tế phát triển trên toàn thế giới đang phải đối mặt với vấn đề nợ nần, góp phần cộng hưởng lên những vấn đề đau đầu khác của nền kinh tế toàn cầu khi các ngân hàng trung ương tiếp tục vật lộn với lạm phát dai dẳng..>> Chi tiết