Thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý: Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định

Mặc dù sức mua trên thị trường tăng khoảng 10 – 20% tùy nhóm mặt hàng, tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc chủ động và tích cực của các Bộ, ngành nhất là Bộ Công Thương, nên về cơ bản nguồn cung hàng hóa dồi dào, thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 không có biến động lớn, đặc biệt là đối với mặt hàng thịt lợn.

Thị trường các mặt thực phẩm những ngày từ 25 Tết bắt đầu sôi động, sức mua đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng mạnh nhưng do nguồn cung dồi dào nên giá không tăng cao, mặt bằng giá các hàng hóa phục vụ Tết chỉ tương đương so với Tết năm trước.

Giá thịt lợn tăng nhẹ

Bộ Công Thương cho hay, đối với mặt hàng thịt lợn - mặt hàng có biến động nhất trong năm 2019 - sau khi tăng liên tiếp vào quý IV/2019, đạt đỉnh vào giữa tháng 12 năm 2019, giá thịt lợn đã giảm trở lại vào cuối tháng 12, tiếp tục ổn định vào đầu tháng 1/2020. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thiếu hụt trong tháng 11, 12 năm 2019 và tháng 1 năm 2020, nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên đã nhanh chóng bình ổn giá thịt lợn. Nguồn cung thịt lợn phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết vẫn cơ bản được bảo đảm. Giá thịt lợn các loại tại các tỉnh miền Bắc cao hơn so với các tỉnh miền Trung và miền Nam. Giá thịt lợn Tết Nguyên đán Canh Tý tăng nhẹ khoảng 10.000đ/kg so với cuối năm 2019, nhưng cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 55 - 77%, trong đó, giá thịt lợn hơi cao hơn từ 75 – 77%, giá thịt lợn thành phẩm chỉ cao hơn từ 52 - 58%.

Ngành Công Thương chủ động nhiều giải pháp không để khan hàng sốt giá Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020

Ngành Công Thương chủ động nhiều giải pháp không để khan hàng sốt giá Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020

Giá thịt lợn phổ biến tại các địa phương những ngày trong Tết như sau: phía Bắc thịt lợn hơi ở mức 78.000 – 84.000 đồng/kg, thịt lợn mông sấn 140.000 - 160.000 đồng/kg, thịt nạc thăn 150.000 - 180.000 đồng/kg; phía Nam thịt lợn hơi phổ biến ở mức 75.000 – 80.000 đồng/kg, thịt lợn mông sấn 130.000 - 150.000 đồng/kg, thịt nạc thăn 140.000 - 170.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20-25% so với các tháng thông thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước. Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, trứng gia cầm, gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...

Năm nay do giá nguyên liệu đầu vào (thịt lợn) tăng nên giá các sác phẩm thực phẩm chế biến: Giò chả, xúc xích, lạp xưởng.... có xu hướng tăng nhẹ khoảng 5 - 10%, riêng mặt hàng giò lụa tăng 30 - 35% so với năm trước nhưng nguồn cung ổn định. Mặc dù, sang đầu năm 2020, giá thịt lợn đã giảm và ổn định trở lại, chỉ tăng nhẹ trong những ngày sát Tết nhưng so với cùng kỳ năm trước thì giá vẫn ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm nhẹ.

Thị trường hàng hóa Tết không có biến động lớn

Thị trường hàng hóa Tết Canh Tý 2020 khá sôi động, nhất là trong tuần từ sau ngày 23 tháng Chạp, sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 15 - 20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10 - 12% so với Tết năm 2019.

Các hàng bánh mứt kẹo, đồ uống cũng không có biến động lớn chỉ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước, riêng mặt hàng bia, rượu do sức mua thấp hơn (ảnh hưởng của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và thời tiết lạnh vào những ngày cận Tết) nên giá giảm nhẹ, các mặt hàng khác nguồn cung đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Đối với mặt hàng gạo, trước Tết, theo báo cáo của một số địa phương, nguồn cung gạo tiếp tục dồi dào, các doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị từ trước và bám sát nhu cầu thị trường nên sức mua nhìn chung không có đột biến. Gạo ST25, một số loại gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp thu hút khách hàng nên giá tăng nhẹ so với ngày thường và tăng khoảng 5 - 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sức mua đã tăng khá mạnh từ ngày 23 tháng Chạp (tức là ngày 17/1/2020). Ước lượng gạo dự trữ và sức mua tăng khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp. Ước giá gạo tẻ chất lượng cao tăng khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg, tùy loại và địa phương. Giá gạo nếp cũng có xu hướng tăng nhẹ so với ngày thường và tăng khoảng 2.000 – 2.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Đối với mặt hàng thịt bò, gia cầm, thủy hải sản, như thường lệ, đây là các mặt hàng có sức tiêu thụ tăng mạnh trong những ngày cận Tết nên giá đều có xu hướng tăng so với ngày thường khoảng 10 - 15% so với các tháng thường trước Tết, giá ở mức cao nhất là vào những ngày ngay sát Tết (cả trước và sau Tết), nhưng chỉ tăng nhẹ hoặc tương đương với Tết Kỷ Hợi 2019. Đến ngày mùng 5 Tết nhu cầu tiêu dùng và buôn bán mặt hàng này chưa cao nhưng do nguồn cung chưa nhiều nên giá tăng nhẹ so với sát Tết. Hiện phổ biến ở mức: Thịt bò thăn 280.000 - 350.000 đồng/kg; gà ta làm sẵn 140.000 - 160.000 đồng/kg; tôm sú (26-30 con/kg) 500.000 - 600.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng rau củ, quả thời tiết thuận lợi, nguồn cung các loại dồi dào nên giá cả nhìn chung ít biến động, giá một số loại rau gia vị, rau trái mùa tăng nhẹ. Riêng tại phía Bắc, với một số loại rau vụ đông như: xu hào, cà chua, súp-lơ, cải bắp..., một số loại rau gia vị mặc dù nguồn cung dồi dào nhưng do thời tiết lạnh và mưa to nên giá tăng mạnh vào sát Tết và sau Tết, cao hơn 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước. Đối với một số loại trái cây tiêu dùng nhiều trong dịp Tết hầu hết có giá tương đương so với Tết năm trước, một số loại giá thấp hơn khoảng 5 - 8% như bưởi diễn, cam canh...

Các loại bánh, mứt, kẹo có nhiều mẫu mã phong phú đa dạng, chủng loại phù hợp với thị hiếu, thu nhập của từng tầng lớp người tiêu dùng khác nhau. Giá các sản phẩm này chỉ tăng nhẹ (3 – 5%) vào thời điểm trước Tết khoảng 2 tuần sau đó ổn định đến sát Tết. Các doanh nghiệp sản xuất đã xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán tương đương hoặc tăng khoảng 1 - 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chú trọng vào các sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới cao cấp có chất lượng cao, kết hợp thay đổi đa dạng mẫu mã sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đồng thời tránh được các sản phẩm hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Mức sống tăng, nhu cầu mua sắm hàng hóa chất lượng bảo đảm, an toàn thực phẩm tăng nên tại các thành phố lớn xu hướng mua sắm Tết của người dân tập trung vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm an toàn... ngày càng nhiều. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại nhất là các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, giá hàng hóa được giữ ổn định hơn. Trên thị trường, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng. Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức các chợ hoa Tết, Hội chợ Xuân... cũng là các địa điểm thu hút đông người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm…

Bộ Công Thương đánh giá, về cơ bản, thị trường Tết năm nay không có biến động lớn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, công tác phục vụ Tết của nhiều siêu thị, chợ được kéo dài đến chiều ngày 30 Tết và bắt đầu phục vụ trở lại vào ngày 1 - 2 Tết, một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đã không nghỉ Tết nên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân.

Các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết được lưu thông, phân phối thông qua các chợ truyền thống và các hệ thống phân phối hiện đại gồm 8.475 chợ, 1.007 siêu thị và khoảng 212 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi...

Nhằm kích cầu tiêu dùng và mua sắm, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích có những chương trình khuyến mại, giảm giá sâu, trong đó có những mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến cũng được giữ ổn định trong những ngày cận Tết. Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh..., một số siêu thị như Aeon Mall đã phục vụ xuyên suốt dịp Tết Nguyên đán để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và tránh tình trạng găm hàng khiến giá tăng cao đột biến.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-tet-nguyen-dan-canh-ty-nguon-cung-doi-dao-gia-ca-on-dinh-131930.html