Thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh sau quyết định của Tổng thống Nga
Ngày 22/2, thị trường chứng khoán lao dốc mạnh trong khi giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm. Những diễn biến này diễn ra khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh triển khai quân đội đến hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine...
Ngày 22/2, thị trường chứng khoán lao dốc mạnh trong khi giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm. Những diễn biến này diễn ra khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh triển khai quân đội đến hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine, sau khi tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng này.
Việc Tổng thống Nga Putin công nhận độc lập và đưa quân vào hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine là một diễn biến bất ngờ, bởi trước đó giới quan sát hy vọng sẽ có một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden để “tháo ngòi” khủng hoảng. Từ trước khi có động thái này của người đứng đầu điện Kremlin, thị trường tài chính toàn cầu đã biến động mạnh từ đầu năm đến nay do lo ngại căng thẳng địa chính trị ở biên giới giữa Nga với Ukraine có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh ở châu Âu.
Chính vì thế, sau khi Tổng thống Nga Putin khi ký quyết định công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng thì thị trường tài chính toàn cầu đã chao đảo.
Các tài sản Nga lao dốc mạnh. Tỷ giá đồng Rúp Nga có lúc giảm 3,3% so với đồng đô la Mỹ trong phiên ngày hôm qua. Thị trường chứng khoán Nga chạm đáy 1 năm, với chỉ số RTS tính theo đồng đô la chốt phiên với mức giảm 13,2% và chỉ số MOEX tính theo đồng Rúp mất 10,5%.
Thị trường tài chính châu Âu cũng “đỏ lửa” trong phiên đêm qua. Chỉ số chứng khoán của Đức và Pháp đều ghi nhận mức sụt giảm hơn 2%. Chứng khoán châu Á ngập trong sắc đỏ, trong đó chỉ số Hang Seng của Hồng Kông dẫn đầu mức giảm, mất 3,4% trong phiên giao dịch buổi sáng nay.
Chỉ số chứng khoán châu Á chủ chốt khác như Shanghai Composite của Trung Quốc, Nikkei 225 tại Nhật Bản, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng ghi nhận đều mức giảm từ 1%. Mặc dù chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Ngày Tổng thống (Presidents Day) vào ngày hôm qua, nhưng dự đoán sẽ có một phiên giao dịch “sóng gió” vào ngày 22/2.
Trái ngược với thị trường chứng khoán, giới phân tích không loại trừ khả năng Nga sẽ dùng năng lượng làm “vũ khí” đáp trả lại lệnh trừng phạt của phương Tây. Chính vì thế, giá dầu vào khí đốt cũng như tài sản trú ẩn như vàng đã tăng mạnh trong phiên ngày 22/2.
Tại sàn giao dịch điện tử Singapore vào trưa 22/2, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 1,5% lên 96,85 USD/thùng do lo ngại hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga có thể bị gián đoạn. Giá dầu ngọt nhẹ New York có lúc tăng 3,14% lên 93,93 USD/thùng. Giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 1.909,10 USD/ounce sau khi có lúc chạm mức đỉnh mới trong sáu tháng là 1.911,56 USD/ounce.
Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng địa chính trị Nga-Ukraine trong những ngày tới sẽ còn có thể tiếp tục gây ra cú sốc niềm tin trên thị trường toàn cầu. Chính vì thế, các nhà đầu tư trên toàn cầu nên “chuẩn bị tinh thần” cho những phiên giao dịch có mức độ biến động lớn.
Ông Zachary Hill - Trưởng bộ phận quản lý danh mục đầu tư tại Horizon Investments của Mỹ cảnh báo: "Tôi nghĩ động lực lớn nhất khiến chứng khoán lao dốc là những căng thẳng về vấn đề Ukraine. Căng thẳng này thật sự chỉ mới xuất hiện trong vài tuần qua nhưng đã gây ra rất nhiều lo ngại. Tôi không phải là chuyên gia về địa chính trị nhưng tôi nghĩ sự biến động này sẽ còn tiếp tục”./.