Thị trường thép châu Á chịu sức ép vì thép giá rẻ của Nga

Dòng chảy bất thường của các sản phẩm giá rẻ của Nga đang làm chao đảo thị trường thép ở châu Á, gây sức ép giảm giá và khiến một nhà sản xuất chủ chốt trong khu vực cảnh báo sẽ cân nhắc các biện pháp đáp trả thương mại.

Công nhân làm việc tại lò cao tại nhà máy thép của Công ty thép Severstal ở Cherepovets, Nga. Ảnh: Bloomberg

Nga đang ồ ạt xuất khẩu thép về phía đông sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đã phong tỏa các thị trường lớn ở phương Tây. Trong khi đó, chiến tranh ở Ukraine làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu thép của Nga qua khu vực ở Biển Đen, theo các nhà sản xuất thép châu Á.

Khối lượng thép xuất khẩu của Nga sang châu Á đang tăng lên. Điều này có thể gây áp lực lên các thị trường thép trong khu vực vốn đã bị tổn thương trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc giảm sút.

Hôm 18-7, Tập đoàn thép CSC của Đài Loan cho biết đang thu thập bằng chứng để sẵn sàng thực hiện các bước “chống lại các hành vi thương mại không công bằng” của Nga. Theo nhận định của Công thép Tokyo Steel (Nhật Bản), khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc hồi phục, nước này có thể chuyển sang mua thép giá rẻ của Nga thay vì nhập khẩu các sản phẩm từ châu Á.

Sự thay đổi dòng chảy thương mại thép của Nga cũng giống như việc nhiều mặt hàng của nước này từ than đá đến dầu thô đang hướng đến thị trường khác để tìm kiếm người mua mới khi đối mặt với các lệnh trừng phạt hoặc tẩy chay từ các chính phủ và doanh nghiệp phương Tây.

Phần lớn nguồn thép dư thừa của Nga, đặc biệt là sản phẩm sơ chế hay còn gọi là phôi thép, đã chảy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà máy thép của Nga hiện cũng đang đẩy mạnh bán các sản phẩm thép với giá thấp hơn ở Trung Quốc và các nơi khác ở châu Á.

Tờ India Times hôm 17-7 dẫn các nguồn tin cho biết, sau than đá và dầu thô, thép của Nga đang “đổ bộ” vào các bờ biển Ấn Độ, gây lo lắng cho các nhà sản xuất thép trong nước vì các đối thủ của Nga đang bán tống bán tháo lượng hàng tồn kho ngày càng tăng.

Các nguồn tin cho biết, có hai hoặc ba chuyến hàng thép của Nga đã cập cảng Ấn Độ. Thép cuộn cán nóng (HRC) tiêu chuẩn của Nga đang được chào bán mức chiết khấu khoảng 3.000 rupee (38 đô la) / tấn so với giá trong nước. Theo dữ liệu từ SteelMint, kể từ tháng 6, các khách hàng Ấn Độ đã đặt khoảng 150.000 tấn HRC của Nga, nhiều hơn gần gấp ba lần tổng lượng thép nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga trong năm 2021, khoảng 56.000 tấn.

Điều này xảy ra vào thời điểm các nhà sản xuất thép Ấn Độ đang gặp khó khăn trên thị trường xuất khẩu do mức thuế xuất khẩu mới 15% được áp kể từ tháng 5. Xuất khẩu thép của Ấn Độ đã giảm kể từ đó, nhu cầu trong nước cũng đi xuống khiến các nhà sản xuất thép Ấn Độ lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường nội địa.

“Thép Nga là một vấn đề đáng lo ngại vì các nhà sản xuất của Nga đang bán với giá cực rẻ”, lãnh đạo của một công ty thép hàng đầu ở Ấn Độ nói với điều kiện giấu tên.

Tuy nhiên, với Tokyo Steel, nhà sản xuất hợp kim từ sắt thép phế liệu thì sự xuất hiện của các sản phẩm giá rẻ của Nga lại là yếu tố thuận lợi vì đem lại tác động giảm giá với giá sắt thép phế liệu trong khu vực.

Các nhà sản xuất phôi thép trên khắp Đông Nam Á, vốn là nhà cung cấp lớn cho Trung Quốc trong những năm gần đây, đang cắt giảm sản lượng. Điều đó có nghĩa là họ đang mua ít sắt thép phế liệu hơn, kể cả từ Nhật Bản, giúp nguồn cung tại chỗ dồi dào hơn cho Tokyo Steel.

Các sản phẩm thép của Nga là “một nhân tố hoàn toàn mới chưa từng có trước đây” trên thị trường sắt thép phế liệu”, Soichiro Tsuda, Giám đốc phụ trách của Tokyo Steel nói vào tuần trước trong một cuộc phỏng vấn.

Giá sắt thép phế liệu của Nhật Bản đã giảm hơn 25% từ mức cao hồi tháng 4 nhưng Tsuda đánh giá: “Giá sắt thép phế liệu có thể sẽ giảm hơn nữa, hoặc duy trì ở mức hiện tại”.

Tại Đài Loan, Tập đoàn thép CSC của Đài Loan, có quy mô công suất ngang ngửa với U.S. Steel Corp., nhà sản xuất thép lớn thứ hai của Mỹ, cho biết đang theo dõi dòng chảy các sản phẩm thép cán nóng của Nga trong lúc có thông tin các nhà sản xuất của nước này đang giảm giá.

“Các nhà máy thép của Nga đang mong muốn chuyển sang thị trường châu Á để bán với giá thấp hơn nhiều so với thị trường quốc tế nhằm loại bỏ lượng thép dư thừa. Tin đồn về việc bán các sản phẩm thép giá rẻ trên quy mô lớn ở Nga đang sôi sục, làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự của thị trường thép trong nước”, theo CSC.

Hồi cuối tháng 3, trong một báo cáo gửi cho Phó Thủ tướng Andrey Belousov, Hiệp hội các nhà sản xuất Nga cảnh báo nhu cầu thép trong nước có thể giảm 30%, tương đương 13 triệu tấn trong năm 2012, chủ yếu do tình trạng dừng hoạt động trong ngành công nghiệp ô tô.

Có 8 trong số 14 nhà máy lắp ráp ô tô ở Nga, bao gồm các nhà máy của các hãng xe nước ngoài đã tạm dừng hoạt động vô thời hạn sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây ngăn cấm hoặc làm phức tạp hoạt động xuất khẩu một số linh kiện ô tô quan trọng sang Nga.

Theo Bloomberg, India Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-thep-chau-a-chiu-suc-ep-vi-thep-gia-re-cua-nga/