Thị trường tài chính 24h: Nhiều nhóm ngành vẫn hấp dẫn để đầu tư
VN-Index nhích nhẹ; Ngân hàng lo xa mà gần; Cổ phiếu cảng biển: 'Nước lên, thuyền lên'; Xác suất giảm sâu rất thấp; Cơ hội lớn vẫn ở phía trước; Tổng số vốn IPO ở Đông Nam Á chạm mức thấp nhất trong 8 năm qua…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 20/11 tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và không đổi chiều bán so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 70,15 – 70,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ nhích nhẹ 0,3 USD lên 1.981,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm nhẹ và về gần 1.977 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,57 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 20/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.954 đồng/USD, giảm 18 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.005 – 24.345 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 36.600 USD thì sang phiên hôm nay đã hồi phục và lên trên 37.200 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,42 USD (+0,55%), lên 76,31 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,50 USD (+0,62%), lên 81,11 USD/thùng.
VN-Index đảo chiều tăng điểm
Chỉ số VN-Index mở cửa đã ngay lập tức giảm 15 điểm rồi dần thu hẹp đà giảm, thậm chí có thời điểm tiệm tham chiếu và bảo toàn được vùng giá 1.100 điểm.
Sau giờ nghỉ trưa, chỉ số giằng co nhẹ đôi chút trước khi lực cầu đã tự tin hơn giúp VN-Index bật tăng lên 1.111 điểm.
Tuy nhiên, đây cũng là mức giá cao nhất trong ngày và thị trường lại xảy ra “sự cố” khi khung 14h đã điểm. Chỉ số VN-Index đã quay đầu giảm nhẹ trước khi bật hồi đôi chút trong đợt khớp lệnh ATC.
Thị trường đã trải qua phiên giao dịch biến động mạnh với biên độ dao động lên tới hơn 26 điểm và khép lại bằng phiên tăng nhẹ bất chấp những thông tin có phần kém khả quan từ thị trường.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 15,28 triệu đơn vị, tương ứng giá trị mua ròng đạt 460,08 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 20/11: VN-Index tăng 2,47 điểm (+0,22%), lên 1.103,66 điểm; HNX-Index tăng 1,23 điểm (+0,54%), lên 227,77 điểm; UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,13%), lên 86,13 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán tăng trong phiên thứ Sáu (17/11) và ghi nhận tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp.
Động lực đem lại đà tăng trong tuần đến từ chỉ số CPI tháng 10 hạ nhiệt đã tăng kỳ vọng Fed có thể đã chấm dứt chu kỳ thắt chặt.
Trong tuần, Dow Jones tăng 1,9%, S&P 500 tăng 2,2%, trong khi Nasdaq tăng 2,4%.
Kết thúc phiên 18/11: Chỉ số Dow Jones tăng 1,81 điểm (+0,00%), lên 34.947,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,78 điểm (+0,13%), lên 4.514,02 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 11,81 điểm (+0,08%), lên 14.125,48 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản có lúc đã đạt mức cao nhất trong hơn ba thập kỷ, trước khi đảo chiều giảm nhẹ về cuối phiên, khi nhà đầu tư trở nên thận trọng về mức tăng mạnh gần đây của chỉ số.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,59% xuống 33.388,03 điểm, sau khi tăng trước đó lên mức cao nhất kể từ tháng 3/1990. Chỉ số Topix giảm 0,77% ở mức 2.372,60 điểm.
"Các nhà đầu tư đã bán dứt khoát khi họ trở nên thận trọng về mức tăng mạnh gần đây của Nikkei 225", Takehiko Masuzawa, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại Phillip Securities Japan, cho biết.
"Có nhiều tín hiệu tích cực cho Nikkei 225 hơn là tín hiệu tiêu cực, với triển vọng của các doanh nghiệp mạnh mẽ và việc mua lại cổ phiếu từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh vừa qua cũng như lãi suất của Mỹ dường như đã đạt đỉnh", Masuzawa nói.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, nhờ vào kỳ vọng trong các dấu hiệu hạ nhiệt quan hệ Trung-Mỹ.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,46% lên 3.068,32 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,23% lên 3.576,32 điểm.
Giúp nâng cao tâm lý nhà đầu tư là một số dấu hiệu của căng thẳng giảm bớt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cuộc gặp tuần trước giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một tín hiệu rất cần thiết cho thấy Thế giới cần hợp tác nhiều hơn, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết hôm thứ Sáu.
Thông tin khác là hôm nay, Trung Quốc thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn cố định, phù hợp với dự báo của thị trường.
Chứng khoán Hồng Kông đi lên nhờ động lực từ nhóm cổ phiếu công nghệ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,86% lên 17.778,07 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,16% lên 6.103,34 điểm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ tăng 2,5%, với đầu tàu Tencent tăng 3,6%.
Trong khi đó, cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản Sunac China Holdings tăng tới 11,8% sau khi công ty ra Tái cơ cấu nợ nước ngoài phát huy hiệu quả.
Nhà phát triển Longfor Group Holdings tăng 1,9% và China Resources Land, tăng 3,3%, khi các nhà quản lý tài chính của Trung Quốc cho biết họ sẽ hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản nhận các khoản vay, phát hành trái phiếu và nhận tài trợ vốn cổ phần hợp lý từ thị trường.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bật tăng hỗ trợ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI đóng cửa tăng 21,35 điểm, tương đương 0,86% lên 2.491,20 điểm.
Rất nhiều bất ổn đã được giải tỏa kể từ tuần trước và có một kỳ vọng lạc quan về kết quả kinh doanh của Nvidia vào cuối tuần này, điều này có thể nâng đỡ cổ phiếu chip Hàn Quốc”, Lee Kyoung-min, một nhà phân tích tại Daishin Securities cho biết.
Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 0,28% và SK Hynix tăng 1,15%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 2,78%.
Kết thúc phiên 20/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 197,17 điểm (-0,59%), xuống 33.388,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,95 điểm (-0,46%), lên 3.068,32 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 323,88 điểm (+1,86%), lên 17.778,08 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 21,35 điểm +0,86%), lên 2.491,20 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng lo xa mà gần
Quy định về cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến 30/6/2024 mới hết hiệu lực, nhưng các ngân hàng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian thực hiện..>> Chi tiết
- Cổ phiếu cảng biển: "Nước lên, thuyền lên"
Hai tuần qua, nhóm cổ phiếu cảng biển gần như liên tiếp tăng giá, bởi ngành này có dấu hiệu phục hồi, trong khi thị trường chứng khoán có nhịp tăng điểm..>> Chi tiết
- Xác suất giảm sâu rất thấp
VN-Index có thể sẽ giảm thêm, nhưng ít có nguy cơ giảm sâu, bởi nhiều nhóm ngành vẫn hấp dẫn đầu tư, bao gồm bất động sản..>> Chi tiết
- Cơ hội lớn vẫn ở phía trước
Trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư nên giữ tâm lý phòng thủ chặt nếu như bên mua bất ngờ thất thế, nhưng cần chuẩn bị tâm lý phản công nhanh một khi xu hướng tăng được xác nhận rõ ràng..>> Chi tiết
- Tổng số vốn IPO ở Đông Nam Á chạm mức thấp nhất trong 8 năm qua
Indonesia, Thái Lan và Malaysia đã huy động khoảng 5,4 tỷ USD, chiếm 98% tổng số vốn huy động được trên toàn Đông Nam Á..>> Chi tiết