Thị trường tết Trung thu 'đìu hiu' vì Covid-19

Tết Trung thu không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn là dịp để con cháu bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ. Trung thu là tết của tình thân, của đoàn tụ gia đình và bánh trung thu là một nét đặc trưng trong dịp này. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, trung thu năm nay thưa thớt những gian hàng bánh, lồng đèn trên các tuyến phố. Đại lý, cửa hàng tạp hóa cũng nhập hàng cầm chừng. Các cơ sở sản xuất bánh trung thu nhỏ, lẻ không còn nhộn nhịp như mọi năm.

Thưa quầy, vắng khách

Do ảnh hưởng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các quầy bán bánh trung thu không nhiều, quy mô không lớn và thị trường không nhộn nhịp như mọi năm. Tại thành phố Đồng Xoài, các gian hàng thưa thớt hẳn. Anh Phan Văn Tuân, chủ quầy bánh trung thu tại khu vực ngã tư Đồng Xoài cho biết, tết Trung thu năm 2020, gia đình mở 10 gian hàng bán bánh thì nay chỉ còn 4. Số lượng bánh nhập về chỉ khoảng 50% so với các năm trước, có đủ các mặt hàng như mọi năm nhưng sức mua rất yếu. “Mọi năm vào thời điểm cận rằm như thế này, bánh trung thu được tiêu thụ rất nhiều. Còn hiện nay, tại gian hàng ngay trung tâm thành phố cũng chỉ bán được tầm 50 bánh/ngày, chưa bằng một nửa so với năm ngoái. Những cửa hàng khác thì ít hơn hẳn” - anh Tuân chùng giọng.

Một quầy bán bánh trung thu khu vực bùng binh Đồng Xoài thưa thớt khách hàng dù tết Trung thu đã gần kề

Một quầy bán bánh trung thu khu vực bùng binh Đồng Xoài thưa thớt khách hàng dù tết Trung thu đã gần kề

Để có một gian hàng bán bánh trung thu, người kinh doanh sẽ phải tốn kinh phí thuê mặt bằng tại những vị trí đắc địa, thu hút người mua, tiền vốn nhập hàng về. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân đang thắt chặt chi tiêu nên chuyện nhập hàng về bán là "bài toán" mà người kinh doanh phải đắn đo, suy nghĩ.

Chị Lý Thị Mỹ Phụng, chủ cửa hàng tạp hóa Mỹ Phụng, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài chia sẻ: “Ban đầu, tôi không tính bán bánh trung thu vì lo ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng cuối cùng cũng quyết định nhập hàng về bán để phục vụ nhu cầu khách hàng. Thế nhưng, tôi cũng chỉ dám nhập về 50% lượng hàng so với trung thu năm ngoái”.

Mọi năm dịp tết Trung thu, cửa hàng tôi nhận được rất nhiều đơn hàng sỉ từ các doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức thiện nguyện. Thế nhưng năm nay, các đơn hàng sỉ giảm rõ rệt, chỉ lác đác vài đơn với số lượng không nhiều. Khách hàng hiện tại chủ yếu đến mua lẻ 1, 2 cái bánh để ăn cho có không khí trung thu là chính.

Chị Lý Thị Mỹ Phụng,
chủ cửa hàng tạp hóa Mỹ Phụng, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài

Ngay tại trung tâm tỉnh lỵ đã vậy, ở các huyện, thị xã lại càng thưa thớt gian hàng bán bánh trung thu, người tiêu dùng muốn mua cũng phải “chạy giáp vòng”. Chị Hà Thị Mỹ Linh ở phường Long Phước, thị xã Phước Long kể: “Mọi năm, khi gần đến tết Trung thu, các cửa hàng bán bánh trung thu mọc lên như nấm. Vậy mà năm nay, muốn mua bánh tôi phải vất vả tìm khắp lượt mới thấy nơi bán, song mặt hàng cũng không đa dạng như mọi năm. Những mặt hàng bánh trung thu của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hầu như không thấy”.

"Vắng" bánh trung thu từ cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ

Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến chi phí nguyên liệu tăng cao và lo ngại kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng hạn chế nên nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu nhỏ, lẻ trong tỉnh tạm ngưng sản xuất mùa trung thu 2021.

Dịp tết Trung thu năm trước, cơ sở sản xuất bánh ngọt Bình Minh 1, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài sản xuất hơn 10.000 bánh, nhưng năm nay quyết định không kinh doanh mặt hàng này. “Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên người tiêu dùng cắt bớt chi tiêu. Hiện nay, xưởng tôi chủ yếu bán được các sản phẩm "bánh ăn no" chứ các mặt hàng "bánh ăn chơi" rất ít người mua. Đó là chưa kể nguy cơ dịch xâm nhập, nếu vừa nhập hàng về với số lượng lớn mà cơ sở bị phong tỏa thì lúc đó nguyên liệu sẽ phải bỏ đi. Nguy cơ lỗ vốn rất cao” - bà Lục Thị Thu, chủ cơ sở lý giải.

Quyết định tạm dừng sản xuất bánh trung thu cũng là chủ ý của gia đình bà Đặng Thị Hoa, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài. Bà Hoa cho biết: Những năm trước, từ ngày 20-7 gia đình đã bắt đầu làm bánh trung thu để bán, còn năm nay vẫn chưa làm mẻ bánh nào. “Gia đình đã tính nghỉ không làm nhưng mấy ngày qua có một vài khách hàng thân quen đặt bánh để ăn. Hiện tôi đang gom đơn, dự tính ngày 12-8 âm lịch mới bắt đầu làm bánh và giao hàng cho có không khí trung thu. Năm nay, gia đình chỉ làm khoảng 100 bánh để phục vụ khách quen”.

Lồng đèn khan hiếm

Cùng với sự thưa thớt của các quầy hàng bán bánh trung thu, những gian hàng bán lồng đèn năm nay cũng ít hẳn. Trên đường Điểu Ong, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài, các cửa hàng tạp hóa vắng hẳn hình ảnh lấp lánh của những chiếc đèn đầy màu sắc, kiểu dáng… Không chỉ việc nhập hàng khó, giá lồng đèn cao hơn mọi năm từ 5-7 ngàn đồng/cái, mà còn do ảnh hưởng của dịch, các gia đình thắt chặt chi tiêu nên phụ huynh cũng dè dặt chuyện mua cho con chiếc lồng đèn để đón trung thu.

Năm ngoái, tôi nhập 100 chiếc lồng đèn về là bán hết ngay trong 1 tuần. Còn năm nay, tôi chỉ mới bán được 10 chiếc, mặc dù chỉ dám nhập 30 chiếc. Đây là năm đầu tiên tôi thấy thị trường tết Trung thu ế ẩm, đìu hiu như thế này.

Bà Nguyễn Thị Thạnh,
chủ cửa hàng tạp hóa Ngọc Viên, QL14, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài

Bà Ngô Tựu Lài, chủ cửa hàng tạp hóa Tựu Lài, đường Điểu Ong cho biết, năm nay cửa hàng chỉ có khoảng 200 chiếc lồng đèn để bán. Đây là những chiếc lồng đèn còn tồn của mùa trung thu năm ngoái chứ cửa hàng cũng không nhập được hàng mới. Người dân thấy có bán lồng đèn cũng đến hỏi mua nhưng rất ít.

Hồng Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/127030/thi-truong-tet-trung-thu-diu-hiu-vi-covid-19